Điện Biên Phủ - Chiến trường xưa và diện mạo hôm nay
Những đổi thay của thành phố trẻ Điện Biên Phủ hôm nay là minh chứng chân thực nhất cho sức mạnh đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Điện Biên đã bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Chỉ riêng việc thu dọn hậu quả của chiến tranh, Điện Biên cũng đã mất đến 2 năm. Tuy nhiên, nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây, Điện Biên từng bước trở thành một thành phố khang trang, hiện đại của vùng Tây Bắc.
Nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2016), chúng ta cùng nhìn lại chiến trường Điện Biên cách đây 62 năm và diện mạo mới của thành phố trẻ Điện Biên Phủ hôm nay.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi sau 56 ngày đêm, với 3 đợt tấn công, trải qua các trận đánh tại các cứ điểm quan trọng như: Him Lam, Độc Lập, bản Kéo, Đồi D1, C1, phân khu trung tâm sân bay Mường Thanh, Đồi A1 và tập đoàn cứ điểm của Tướng Pháp De Castries...
Điện Biên hôm nay |
Sau ngày 7/5/1954, chiến trường Điện Biên Phủ bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngổn ngang vũ khí và bom đạn hậu chiến tranh. Không chỉ được ghi lại qua những tấm ảnh, hay từng thước phim tư liệu, mà chiến trường Điện Biên Phủ đổ nát bởi chiến tranh năm nào, dù đã trải qua hơn 6 thập kỷ, nhưng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức những cựu chiến binh là chiến sỹ Điện Biên năm ấy.
Cựu chiến binh Hoàng Công Đẩy, ở tổ dân phố 20, phường Him Lam - thành phố Điện Biên Phủ - người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 62 năm cũng nhớ lại: “Tôi chỉ thấy chiến trường lúc đó màu đỏ. Khói mù mịt…nói chung chúng tôi nhìn mặt nhau không rõ. Nhà cửa, cây cối không còn gì, chỉ còn mấy cái cột cháy nhẻm nhem hết”.
Cũng theo lời kể của những chiến sỹ Điện Biên Phủ năm xưa, Điện Biên phải mất 2 năm thu dọn chiến trường và đưa dân sơ tán về ổn cư. Sau đó, Điện Biên mới bắt tay vào xây dựng, kiến thiết nhà cửa và lao động sản xuất, đồng thời tiếp tục khắc phục hậu qủa chiến tranh.
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự đoàn kết, nỗ lực của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các địa phương và quân chúng nhân dân, Điện Biên hoang tàn năm ấy đã chuyển mình, nhất là trong những đổi mới vừa qua đã từng bước khẳng định là “trái tim” của vùng Tây Bắc.
Riêng trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh đã đạt bình quân 9,11%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 23,6 triệu đồng một người một năm, tăng xấp xỉ 90% so với 5 năm trước đó; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, nay còn 28%.
Đặc biệt, nhiều tiềm năng, lợi thế và nguồn lực đầu tư phát triển tiếp tục được khai thác, phát huy có hiệu quả. Đáng kể nhất là tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, bởi những dấu tích chiến tranh còn lại tại các điểm thuộc quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ được tỉnh bảo tồn, đầu tư, tôn tạo đang là điểm đến thăm quan của hàng trăm ngàn lượt du khách trong và ngoài nước mỗi năm.
Đây cũng là một trong những yếu tố giúp Điện Biên nói chung, thành phố Điện Biên Phủ nói riêng tập trung phát triển du lịch - một hình thức phát triển kinh tế mang tính mũi nhọn của địa phương.
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch tỉnh Điện Biên nói: “Để khai thác một cách hiệu quả các di tích lịch sử của Điện Biên, tạo thành các di du lịch lịch sử và du lịch về văn hóa, du lịch về chính trị, du lịch về cộng đồng, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt. Trước hết, tập trung nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Hai là nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan chuyên ngành, đặc biệt là quản lý giá, quản lý dịch vụ, quản lý du lịch để làm tốt công tác dịch vụ du lịch”.
Điện Biên xưa |
Bom, đạn, khói lửa đã lùi xa. Lòng chảo Điện Biên năm nào nay đã trở thành cánh đồng lúa mênh mông bát ngát, những ngôi nhà cao tầng và từng nếp nhà sàn ngói đỏ khang trang.
Những hiện hữu về sự đổi thay nhanh chóng của thành phố trẻ Điện Biên Phủ hôm nay là minh chứng chân thực nhất cho sức mạnh đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Đồng thời cũng là minh chứng cho tinh thần Điện Biên anh hùng, tinh thần của những chiến sỹ "Đầu nung lửa sắt, năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn..." trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây hơn 60 mùa hoa ban./.
Theo VOV