Điểm tựa giúp người tàn tật và trẻ mồ côi vươn lên trong cuộc sống

Thứ Tư, 04/05/2016, 08:46 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ngày 30/9/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1106/QĐ-UBND về việc cho phép thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh. Như vậy, sau một thời gian tích cực tuyên truyền, vận động, hoàn thành hồ sơ, thủ tục đề nghị thành lập Hội, niềm mong mỏi của hàng nghìn người khuyết tật và trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh đã được đáp ứng. Bởi từ nay đã có một tổ chức xã hội đứng ra giúp họ đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời động viên, chia sẻ khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng động.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 4.849 người khuyết tật và gần 4.500 trẻ em khuyết tật, mồ côi, không nơi nương tựa. Đây là những đối tượng yếu thế trong xã hội, có cuộc sống khó khăn và nhiều mặc cảm, tự ti nên rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện là tỉnh nghèo, lại có rất ít các tổ chức xã hội của người khuyết tật và vì người khuyết tật, trẻ mồ côi nên việc giúp đỡ những đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn. Việc thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tàn tật, trẻ mồ côi; giúp họ khắc phục khó khăn, phát huy khả năng tham gia các hoạt động xã hội; đồng thời được trợ giúp chia sẻ khó khăn; phục hồi chức năng, chăm sóc y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm xóa đói giảm nghèo và các dịch vụ khác… Qua đó, giúp họ hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

v
Thông qua sự kết nối, tuyên truyền tích cực của Ban vận động thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh nhiều đối tượng người tàn tật, trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh đã được các tổ chức, cá nhân thăm hỏi, giúp đỡ chia sẻ khó khăn.

 

Thời gian qua, Ban vận động thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã tích cực hoàn thành thủ tục, hồ sơ đề nghị thành lập Hội; vận động mọi người đăng ký tham gia hội viên; xây dựng dự thảo điều lệ Hội; đề án nhân sự, kế hoạch tổ chức đại hội… Tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, Ban vận động thành lập Hội người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm thăm hỏi động viên, chia sẻ khó khăn với người khuyết tật và trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh như: Phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Thành phố Hà Nội và Hội Đông y Hà Nội trao tặng 200 suất quà cho các gia đình bị ảnh hưởng của lũ lụt tại xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) với tổng trị giá gần 200 triệu đồng; trao tặng mỳ tôm, dép, xà phòng, thuốc bổ cho trẻ em mồ côi tại Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Chùa Phước Tường (Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh) trao tặng 2 tấn gạo, 200 kiện mỳ tôm, 200kg đường, 100 chai nước mắm cho 200 hộ nghèo của các xã lòng chảo của huyện Điện Biên, đồng thời trao tặng 30 xe đạp với tổng trị giá 90 triệu đồng cho trẻ em mồ côi của huyện.

Những phần quà trên đã kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn với bản thân và gia đình những người khuyết tật, trẻ em mồ côi, giúp họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như trường hợp của 3 anh em Vàng A Tà, bản Pa Pốm, xã Thanh Minh, Thành phố Điện Biên Phủ. Do bố mất sớm, mẹ đi bước nữa nên ngay khi còn nhỏ 3 anh em Vàng A Tà đã phải tự học hành, lao động và chăm sóc lẫn nhau. Bản thân còn nhỏ (mới 12 tuổi) lại đang đi học nên Vàng A Tà không giúp được gì nhiều cho các anh ngoài việc nấu cơm và thỉnh thoảng đi chăn trâu vào thời gian không phải lên lớp. Trong khi người anh cả là Vàng A Của hiện đang học lớp 11, Trường THPT Phan Đình Giót ngay từ khi mới sinh đã bị khuyết tật ở chân nên chỉ có thể đi lại, vận động nhẹ nhàng chứ không thể làm những việc nặng. Vì thế người anh trai thứ hai Vàng A Giủa mới 17 tuổi đã phải bỏ học giữa chừng để ở nhà lấy vợ, làm nương nuôi anh trai và em đi học. Mọi chi phí trong gia đình phụ thuộc cả vào số tiền trợ cấp hàng tháng của hai anh em Của, Tà và một ít lúa, sắn mà vợ chồng Giủa lao động thu hoạch được hàng năm. Vì thế cuộc sống của gia đình em gặp rất nhiều khó khăn. Chia sẻ với sự mất mát, khó khăn của gia đình em, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Ban vận động thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã thăm, tặng chăn ấm mùa đông…

Hay như trường hợp của em Hoàng Thị Phương Linh (tổ 2, phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ), mặc dù đã 6 tuổi nhưng do mắc bệnh bại não nên em không thể nhận thức và vận động bình thường như bao trẻ em khác. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều do bà ngoại và bố mẹ em chăm sóc. Nhờ sự động viên thăm hỏi, tặng quà của Ban vận động thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em tỉnh đã tiếp thêm động lực để em và gia đình vượt qua mặc cảm, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Tin tưởng rằng với sự ra đời của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, nhất là sau khi tổ chức thành công Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015 - 2020 vào ngày 12/4 vừa qua. Trong thời gian tới, việc thực hiện chế độ chính sách, quyền, lợi ích của người người tàn tật, trẻ em mồ côi không những sẽ được đảm bảo mà còn nhận được nhiều sự chăm sóc, giúp đỡ hơn nữa về y tế, giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ sản xuất, thăm hỏi tặng quà… Từ đó, kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn với người tàn tật, trẻ em mồ côi, giúp họ xóa bỏ mặc cảm tự ti để nỗ lực vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

 

Đức Linh
 

.