Để người tiêu dùng không còn ngụp lặn trong rừng hóa chất

Thứ Năm, 26/05/2016, 18:03 [GMT+7]

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, ATTP nông sản là nhiệm vụ ưu tiên số 1, do đó phải có kế hoạch hành động tương xứng
 
Bất an trước tình trạng thực phẩm không an toàn, thời gian gần đây, nhiều người tìm đến các cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch, dù giá cả cao hơn nhiều so với mua tại chợ. Các địa phương tập trung phát triển vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; xây dựng mô hình sản xuất an toàn và tăng cường hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Để yên tâm hơn, không ít người tự tay sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn.
 

1
Du khách tham quan và tham gia chương trình "Một ngày làm cư dân phố cổ" tại làng rau Trà Quế, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.

 

Chị Nguyễn Thị Tiết, nhà ở thành phố Đà Nẵng nhưng cuối tuần chị vẫn chịu khó vượt gần 30 cây số về làng rau Trà Quế, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam để mua rau sạch về ăn trong cả tuần. Làng rau này không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn mà còn là nơi sản xuất rau sạch cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng, khách sạn...

Chị Nguyễn Thị Tiết cho biết: “Buổi sáng bước ra khỏi nhà muốn mua rau, thịt về ăn thì cái chi cũng sợ hết. Cho nên nhiều lúc tranh thủ chạy về quê, ghé xuống làng rau Trà Quế để mua một ít rau. Mặc dù, rau ở trong đó không được mướt nhưng vì có nhãn mác, có tem của người sản xuất và tên của chủ hộ gia đình bán rau đó. Có chi không an toàn thì mình có thể liên lạc đến đó được”.

Hiện nay, việc sử dụng thực phẩm an toàn được người dân đặc biệt quan tâm. Đáp ứng nhu cầu bức thiết ấy, nhiều cửa hàng, siêu thị bán “thực phẩm sạch” trở thành địa chỉ tin cậy, thu hút ngày càng đông khách hàng. Tại thành phố Hội An, nơi tập trung một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế, vấn đề ATTP được chính quyền thành phố đặc biệt chú trọng. Ngoài làng rau Trà Quế, chuyên cung cấp rau sạch cho Hội An và nhiều nơi khác, thành phố này còn đầu tư xây dựng làng rau hữu cơ Thanh Đông, quy mô 6.300 m2 ở xã Cẩm Thanh.

Mô hình trồng rau hữu cơ sinh thái này khác với sản xuất rau bình thường là không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học mà chỉ sử dụng các chế phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, phân chuồng, than trấu; Đồng thời dùng các chế phẩm tự chế từ thảo mộc như gừng, tỏi, rượu để phòng trừ sâu bệnh cho rau xanh. Đất trồng rau được quy hoạch thành vùng, đảm bảo không ô nhiễm kim loại nặng và các chất độc hại khác.

Ông Hồ Dã, nông dân ở đây cho biết: “Dân ở đây tưới bằng nước sạch lấy ở dưới ngầm lên chứ không tưới ao, tưới nước bẩn nữa. Không nên dùng phân urê, dùng bổi mình ủ. Nhân rộng ra thì phải có người hướng dẫn. Ở đây người ta quen làm rồi”.

Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng 5 vùng chuyên canh rau sạch, quy mô 300 ha tại quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Thành phố cũng đặt mục tiêu trong năm nay, 100% hộ sản xuất rau trên địa bàn ký cam kết sản xuất rau an toàn và 5 vùng sản xuất rau chuyên canh đều được chứng nhận VietGap, bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thành phố cũng đã nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích các mô hình sản xuất, chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi sạch, sản xuất sạch trên cơ sở áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng và các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tỉnh Bình Định đã giao 90 ha đất cho nhà đầu tư để xây dựng trang trại nuôi lợn công nghệ cao, quy mô 10.000 con lợn thịt vào năm tới, cung cấp lợn sạch cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; Xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao và tôm thương phẩm siêu thâm canh trong nhà kính, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản…

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND  tỉnh Bình Định cho biết, địa phương cố gắng cung cấp thực phẩm sạch cho mọi người: “Chúng tôi cũng đã cho kiểm tra đầu vào ở tất cả cơ sở sản xuất cũng như trồng rau trong thời gian qua. Đối với các cơ sở chăn nuôi, chúng tôi cũng đã kiểm tra số lượng đầu vào. Qua kiểm tra 457 mẫu ở tất cả các địa bàn, chưa thấy trường hợp nào có biểu hiện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Và qua đó cũng đã kiểm tra 48 mẫu rau không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”.

Mới đây, Bộ NN- PTNT chính thức công bố 69 địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản đã được xác nhận kiểm soát ATTP theo chuỗi. Theo Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát, năm 2016, Ngành sẽ xử lý triệt để chất cấm, tăng cường kiểm tra tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả. Bộ NN- PTNT cùng với Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Công an xử lý, chấn chỉnh việc lạm dụng kháng sinh và buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật.

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, ATTP nông sản là nhiệm vụ ưu tiên số 1, do đó phải có kế hoạch hành động tương xứng: “Từ giờ cho đến cuối năm sẽ cơ bản kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và trong nuôi trồng thủy sản. Vì hiện nay đang có tình trạng lạm dụng kháng sinh. Nếu người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có sử dụng nhiều dư lượng kháng sinh thì sẽ dẫn đến nhờn kháng sinh và gây những hậu quả nghiêm trọng khác về mặt y tế. Chúng tôi cam kết từng việc một, từ giờ đến cuối năm chúng tôi sẽ kiểm soát căn bản để không còn tình trạng buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật qua biên giới”.

Ngày 01/7/2016 tới đây, Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Điều 317 trong Bộ luật này quy định cụ thể “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Theo đó, mức hình phạt cao nhất của tội danh này là 20 năm tù.

Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, lâu nay, có những người biết rất rõ sản phẩm đó có hại đối với sức khỏe con người nhưng vẫn cố tình dùng trong thực phẩm để lấy lợi bất chính do mức hình phạt chưa đủ sức răn đe: “Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành danh mục chất phụ gia, chúng ta có thể dễ dàng tra cứu trên trang web của Cục An toàn thực phẩm. Tức là bất cứ chất phụ gia nào đều có danh mục, chất nào không nằm trong danh mục đều là làm giả. Nếu chiếu theo Bộ Luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 quy định ở các Điều 190, 193, 317 thì tất cả các hành vi đó là vi phạm pháp luật”.

Thực phẩm không an toàn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Ngày 9/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh ATTP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: để bảo đảm vệ sinh ATTP, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, nhất là trách nhiệm của người sản xuất, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm giám sát của các cấp, ngành, cơ quan dân cử để tạo ra sự chuyển biến đồng bộ trong bảo đảm vệ sinh ATTP.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng như Công an, Thanh tra, Quản lý Thị trường phải tổ chức thanh tra, kiểm tra mạnh mẽ hơn, từ xử lý hành chính đến hình sự để răn đe các cá nhân, tổ chức vi phạm về ATTP, bảo vệ sức khỏe người dân.
 

1
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát kiểm tra
tình hình mua bán hải sản tại Cảng cá sông Gianh, tỉnh Quảng Bình.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP: “Chúng ta phải có biện pháp mạnh, kiên quyết, toàn diện để công việc này đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

Chúng ta phải làm cho dân hiểu, dân rõ vấn đề từ sản xuất đến tiêu dùng, đến tố giác tội phạm, đến xử lý nghiêm những hành động vi phạm. Nông dân nuôi lợn mà sử dụng chất cấm thì cũng phải tiêu hủy và phạt hộ đó ở mức cao nhất; tổ chức, xí nghiệp, người buôn bán nhỏ cũng phạt xử lý nếu vi phạm. Chúng ta phải quy trách nhiệm đến cùng. Khi trách nhiệm cá nhân làm rõ thì việc chuyển biến mới rõ”.

An toàn thực phẩm là nỗi lo của nhiều quốc gia trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Thế nhưng, trong khi nhiều nước đã hạn chế, tiến tới đẩy lùi thực phẩm không an toàn thì ở nước ta, người tiêu dùng vẫn phải “ngụp lặn” trong “rừng hóa chất”, không thể nhận biết thực phẩm nào có chất độc hại. Hơn lúc nào hết, cả xã hộicần chung tay vì an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe con người./.

 

Theo VOV

.