"Cây chổi quét rau" và đạo đức của người làm báo

Thứ Sáu, 13/05/2016, 15:52 [GMT+7]

 Mấy hôm nay, các phương tiện truyền thông, “cư dân mạng” đều đồng loạt lên án hành vi của 1 nhóm phóng viên trong câu chuyện “chiếc chổi quét rau”...
 
Rõ ràng lỗi đã thuộc về những người mượn danh phóng viên để làm 1 chương trình không đúng với sự thật, trái với lương tâm, đạo đức của người làm báo. Không biết vì lý do gì? Do áp lực bài vở? Do yêu cầu của người phụ trách chương trình? Hay đơn thuần là do ý thức đạo đức nghề nghiệp của nhóm phóng viên này quá tệ hại?
 

Dung_choi_quet_rau_SRBQ.jpg
Hình ảnh cắt ra từ clip trong phóng sự "Cây chổi quét rau"

 

Trong thời buổi thế giới phẳng này, chỉ 1 câu nói bâng quơ thôi cũng có tới cả vạn người đọc, biết đến. Chỉ 1 bức ảnh với chú thích sai sự thật, hàng triệu người sẽ lên án và người làm điều sai ấy khó mà có đất sống. Ấy thế nhưng bằng thứ “niềm tin ngây thơ” rằng, người nông dân thì biết cái gì? Chỉ quanh năm cắm mặt xuống ruộng đồng, về lừa vào câu để họ “hợp tác” làm nhân vật phóng sự cho mình, chắc họ cũng chẳng biết. Đúng là vậy, nếu ở trường hợp 1 tờ báo nhỏ, ít nổi tiếng và không phổ biến trong xã hội. Nhưng trong trường hợp này thì lại là 1 cơ quan truyền thông uy tín, có hàng chục triệu người xem thì làm sao có thể không biết?

Kết cục thế nào thì cũng đã rõ. Thế nhưng điều đáng nói ở chỗ, sau những bài báo, những phóng sự “nguỵ tạo” cứ lặp đi lặp lại như thế ở những cơ quan báo chí khác nhau, vậy thì trong tương lai, thậm chí là ngay thời điểm hiện tại: Ai còn tin nhà báo. Ai còn tin những thông tin được phát đi từ những cơ quan truyền thông luôn được coi là “chính thống” kia?

Một xã hội bị mất lòng tin của người dân sẽ rất khó để tồn tại. Bởi vậy, những người lãnh đạo các cơ quan báo chí, nếu không sâu sát, không kịp thời chấn chỉnh ngay những tư tưởng làm báo thiếu khách quan, không trung thực của phóng viên, đặc biệt là những phóng viên trẻ trong toà soạn ấy. Hậu quả sẽ rất khó lường.

Ví như sự kiện cá chết hàng loạt ở một số khu vực biển các tỉnh miền Trung, chỉ 1 thông tin không đúng sự thật nhằm câu “view” đã khiến cho hàng triệu người dân trong nước không còn tin vào những thông tin các báo khác đưa sau đó nữa. Họ luôn đọc tin trong tâm thế nghi ngờ hết thảy. Nguy hiểm đến mức ngay cả những người lãnh đạo cao nhất của địa phương ấy lên tiếng trấn an cũng vẫn có nhiều người tỏ vẻ hoài nghi!

Trong trường đào tạo nghề báo, không một thầy cô giáo nào không nhắc nhở sinh viên của mình ngay từ những tiết học đầu tiên trên ghế giảng đường, đó là: Đạo đức nghề báo. Người làm báo, những bài báo họ viết ra, có ảnh hưởng to lớn và sâu sắc tới xã hội, nếu người làm báo không có đạo đức, chỉ chạy theo mục đích cá nhân, không vì cái chung sẽ dẫn tới những hậu quả hết sức nguy hiểm.

Đạo đức của người làm báo không ai có thể dạy được, ngay cả những thầy cô giáo trong trường. Bởi thầy cô chỉ có thể định hướng và làm gương cho họ chứ không thể quyết định được suy nghĩ, hành động của những người sẽ quyết định theo nghề báo. Chỉ có họ, chính họ, bằng sự rèn luyện và xác định được mục đích của mình là phục vụ cộng đồng, hướng tới một xã hội tốt đẹp mới có thể quyết định được…

Nói một cách khác, xét về bản chất, sự điều chỉnh của đạo đức nói chung mang tính tự giác, là sự tự lựa chọn của mỗi người. Đạo đức được bảo đảm bằng lương tâm và sự phê phán của dư luận xã hội, chỉ khuyên giải, can ngăn để con người tự lựa chọn. Từ những chuẩn mực và quy tắc chung, mỗi cá nhân tự chọn lựa và có nghĩa vụ, trách nhiệm chuyển những yêu cầu đạo đức xã hội đó thành nhu cầu, mục đích và sự hứng thú của bản thân. Biểu hiện của sự chuyển hoá này là sự tự giác tuân theo những quy tắc, chuẩn mực mà xã hội đã đề ra. Vì vậy, ngoài biểu hiện trong các quan hệ xã hội, đạo đức còn thể hiện trong thái độ, hành vi và việc tự ứng xử của bản thân mỗi con người.

Do vậy, trách nhiệm nghề nghiệp của nhà báo là sự phụ thuộc trong thực tế giữa kết quả hoạt động nghề nghiệp của nhà báo và những hậu quả mà nó có thể gây ra cho xã hội, cho những con người cụ thể. Bản thân những nhà báo có trách nhiệm nghề nghiệp là những người nhận thức được sự liên quan của mình tới các hậu quả của hoạt động nghề nghiệp.

Nhưng thực tế rằng vẫn có những người làm nghề báo không làm chủ được bản thân, không ý thức được việc làm của mình và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội bằng những bài viết không đúng với thực tế của mình.

Trong trường học nghề báo, những sinh viên khi được dạy viết tin bài thường được chỉ ra rằng: Xung đột tạo ra tin tức, và tin-bài về xung đột thì giúp bán được báo. Nhưng nhà báo có đạo đức sẽ không phóng đại các cuộc xung đột trong bài viết hay ảnh của mình vì có thể sẽ làm cho tình hình thêm trầm trọng…

Rõ ràng, với bất cứ nghề nghiệp nào, trong bất kỳ xã hội nào cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, vậy nguyên nhân từ đâu và có thể xác định được lỗi tại ai đã tạo ra những “con sâu” ấy hay không? Rất khó để làm được điều này. Thế nhưng, có một điều chắc chắn giúp xã hội giảm bớt đi những hành động xấu, những việc làm không tốt, những suy nghĩ tiêu cực, gây ảnh hưởng cho cộng đồng, đó là giáo dục.

Nếu 1 xã hội có nền giáo dục tốt, con người được hưởng sự chăm sóc giáo dục đúng đắn từ khi còn nhỏ, sẽ giúp hướng thiện và đẩy những phần “con” trong con người vào sâu trong bóng tối, không cho chúng thoát ra. Khiến người ta luôn nghĩ về những điều tốt đẹp và hành động vì cộng đồng. Có như vậy dù cho bất kể 1 cá nhân nào, làm việc trong lĩnh vực nghề nghiệp nào đi nữa cũng sẽ không mắc phải những sai lầm, khiến họ đi chệch hướng với nghề nghiệp đã chọn của mình và gây ảnh hưởng tiêu cực, bất ổn trong xã hội./.

 

Theo VOV

.