Cào đất mặt ruộng để bán, lợi bất cập hại

Thứ Tư, 18/05/2016, 14:36 [GMT+7]

Hoạt động khai thác lớp đất mặt ruộng màu mỡ bán cho các lò gạch diễn ra rầm rộ tại xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
 
Thời gian này, hoạt động khai thác, mua bán đất mặt ruộng đang khá phổ biến tại nhiều địa phương trọng điểm sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Những chiếc xe ben, xe tải, ghe tàu nối đuôi nhau vận chuyển lớp đất thịt màu mỡ trên đồng ruộng đến các lò gạch trong vùng. Việc làm này phá nát sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp, gây những tác hại khó lường đến môi trường. Sản xuất nông nghiệp sẽ thêm bất lợi.
 

1
Người dân tiếp tục bán lớp đất mặt ruộng

 

Gần đây, hoạt động khai thác lớp đất mặt ruộng màu mỡ bán cho các lò gạch diễn ra rầm rộ tại xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Mỗi ngày, có hàng chục ghe tàu, xe tải hoạt động liên tục, chở đất đến các lò gạch trong và ngoài tỉnh.

Đã có 60 hộ gia đình bán đất mặt với tổng diện tích trên 30 ha, độ sâu được hạ từ 2 đến 4 tấc, có nơi sâu khoảng 1 m. Cứ mỗi lớp đất mặt ruộng sâu 2,5-3 tấc được bán với giá 20-30 triệu đồng/công; còn sâu 5 tấc, giá 70-80 triệu đồng/công.

Một số thửa ruộng mầu mỡ, đảm bảo nguồn nước tưới ở Trà Vinh cũng được hớt phần đất mặt sâu 4-5 tấc để bán. Nạn khai thác đất diễn ra khá phức tạp ở huyện Châu Thành, Càng Long, Tiểu Cần và Trà Cú và có xu hướng lan rộng hơn ở tỉnh này.

Ông Lê Văn Hơn, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đưa ra lý do quyết định bán lớp đất mặt dù mặt ruộng rất thuận lợi cho trồng cấy: “Đất gò quá mình cải tạo lại cho nó sâu hơn, để sản xuất lúa dễ dàng hơn”.

Ông Phan Thanh Phong, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cho biết, nếu không bán, sẽ rất khó trồng lúa vì ruộng nhà ông giờ đã thành gò cao, không thể bơm nước vào ruộng.

Ông Hơn nói: “Hai bên đất tôi bán hết, đất mình trở nên đất gò, phải bán. Mùa vừa qua chúng tôi còn làm lúa được. Hiện tại, chúng tôi không bán không sản xuất được vì nước sâu”.

Theo thỏa thuận bằng miệng, người mua sẽ lấy lớp đất sét sâu từ 3 đến 4 tấc cả khu vực, bảo đảm mặt ruộng bằng phẳng để tiếp tục sản xuất lúa. Tuy nhiên, trên thực tế, nơi nào có lớp đất sét càng dày bị khai thác càng sâu; những nơi có nhiều đất pha cát, chỉ lấy một lớp đất rất mỏng, thậm chí bỏ ngang. Người mua sẵn sàng trả cho chủ ruộng vài trăm ngàn đồng/công, gọi là “hỗ trợ tiền phân”.

Ông Sơn Ngọc Quang, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, một trong những hộ có hơn 1 ha ruộng trũng, bỗng dưng trở thành ruộng gò cao, nói: “Chúng tôi làm thế nào để can thiệp hoặc cưỡng chế để người ta dừng hoạt động. Đất không phải thoái hóa, mỗi 1 được 6 tấn”.

Những cảnh báo về hậu quả của việc bán lớp đất màu mỡ đã được đưa ra. Tuy nhiên, không ít hộ nông dân do cái lợi trước mắt, bỏ qua những tác hại lâu dài đã và đang tìm mọi cách bán đi lớp đất có độ dinh dưỡng cao. Tình trạng khai thác đất mặt ruộng tại khu vực miền Tây, đặc biệt là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, đang ngày càng lan rộng. Chúng tôi sẽ trở lại nội dung này trong các bài viết tiếp theo./.

 

Theo VOV

.