Nậm Là và câu chuyện "sinh thành"

Thứ Năm, 21/04/2016, 17:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nơi mà chúng tôi muốn nói đến là bản Nậm Là, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé. Đây là bản người Mông đầu tiên và cũng là nơi có người dân sinh sống đầu tiên trên địa bàn huyện Mường Nhé từ khi chia tách tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Mặc dù là bản vùng cao, xa, thậm chí nhìn bên ngoài Nậm Là còn nghèo hơn hẳn so với các bản làng khác nhưng ở đây lại ngày càng có nhiều “tỷ phú” chăn nuôi.

Câu chuyện này ngẫu nhiên chúng tôi được biết trong chuyến công tác cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại huyện Mường Nhé. Trên đường đi từ trung tâm huyện Mường Nhé khoảng 5km, đồng chí Chánh văn phòng của Ban Dân vận Tỉnh ủy, người gốc Mường Nhé chỉ tay về phía bên kia sườn núi, rồi nói như “khoe” với chúng tôi: Trước mắt chúng ta là bản người Mông đầu tiên của huyện Mường Nhé và đây cũng là những người dân đầu tiên sống trên mảnh đất biên cương này. Không thể bỏ qua “cơ hội”, chúng tôi phóng tầm mắt ra xa để “ghi” lại những hình ảnh về bản, thế nhưng vì trời còn tối và sương mù dày đặc nên chỉ thấy loáng thoáng những ánh sáng lập lòe trong ngôi nhà của bà con dưới tán cây rừng. Xe nhanh chóng vụt qua, bản Nậm Là dần khuất sau núi, nhưng dọc đường đi, những câu chuyện về bản Nậm Là về cách người Mông ở Nậm Là làm kinh tế trở thành chủ đề chính trên xe.

“Cám dỗ” bởi những thông tin hay về Nậm Là, sau chuyến công tác đó chúng tôi quyết định quay trở lại Mường Nhé để được tận mắt chứng kiến, lắng nghe lịch sử về bản do chính các cụ cao niên trong bản kể lại. Sau 7 tiếng đồng hồ, xuất phát từ TP. Điện Biên Phủ, chúng tôi đã đến được bản Nậm Là. Đúng nghĩa với nguồn gốc xuất xứ, nên hầu hết các ngôi nhà trong bản đều thuộc dạng nhà cổ, nằm lác đác dưới tán lá rừng. Những mái nhà đơn sơ như nét vẽ mộc mạc làm điểm nhấn trong bức tranh xanh thẳm của núi rừng. Được sự giới thiệu của cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, chúng tôi tìm đến nhà ông Sùng A Ly, người cao tuổi nhất bản. Ông Ly năm nay đã bước sang tuổi 91, nhưng những câu chuyện về bản Nậm Là thì ông còn nhớ như in: “Tôi ở đây đã hơn 90 năm rồi, bố tôi là người đầu tiên đặt chân đến nơi này và khai hoang, trồng trọt…”. Sau đó, ông giải thích cho chúng tôi nghĩa của hai từ Nậm Là, đó là dòng suối nước trong, có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân trong bản. Từ xa xưa, những người đầu tiên đến đây lập nghiệp đã gọi bản theo tên suối, xem con suối như là điềm lành.

v
Cuộc sống người dân bản Nậm Là ngày càng đổi thay, chất lượng đời sống được nâng lên.


Nhâm nhi ly trà nóng, ông Ly nhớ lại: Trước đây, bản Nậm Là thuộc xã Mường Nhé, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Những ngày đầu tiên, cả bản chỉ có 7 hộ dân, sống giữa núi rừng bao la. Hồi ấy thú rừng còn gấp nhiều lần số dân của bản, nên việc có đi ra ngoài bản bà con phải đi theo nhóm từ 2 – 3 người. Còn tuyệt nhiên ban đêm thì đóng cửa kín mít. Đến nay, bà con đã định cư ở Nậm Là được trên 100 năm. Sau năm 2002, khi trung tâm huyện Mường Nhé (hiện tại) chuyển từ Chà Cang vào thì khi đó cuộc sống người dân mới có “anh em, láng giềng”. Lúc đó, đời sống bà con đỡ khó khăn hơn, nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước. Ông Ly nói, bao đời qua, dù còn nhiều khó khăn, bản chưa có trạm y tế, điểm bưu điện văn hóa nhưng chúng tôi vẫn đi trên con đường này, vẫn sống ở bản và sinh con đẻ cháu, chẳng một ai bỏ bản, bỏ gia đình mà tìm nơi sống mới.

Mặc dù còn khó khăn về cơ sở vật chất nhưng từ trước đến nay, ngoại trừ bản Mường Nhé thì Nậm Là được mọi người mệnh danh là bản có nhiều người giàu nhất ở huyện Mường Nhé. Quả thực, nếu ai chỉ nhìn từ ngoài vào thì khó có thể đoán biết được cuộc sống của bà con nơi đây, bởi bản còn thiếu nhiều cơ sở vật chất, nhà cửa đơn sơ. Thế nhưng phải đi sâu cuộc sống “bên trong” mới thấy được điều kiện, cũng như lợi thế để phát triển kinh tế của bản. Theo lời của anh Sùng A Nù, Trưởng bản Nậm Là, hiện nay cả bản có 76 hộ, 480 khẩu với hơn 20ha ruộng lúa nước, gần 70ha lúa nương, đặc biệt có lợi thế về phát triển kinh tế rừng. Vì Nậm Là là bản có diện tích rừng rộng nhất xã, với hơn 3.000ha rừng. Đến bây giờ có thể nói cuộc sống của bà con bản Nậm Là cơ bản đã đổi thay nhiều, nhiều gia đình còn được mệnh danh là tỷ phú bản. Nhìn vào bản danh sách 29 hộ sản xuất kinh doanh giỏi năm 2016 của xã thì bản Nậm Là có đến gần 8 hộ được công nhận. Có hộ có mức thu nhập lên đến hơn 1 tỷ đồng/năm. Điển hình, ông Lầu A Sùng có mức thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ chăn nuôi trâu, bò đã được UBND tỉnh khen thưởng về có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh. Ông Sùng cho biết, năm 1990 khi đó cả bản 100% là hộ nghèo, trong khi đất đai để hoang phí. Tận dụng lợi thế về đất đai rộng, ông đã vay mượn tiền của anh em, họ hàng cùng với số tiền tích cóp của gia đình, ông Sùng mua một cặp trâu về nuôi, vừa lấy sức cày kéo, vừa chăn nuôi sinh sản. Ông Sùng kể: “Lúc đấy, cả bản chỉ có duy nhất nhà mình có “đầu cơ nghiệp”, ai cũng nói tiền không đủ nuôi người thì “tậu” trâu làm gì”. Ai khuyên ngăn thế nào nhưng tôi vẫn nhất quyết mua bằng được”. Hàng năm, gia đình ông dùng sức trâu để thay sức người cày cấy trên nương. Năm tháng dần trôi, số lượng đàn trâu của gia đình ông tăng lên, kinh tế gia đình cũng từ đó tăng theo, đời sống đỡ vất vả hơn. Đến nay, số lượng đàn trâu của ông Sùng lên đến cả gần 100 con, người dân trong bản ai cũng thán phục cách làm kinh tế của ông.

Với người dân bản Nậm Là nói chung, huyện Mường Nhé nói riêng, khi nói đến ông Sùng thì ai cũng biết. Biết không chỉ về cách làm kinh tế giỏi của ông mà người ta còn biết đến tấm lòng thơm thảo của ông Sùng. Bởi khi đã có của ăn để dành, ông đã tình nguyện giúp đỡ người dân trong bản cách làm kinh tế. Ai muốn chăn nuôi, ông hướng dẫn cách chăn nuôi có hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho mượn trâu giống. Vì vậy, chất lượng đời sống bà con trong bản ngày càng nâng cao. Đó là thành quả, nỗ lực của đồng bào Mông ở Nậm Là, là niềm tin tươi sáng về cuộc sống bà con. Còn đối với các thế hệ “măng non”, ông đã vận động các phụ huynh cho con em mình được đến trường, bởi ông cho rằng chỉ có đến trường, lớp thì cuộc sống sau này của bản mới hy vọng đổi thay nhiều. Là người có uy tín trong bản, nên một lời ông nói ra ai ai cũng nghe. Năm 2009, khi nhà nước đầu tư xây dựng điểm trường Nậm Là (thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trần Văn Thọ), 100% trẻ trong độ tuổi đến trường ở bản Nậm Là đều đi học. Chia tay bản Nậm Là, chia tay các thầy cô giáo và học sinh điểm trường Nậm Là, chúng tôi trở về trong tiếng đọc từng vần thơ của các em học sinh. Tin tưởng rằng, thế hệ trẻ sẽ là điều kiện “cần và đủ” để từng bước đưa cuộc sống người dân Nậm Là “sánh vai” cùng với các bản làng khác trong huyện, tỉnh, mà xa hơn là các thôn, bản ở dưới xuôi.

 

Văn Tâm
 

.