Bộ trưởng Cao Đức Phát xin lỗi dân và những cái khó…

Thứ Hai, 04/04/2016, 14:06 [GMT+7]

Một mình ông Cao Đức Phát không thể giải quyết được các vấn đề liên quan ATVSTP mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Sau phát ngôn trước Quốc hội về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm khiến người dân bức xúc, hôm qua (3/4), Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát đã chính thức xin lỗi người dân vì ông đã nói không rõ ý khiến người dân hiểu lầm.

Lời xin lỗi của Bộ trưởng có thể xoa dịu nỗi bực tức cho một ai đó thấy khó chịu, nhưng phía sau đó vẫn còn cả một chuỗi những lo lắng và trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành khác liên quan đến miếng ăn, mạng sống của người dân. Bởi trong công cuộc chống lại thực phẩm bẩn một mình ông Cao Đức Phát không thể làm nên chuyện.

1
Bằng mắt thường người dân không thể phân biệt đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn - ảnh minh họa

 

Câu chuyện ATVSTP không phải bây giờ mới nóng mà luôn luôn nóng. Tại cuộc họp Chính phủ tháng 3 vừa rồi, công tác đảm bảo ATVSTP tiếp tục được đưa ra, được phân tích, mổ xẻ rất thẳng thắn. Người bày tỏ bức xúc nhất là Bí thư TP HCM Đinh La Thăng khi ông cho rằng, Bộ, ngành nào cũng nói hoàn thành nhiệm vụ nhưng khi có chuyện xảy ra truy trách nhiệm thì chẳng có ai chịu trách nhiệm. Câu nói gay gắt nhất mà ông Đinh La Thăng đưa ra là “Các anh nói phối hợp tốt mà dân vẫn phải ăn bẩn là sao?”.

Thực tế hiện nay, một bữa ăn của người dân có ít nhất 3 bộ, ngành quản lý: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách sản phẩm, Bộ Y tế phụ trách vấn đề an toàn thực phẩm, Bộ Công thương phụ trách lưu thông hàng hóa… chưa kể trách nhiệm của các Bộ, ngành khác trong vấn đề quy hoạch, định hướng, đầu tư cho công tác ATVSTP.

“Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng”. Một mình Bộ trưởng Cao Đức Phát và ngành nông nghiệp không thể làm cho công tác ATVSTP chuyển biến tích cực. Trong tất cả các cuộc họp ở tầm bộ, ngành đến trung ương, các đơn vị nói nhiều đến công tác phối hợp chưa được nhuần nhuyễn, còn chồng chéo. Nhưng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông không đặt nặng vấn đề này. Bởi khi các bộ, ngành làm tốt phần việc của mình, làm tốt trách nhiệm của mình thì đó đã là sự phối hợp tự thân rất hiệu quả rồi.

Nhiều tháng qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến tình trạng sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi – Salbutamol. Đây là một dược chất dùng để chữa bệnh cho người nhưng lại được đưa vào sử dụng trong chăn nuôi nên các chuyên gia y tế lo ngại sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Bộ Y tế là đơn vị cấp phép nhập loại chất này. Bộ Y tế khẳng định, chỉ nhập đủ số lượng để phục vụ công tác chữa bệnh. Thế nhưng tại sao lại có số lượng lớn được đưa vào chăn nuôi? Câu hỏi này đến giờ vẫn chưa quy được trách nhiệm cho ai!

Người tiêu dùng bằng mắt thường không thể phân biệt được đâu là thực phẩm có chất cấm. Có chăng, sản phẩm đó đang bị phân hủy, không còn tươi ngon… thì bằng mắt thường mới phân biệt được. Người dân mong muốn, các bộ, ngành, địa phương hãy làm tròn vai, làm đúng trách nhiệm của mình thì họ mới được nhờ, mới yên tâm khi ngồi vào bàn ăn.

Sau lời xin lỗi của Bộ trưởng Cao Đức Phát, không có nghĩa các bộ, ngành và địa phương khác không còn trách nhiệm. Đã có những lãnh đạo địa phương “xắn tay” vào cuộc, ví dụ như Bí Thư TPHCM Đinh La Thăng. Ông Đinh La Thăng đã xin một cơ chế riêng cho TP HCM để xử phạt các hành vi vi phạm ATVSTP. Nhưng có một ông Đinh La Thăng, một ông Cao Đức Phát, nếu có nghìn tay cũng không thể giải quyết được công việc. Để có được những bữa ăn an toàn cho người dân không phải chỉ có trách nhiệm của bộ quản lý chuyên ngành mà cả chính quyền cơ sở (từ cấp xã, phường, huyện đến tỉnh, thành phố) cũng phải vào cuộc. Bởi họ là những đơn vị sát dân, gần dân nhất. Việc sản xuất, chăn nuôi của các hộ gia đình, các DN sản xuất chăn nuôi như thế nào thì địa phương nắm rõ hơn cả. Nhiều người hy vọng, từ 1/7 tới, khi qui định liên quan đến sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn bị xử lý hình sự thì trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức, đơn vị sẽ được nâng lên cao hơn.

Việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong đó bao gồm cả gia đình, họ hàng của những người quản lý, điều hành xã hội. Như lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, “Gia đình chúng tôi cũng tiêu dùng các thực phẩm như mọi gia đình khác tại Hà Nội. Tôi cũng đi ăn ở những quán bình dân, rồi vào thăm mẹ nằm ở bệnh viện thì cũng ăn ở căng tin ở bệnh viện. Và trong gia đình cũng có người bị ung thư nên tôi chia sẻ, cảm nhận rất sâu sắc băn khoăn, lo lắng của người dân, nỗi đau của những ra đình có người bị ung thư. Tôi thực sự cũng muốn cố gắng để đóng góp cùng với Bộ, cùng với hệ thống chính trị đáp ứng mong đợi đó của nhân dân”.

Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới. Nếu như năm 2000 cả nước có khoảng 69 nghìn ca mắc ung thư mới, thì đến năm 2015 số ca mắc ung thư mới đã tăng lên 150 nghìn ca và ước tính đến năm 2020, số ca mắc ung thư mới sẽ tăng lên đến gần 200 nghìn. Hy vọng những con số này sẽ “giục” những người có trách nhiệm làm tốt hơn nhiệm vụ của mình./.

 

Theo VOV
 

.