Nơi "người Việt dùng sóng Lào"

Thứ Năm, 03/03/2016, 13:58 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nơi mà chúng tôi muốn nói đến là bản Pa Thơm, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên). Nằm sát biên giới Việt – Lào, chỉ cách trung tâm xã Pa Thơm 10km và TP. Điện Biên Phủ khoảng 40km vậy mà nay bản Pa Thơm chưa được phủ sóng điện thoại. Vì vậy, người dân phải mua điện thoại, sim của nước CHDCND Lào dùng, với mức cước phí đúng chất “chuyển vùng quốc tế”.

Chuyến đi vào bản Pa Thơm những ngày đầu xuân Bính Thân 2016, qua đầu mối thông tin từ ông Lò Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm chúng tôi được biết: Bản Pa Thơm hiện vẫn chưa có điện lưới quốc gia và sóng điện thoại. Chính vì vậy, đồng chí chủ tịch xã đã nhắc khéo chúng tôi: “Nhà báo cứ vào bản làm việc trước đi, không trời tối, đường đi khó có việc gì lại không liên lạc được, xong việc rồi trở ra trung tâm xã cũng chưa muộn”. Lời nhắc nhở của ông Hoàn khiến chúng tôi càng tò mò hơn và quyết tâm vào bằng được, dù những tia nắng cuối cùng trong ngày đã gần khuất sau những dãy núi. Mất chừng 30 phút, đi dọc bờ sông Nậm Núa, bản Pa Thơm hiện hữu trước mắt chúng tôi, nhiều ngôi nhà khang trang, mái ngói đỏ tươi mọc lên, trẻ em tung tăng nô đùa, người lớn tất bật với công việc của mình… thoạt nhìn qua thì có vẻ đời sống bà con sung túc, đầy đủ hơn so với nhiều bản vùng cao khác.

đ
Muốn bắt được sóng Lào, người sử dụng điện thoại phải trèo lên cây cao hoặc ở nơi vị trí thoáng nhất.

 

Chiều tối hôm đó, chúng tôi đến nhà anh Lò Văn Bun, Phó bản Pa Thơm. Anh Bun vừa đi đánh cá về làm cơm mời anh em họ hàng nhân dịp đầu xuân năm mới và mời chúng tôi ở lại dùng bữa, vừa đặt mâm cơm xuống, mặc khách ngồi đó, anh lên xe máy phóng ra ngoài khoảng 10 phút sau mới trở về và bảo: Mình chạy sang gọi thằng em vợ làm chén rượu cho vui. Tôi bảo, sao không gọi điện thoại cho nhanh, nhưng anh cười trừ, có gọi được đâu nhà báo, ở đây làm gì có sóng điện thoại. Vừa ăn anh Bun vừa tâm sự, bản Pa Thơm không phải xa nhất nhưng lại có cái khó không tưởng nổi giữa thời buổi này là không có sóng điện thoại. Cả bản có 25 hộ nhưng không phải ở liền kề với nhau mà có khi cách nhau cả “con dao quăng” (đây là cách nói ví von của đồng bào các dân tộc ở vùng cao là khoảng cách rất xa). Còn mỗi khi có việc họp bản cần thông báo thì phải đi mất cả tiếng đồng hồ, thậm chí cả buổi mới đến nơi được. Đúng như vậy, điện thoại dù là “cục gạch” hay “sờ mát phôn” mà đem vào bản Pa Thơm thì cũng chỉ để dùng với chức năng là xem giờ. Hai chiếc điện thoại của chúng tôi mang theo cũng vứt vào ba lô cho đỡ nặng túi quần. Không ai ngờ được, dù chỉ cách trung tâm xã 10km và cũng không phải là xã khó khăn nhưng đến nay bản Pa Thơm vẫn chưa có sóng điện thoại. Thế nhưng, nói không có thì cũng không đúng, bởi ở đây thi thoảng vẫn có sóng điện thoại nhưng là sóng của Lào. Do vị trí địa lý tiếp giáp với bản Na Luông, (cụm Sốp Hùn, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly, nước CHDCND Lào) nên bản Pa Thơm đôi khi lại “hứng” được sóng điện thoại của nước bạn Lào. Đây là mạng Unitel của một công ty liên doanh giữa Lào và Viettel (Việt Nam). Chính vì vậy, người dân Pa Thơm đã “sáng chế” ra cách mua sim, điện thoại của Lào rồi gọi theo kiểu chuyển vùng quốc tế, dù cước phí rất cao. Vì vậy, ở đây mới có chuyện sống ở đất Việt nhưng lại dùng sóng điện thoại của Lào và gây ra nhiều chuyện nửa bi, nửa hài.

Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể bắt được sóng của Lào. Chính vì vậy, hầu hết điện thoại mua về phải treo trên cây hoặc để trên nóc nhà để “hứng” sóng. Anh Lò Văn Sánh, bản Pa Thơm cho biết: “Gia đình mình dùng điện thoại được hơn 2 năm rồi, khi mới mua cả nhà cầm điện thoại di chuyển khắp nơi xung quanh nhà để “dò” sóng, chỗ nào có sóng thì đặt điện thoại ở vị trí đó. Sau gần một buổi “dò” thì đã tìm được điểm đặt là hành lang bên ngoài nhà. Song sóng cũng “tùy hứng” lúc có lúc không”. Thế nhưng không phải ai cũng dám đặt ở ngoài trời, bởi dễ bị mất trộm và hư hỏng do thời tiết, mà với bà con còn nghèo thì mỗi chiếc điện thoại không phải là rẻ tiền, nên nhà nào mua được cũng phải “giữ như vàng”. Vì vậy, có gia đình mua điện thoại về chỉ để trong nhà, khi nào cần gọi thì mới đem ra “hứng” sóng, gọi xong lại đem cất đi.

Tối hôm đó, sau khi ăn cơm xong, Tuấn Anh - anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi cũng đứng ngồi không yên, bởi trước khi vào bản chúng tôi thống nhất làm xong việc liền quay trở ra trung tâm xã luôn để gửi tin, bài về cơ quan. Thế nhưng câu chuyện “người Việt dùng sóng Lào” của người dân bản Pa Thơm khiến chúng tôi khó có thể cưỡng lại được. Nghe xong thì cũng đã khuya, đường sá không quen nên chúng tôi quyết định xin ở lại nhà anh Bun. Anh bạn đồng nghiệp cứ loay hoay rút điện thoại ra rồi lại đút vào ba lô. Hỏi ra mới biết, tối nay không nhắn tin, nói chuyện được với người yêu. Sợ cô người yêu lo lắng, giận dỗi nên anh quyết định rút “hầu bao” ra đầu tư 1 sim Lào nhờ điện thoại của phó bản Bun đi “hứng” sóng gọi về cho cô bạn gái bằng được. Hay như cô giáo mầm non Nguyễn Thị Sinh, nhà ở TP. Điện Biên Phủ tâm sự: “Mình vào nhận công tác tại bản Pa Thơm từ đầu năm 2015, khi vào đến nơi mới té ngửa là bản vẫn chưa có sóng điện thoại. Mấy tháng đầu buồn lắm may mà có các em học sinh trò chuyện, nhưng dần rồi cũng thành quen. Giờ mỗi khi muốn gọi về cho gia đình thì phải trèo lên cây để “hứng sóng”. Thế nhưng đôi khi có sóng không phải ai cũng dám gọi, bởi hầu hết người dân còn nghèo nhưng cước phí gọi rất đắt, vì là phải chuyển vùng quốc tế. Mặc dù có muốn gọi cho một người ở bên Việt nhưng vẫn phải bấm mã số điện thoại quốc tế của Lào là: 00856. Mỗi lần gọi phải mất cả chục nghìn đồng là ít. Anh Lò Văn Bun bảo, đôi khi có sóng cũng chẳng dám gọi. Cả ngày “hứng” được tí sóng mà gọi ra ngoài cũng phải dè chừng cháy tài khoản. Mỗi phút gọi, nhà mạng trừ 2 kíp Lào (tương đương 5,4 nghìn đồng Việt). “Sợ tốn nhiều tiền, nhiều khi nói chuyện điện thoại không dám hỏi thăm nhau sức khỏe, chỉ đi thẳng vào nội dung. Không dám nói quá hai câu sợ bị tính tiền cả phút thì toi. Có lần mình vừa nạp thẻ cào mệnh giá 50 kíp (tương đương 130 nghìn đồng Việt), hôm đó vợ ở nhà đã gọi cho người quen ở xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) đến “cháy” tài khoản. Từ đó trở đi, mình không dám nạp thẻ nhiều tiền nữa”.

Không chỉ vậy, việc có điện thoại, có sóng Lào nhưng không phải khi nào cũng có thể mua được thẻ cào. Bởi chỉ khi có người sang Lào mới nhờ mua được. Trong bản có duy nhất gia đình ông Lò Văn Biện nhập thẻ sim Lào về bán cho người dân với các mệnh giá từ 10.000, 20.000 và 50.000 kíp. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có tiền để mua, bởi bà con trong bản còn nghèo lắm, tiền ăn chưa đủ lấy đâu ra tiền nạp thẻ cào. Câu chuyện “người Việt dùng sóng Lào” dần cũng đã khép lại. Trước khi chìm vào giấc ngủ, chúng tôi còn băn khoăn, suy nghĩ nhiều về câu chuyện hy hữu của bản Pa Thơm. Hy vọng trong thời gian sớm nhất, bản Pa Thơm sẽ có sóng điện thoại của các nhà mạng Việt Nam để người dân đỡ phải leo cây, lên nóc nhà nói chuyện điện thoại và hơn nữa người dân sẽ tiết kiệm được một khoản tiền để sử dụng cho các chi phí sinh hoạt khác.

 

Văn Tâm

 

.