Nối miền no ấm
Điện Biên TV - Trong câu chuyện với chúng tôi, khi nhắc đến bản Huổi Moi, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) ông Lò Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm nhấn mạnh: Đây là bản vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của xã, 100% là đồng bào dân tộc Cống. Trước đây, khi chưa có đường đi để ra trung tâm xã là cả vấn đề. Vì vậy, con đường là ước mơ của bà con. Giờ đây, mơ ước ấy đã dần trở thành hiện thực khi đoạn tuyến cuối của con đường từ Huổi Moi ra xã đang được gấp rút hoàn thiện.
Một góc bản Huổi Moi. |
Huổi Moi trong ký ức
Cách trung tâm xã Pa Thơm gần 20km, bản Huổi Moi nằm sát đường biên giới với nước bạn Lào. Trước đây, để đến được Huổi Moi phải mất gần 2 tiếng vật lộn trên con đường mòn rộng chừng 3 gang tay, bé đến mức chiếc xe máy chỉ có thể tiến chứ không thể quay đầu. Bản Huổi Moi chỉ có 30 hộ, trên 120 nhân khẩu nhưng lại chia ra làm hai nhóm dân cư: 15 hộ tại nhóm Huổi Moi và 15 hộ tại nhóm Bom En. Tuy cùng một bản nhưng hai nhóm cách nhau tới 2 giờ đi bộ men theo đường rừng. Xa xôi, cách trở như vậy nên từ thời điểm thành lập bản (năm 2003), đến nay Huổi Moi vẫn trong tình trạng 3 không: Không đường, không điện, không nước sinh hoạt. Theo số liệu điều tra gần đây, tỷ lệ hộ nghèo của bản năm 2014 này là 53%, nhưng đến năm 2016 tăng lên 100% theo bộ tiêu chí mới.
Theo ông Lò Văn Hoàn, hầu hết các gia đình tại bản Huổi Moi trước đây đều ở bản Púng Bon. Do thiếu đất sản xuất nên một số hộ đã đi sâu vào rừng để khai hoang đất sản xuất. Dần dần, một số hộ đã chuyển hẳn nhà vào định cư ở đây. Đến khi có chủ trương tách bản, các hộ đã quần tụ tại điểm Huổi Moi và điểm Bom En. Vào sâu trong rừng với hy vọng có nhiều đất sản xuất nhưng việc canh tác tại điểm bản mới cũng không khá hơn bao nhiêu. Cả bản chỉ có khoảng 2ha ruộng lúa nước 1 vụ, thường xuyên bị mưa lũ cuốn trôi, riêng diện tích nương mỗi nhà có từ 1 - 2ha nhưng năng suất lúa rất thấp và bấp bênh, thường chỉ đạt từ 15 - 20tạ/ha. Thế nhưng vấn đề là, làm ra sản phẩm đã khó một còn để mang nông sản đi bán lại khó gấp trăm lần. Tất cả cũng chỉ vì: không có đường.
Chính vì vậy nên cuộc sống của đồng bào dân tộc Cống ở Huổi Moi khó chồng khó, thu nhập trung bình của người dân trong bản chỉ đạt xấp xỉ gần 3 triệu đồng/năm. Cả bản chỉ có 2 - 3 chiếc ti vi đen trắng để cho đẹp, bởi cũng không có điện để dùng, gia đình nào khá giả thì dùng điện nước nhưng cũng chập chờn, sóng điện thoại cũng hết sức phập phù... 13 năm nay chưa có ai trong bản học hết bậc trung học phổ thông. Bản nhiều năm liền là bản trắng đảng viên. Mới đây, sau nhiều cố gắng bồi dưỡng của cấp ủy, chính quyền địa phương, bản Huổi Moi đã có đảng viên đầu tiên. Việc xóa bản trắng đảng viên có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Con đường mới mở tạo điều kiện thuận lợi cho bà con bản Huổi Moi đi lại và là tiền đề để tiến tới xóa đói giảm nghèo. |
Cuộc sống mãi quẩn quanh với nương rẫy, đói nghèo nên đồng bào trong bản chưa dám nghĩ đến sự thay đổi gì lớn lao nếu không được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông, kéo điện thắp sáng. Anh Lò Văn Sam, Trưởng bản Huổi Moi tâm sự: “Trước đây, khi vào đây khai hoang ruộng, nương mình chỉ nghĩ đến việc làm sao để có cơm ăn, chứ không dám nghĩ tới việc có thóc đi bán. Đến khi có thóc bán thì lại không thể mang đi vì không có đường cho xe đi. Vì vậy, người dân gần như sống biệt lập với bên ngoài. Nếu trời mưa, có ốm đau thì cũng phải cố mà chịu, bởi đi bộ không hề dễ dàng”.
Ước mơ thành hiện thực
Ước mơ bao lâu nay của người dân Huổi Moi đã trở thành hiện thực. Bởi năm 2013, từ nguồn vốn của Đề án Bảo tồn dân tộc Cống, do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư đã mở ra con đường mới vào Huổi Moi. Tuyến đường dài hơn 11km nối từ bản Pa Thơm với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I từ năm 2013 - 2015 thông tuyến, giai đoạn II từ 2016 - 2018 rải cấp phối. Tuy nhiên, khi mới thi công đã vấp phải nhiều khó khăn, trở ngại như: chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất rừng, đường vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc khó khăn... đã phần nào khiến người dân Huổi Moi giảm niềm tin vào có một con đường mới.
Khó khăn, thách thức vô cùng, nhưng không để người dân mất lòng tin nên cuối tháng 11/2015 tại xã Pa Thơm, đồng chí Lò Văn Thoạn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đã hứa trước Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn, trước người dân Huổi Moi sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ để thông tuyến trong tháng 1/2016. Ông Thoạn cho biết: “Đoạn đường này đang được nhà thầu gấp rút thi công. Chúng tôi sẽ thường xuyên giám sát và đôn đốc các đơn vị thi công. Mục đích của dự án là tạo điều kiện để cho cộng đồng cùng tham gia nên khi thi công ở phần nào sẽ tuyển lao động địa phương vào cùng làm, vừa tạo việc làm cho bà con vừa để bà con giám sát công trình”. Đúng như lời hứa, vừa qua phóng viên đã có chuyến “khảo sát” thực tế dọc tuyến đường này vào Huổi Moi, con đường thênh thang rộng gần 4m cơ bản đã hoàn thiện. Tuy chỉ là đường đất, vẫn còn nhiều chỗ đất đá lô nhô, nhưng người dân đã có thể đi xe máy tới trung tâm xã chưa đến một tiếng đồng hồ. Đường hoàn thành, các mặt hàng nông sản đã được chở trên những chú “ngựa sắt”, mang ra chợ tiêu thụ dễ dàng. “Cưỡi” trên chiếc xe máy đi trên con đường mới mở, anh Lò Văn Sam cũng như hàng trăm người dân trong bản ngỡ như đang trong mơ. Cũng phấn khởi như bao người khác, ông Lò Văn Háo, một trong những người đi đầu khai hoang bản Huổi Moi cho biết: “Có được con đường, việc đi lại đã thuận lợi hơn nhiều. Trước đây, gia đình mình có ý định chuyển tới nơi khác sinh sống, nhưng giờ thì không đi nữa, ở đây lao động sản xuất, ổn định cuộc sống”. Kể từ ngày có đường mới, nhiều hộ dân trong bản đã sắm xe máy để đi lại và vận chuyển nông sản đi tiêu thụ. Vui nhất là giờ đây Huổi Moi đã có nhiều em theo học các trường tiểu học, trung học cơ sở, các lớp học xóa mù chữ cũng được bà con tích cực tham gia...
Con đường mới mở đã dần mang sản phẩm nông, lâm nghiệp của người dân Huổi Moi đến với các bản trong xã và ra các xã bạn lân cận. Con đường mới, cuộc sống mới sẽ nối dài mãi như niềm vui bất tận đang về trên bản Huổi Moi. Dù tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, nhưng bà con trong bản đều tin tưởng, đây sẽ là “chìa khóa” nhanh chóng giúp người dân xóa nghèo.
Văn Tâm