Nghèo không hẳn do thiếu tiền
Điện Biên TV - Từ ngày 5/1/2016, Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 chính thức có hiệu lực. Đến nay, sau thời gian áp dụng, theo kết quả rà soát tại một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo, cận ngèo tăng đột biến. Nhiều hộ không nghèo về thu nhập nhưng vẫn còn gặp khó khăn và thiếu hụt ở các mặt khác như: Y tế, giáo dục, nhà ở, bảo hiểm...
Trong những năm qua, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự lồng ghép các nguồn vốn đã giúp cho chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững của huyện Tuần Giáo đạt được những thành quả quan trọng. Đến hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo huyện Tuần Giáo giảm còn 38,5%. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn mới, chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 có những thay đổi mới. Theo đó, các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 gồm tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
Với tiêu chí về thu nhập, Quyết định quy định chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng, ở khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng. Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, quyết định nêu rõ, các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm 5 dịch vụ: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: Tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin...
Theo tiêu chí mới thì gần như 100% người dân xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo thuộc hộ nghèo đa chiều. Trong ảnh: Một góc bản Pú Xi 1 hiện vẫn chưa có điện. |
Như vậy, kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo Quyết định 59 đã làm cho con số hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện Tuần Giáo tăng lên 67%. Trong đó, theo kết quả rà soát của 19 xã báo về cho thấy, đến 80% gia đình không nghèo về thu nhập nhưng lại đang thiếu hụt nghiêm trọng về bảo hiểm y tế, bảo hiểm lao động và tiếp cận thông tin... Điều này gây ngạc nhiên bởi các hộ không nghèo thu nhập cũng không đồng nghĩa được sống trong điều kiện nhà ở đảm bảo diện tích thích hợp. Đặc biệt, 70% hộ có ít nhất 1 người lớn (15 - 30 tuổi) chưa hoàn thành bậc học trung học cơ sở.
Thiếu hụt về giáo dục khiến người dân dễ bị rủi ro trong bối cảnh suy thoái kinh tế theo chu kỳ cũng như các biến cố về thu nhập. Điển hình như gia đình anh Lò Văn Măng, bản Nậm Cút, xã Nậm Nèn, huyện Tuần Giáo. Gia đình anh Măng từng là công nhân bảo trì Quốc lộ 6 cũ (đoạn Tuần Giáo - Mường Lay), về thu nhập gia đình anh không thiếu hụt so với tiêu chí nghèo đa chiều mới. Thế nhưng về diện tích và chất lượng nhà ở hiện nay không đáp ứng được yêu cầu nghèo đa chiều. Bởi hiện ngôi nhà của gia đình anh đã xuống cấp trầm trọng, trong khi gia đình có tới 5 nhân khẩu. Chính vì vậy, nên gia đình anh Măng vẫn được xếp vào hộ nghèo theo tiêu chí mới.
Nói về thực trạng này, theo ông Hoàng Trung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuần Giáo, vì đa số hộ bị xét thuộc diện nghèo đều do thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: Nhà ở, nước sạch, vệ sinh... Nên huyện dự kiến thực hiện giảm nghèo đa chiều tập trung giải quyết những thiếu hụt lớn của người dân về giáo dục, y tế, điều kiện sống, bảo hiểm... Việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách và xây dựng chính sách giảm nghèo theo phương thức không nhận hỗ trợ như nhau mà tùy thuộc nhu cầu và sẽ được phân loại hỗ trợ cho phù hợp từng đối tượng cụ thể. Hiển nhiên, những hộ vừa nghèo thu nhập lại vừa nghèo đa chiều sẽ cần được ưu tiên nhất trong việc hỗ trợ. Tuy nhiên, với những đối tượng này sẽ cần phải rà soát kỹ lưỡng. Trên cơ sở đó, ban hành chính sách, đề ra giải pháp thực sự thiết thực và hiệu quả, trong đó cần quan tâm tới yếu tố nâng cao tính chủ động vươn lên của hộ nghèo, giảm thiểu sự ỷ lại bằng cách “tăng cho vay, giảm cho không”.
Hay như thành phố Điện Biên Phủ cũng vậy. Mặc dù là địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo thấp nhất tỉnh nhưng với phương pháp đánh giá này, tỷ lệ hộ nghèo của TP. Điện Biên Phủ đã tăng lên. Trong tổng số gần 14.000 hộ được điều tra rà soát, số hộ nghèo là 191 hộ (chiếm 1,37%). Dù trong năm 2015 có 22 hộ thoát nghèo nhưng số hộ nghèo mới phát sinh sau khi rà soát lại tăng lên 139 hộ, hộ cận nghèo là 125 hộ (chiếm 0,89%). Theo phân tích của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, trong số 191 hộ nghèo thì số hộ nghèo theo mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản chiếm tỷ lệ cao nhất. Đó là thiếu về công trình vệ sinh đạt chuẩn (150 hộ, chiếm 78% tổng số hộ xét thuộc diện nghèo), tiếp đó là diện tích nhà ở 106 hộ, chiếm 55,5%... Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Điện Biên Phủ cho biết: Nếu như xét hộ nghèo theo chuẩn cũ thì vô hình chung sẽ bỏ sót những hộ nghèo theo các tiêu chuẩn khác như: Y tế, giáo dục, nhà ở... Vì vậy, việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều (chỉ dựa vào tiêu chí thu nhập) sang hướng đa chiều được xem là một bước ngoặt lớn để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, đồng thời có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo.
Câu chuyện chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đa chiều là một quá trình, không thể cầu toàn ngay và sẽ gặp phải một số khó khăn, thách thức. Do đó, đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức và hành động của các ngành, các cấp và đặc biệt là sự thay đổi nhận thức căn bản của đối tượng được thụ hưởng chính sách. Để chính sách thẩm thấu vào thực tế đòi hỏi sự chuẩn bị về năng lực, nguồn lực và thời gian. Tin tưởng rằng, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, thì Quyết định 59 sẽ hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao chất lượng đời sống bà con.
Văn Tâm