Nghỉ Tết âm lịch bao nhiêu ngày là đủ?

Thứ Năm, 18/02/2016, 09:23 [GMT+7]

Có ý kiến cho rằng chỉ nên nghỉ tết từ 3-5 ngày. Thậm chí có người cực đoan cho rằng nên bỏ Tết âm lịch.

Đến hẹn lại lên, cứ sau dịp nghỉ Tết nguyên đán là lại có hàng loạt vấn đề nổi lên mà sau bao nhiêu năm chúng ta vẫn không khắc phục được. Ví dụ, tình trạng các cửa hàng kinh doanh đồ ăn “chặt chém” khách sau Tết, tình trạng nhồi nhét, thu giá vé “trên trời” của người đi xe khách; tinh thần làm việc rệu rã, nhiều người chỉ muốn chơi không muốn làm; tình trạng nghỉ việc để đi chúc Tết, đi lễ chùa vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Từ thực tế này, theo nhiều người, việc nghỉ Tết quá dài chính là nguyên nhân khiến cho năng suất lao động của chúng ta thường thấp vào những tháng có kỳ nghỉ, đặc biệt là Tết nguyên đán…

Chính vì thế, đã có ý kiến cho rằng, chúng ta nên bỏ hẳn Tết Âm lịch để đón Tết dương lịch như nhiều nước trên thế giới. Một năm chúng ta có tới 2 kỳ nghỉ Tết nên tinh thần làm việc liên tục bị “ngắt” quãng, mất khí thế.

Không phải chỉ có Việt Nam mới có kỳ nghỉ Tết. Các nước trên thế giới cũng có kỳ nghỉ Giáng sinh và Tết dương lịch. Nhưng tại sao đây không phải là vấn đề quá nghiêm trọng của họ? Thực ra, kỳ nghỉ Tết ở nhiều nước rất nhẹ nhàng. Họ dành nhiều thời gian cho các kỳ nghỉ trong năm và các kỳ nghỉ này thường được các cá nhân lên kế hoạch từ trước để không ảnh hưởng đến công việc.  

So với các nước trong khu vực, năng suất lao động của chúng ta còn thua  kém rất nhiều. Nguyên nhân do đâu? Do trình độ, tay nghề, hệ thống dây chuyền máy móc thiết bị hay do người Việt Nam chưa cần cù? Các yếu tố này chỉ là một phần nguyên nhân. Phải nghiêm túc nhìn lại rằng, kỷ luật lao động của người Việt Nam chưa nghiêm. Nhiều người, kể cả đang làm việc trong môi trường công nghiệp nhưng cũng không tôn trọng kỷ luật lao động. Đây cũng là vấn đề nhiều nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước kêu ca đối với lao động Việt Nam.

Còn trong hệ thống hành chính công, năm nào sau Tết lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cũng có văn bản chỉ đạo, đốc thúc việc bắt tay ngay vào sản xuất, công việc, không lơ là sau Tết. Nếu như mọi việc đã vào guồng rồi, mọi người răm rắp tuân theo kỷ luật lao động thì sau một kỳ nghỉ Tết âm lịch họ sẵn sàng bắt tay vào công việc chứ không có chuyện “Vui xuân mới quên nhiệm vụ” như hiện đang xảy ra.

Truyền thống của chúng ta là nghỉ ba ngày tết. Giờ đây, do cân đối, tính toán nhiều thứ nên các cơ quan quản lý đã hoán đổi, kéo dài ngày nghỉ Tết cho người lao động. Cụ thể như năm nay, việc nghỉ tết kéo dài tới 9 ngày. Thế nhưng, Tết không chỉ “gói gọn” trong 9 ngày đó, mà trước Tết cả tuần lễ nhiều người, nhiều cơ quan, đoàn thể đã “rộn ràng” chuẩn bị Tết, nhiều công việc bị bỏ bê. Sau Tết, chúng ta vẫn theo quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên bánh chưng, thịt mỡ cứ đeo bám mãi tinh thần của người lao động.

Có lẽ do việc giám sát, phản biện của báo chí được gia tăng nên tình trạng công sở “vắng như chùa bà Đanh” đã ít hơn trước rất nhiều. Nhưng việc “thay phiên nhau nghỉ việc” thì xuất hiện khá nhiều. Chỉ cần đến các đền, chùa, lễ hội có thể thấy ngay bóng dáng của không ít cán bộ, công chức.

Còn các cháu học sinh, sau một kỳ nghỉ Tết dài, nhiều cháu không muốn đến trường đi học trở lại. Nghỉ Tết dài cũng gây xáo trộn cuộc sống của nhiều gia đình. Con cái ở nhà không có người trông trong khi cha mẹ ở một số cơ quan vẫn phải làm việc. Thực sự, nghĩ đến Tết nhiều người quay cuồng đầu óc. Cả xã hội đình trệ vì nghỉ Tết.

Tình trạng ăn Tết, chơi Tết kéo dài lê thê đã “lây lan” ra toàn xã hội. Bằng chứng là, khi các cơ quan công quyền “xốc” lại tác phong làm việc, đi làm đầy đủ, đúng giờ, nhưng tại các trụ sở tiếp dân lại chẳng có bóng dân!

Nhưng không phải vì thế mà tính đến chuyện bỏ tết nguyên đán. Tết nguyên đán là phong tục truyền thống của dân tộc, là dịp để tri ân tổ tiên, ông bà. Người Việt Nam quan niệm “…không sống vì cả bát cơm”. Nét đẹp văn hóa ấy không phải quốc gia, dân tộc nào cũng có. Nhưng ngày nay, rõ ràng chúng ta đang hơi “phóng tay” với ngày Tết. Điều này khiến nhiều người cho rằng, nghỉ Tết quá dài đã vượt quá khả năng và sự chịu đựng của nhiều gia đình và cả nền kinh tế. Bởi ngoài Tết âm lịch, chúng ta còn quá nhiều ngày nghỉ trong năm khiến công việc, hoạt động sản xuất… bị gián đoạn, ngưng trệ.

Đất nước ta nghèo hơn nhiều nước trên thế giới, nhưng chế độ phúc lợi có nhiều điểm chúng ta đã tiến ngang bằng. Ví dụ, việc nghỉ 2 ngày cuối tuần, nghỉ các ngày lễ lớn... Chính vì thế, thay vì kéo dài ngày nghỉ như hiện nay chúng ta có thể xem xét rút gọn lại. Cùng với đó, kỷ luật lao động phải thắt chặt hơn thì mới mong hết cảnh sau Tết lại “rên la” vì năng suất lao động kém./.

 

Theo VOV
 

.