Mường Nhé: Phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng đa mục tiêu

Thứ Hai, 11/01/2016, 10:04 [GMT+7]

Điện Biên TV - Một trong những nội dung được hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Nhé khóa IV tập trung bàn thảo vào trung tuần tháng 12 vừa qua đó là tham gia ý kiến hoàn thiện để ban hành nghị quyết về việc bảo vệ và phát triển rừng gắn với sắp xếp, ổn định dân cư Mường Nhé, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng giai đoạn 2016 - 2020. Đây là vấn đề được Huyện ủy Mường Nhé xác định là nhiệm vụ cấp thiết của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế chính theo hướng đa mục tiêu, hiệu quả và bền vững.

Dân cư trên địa bàn huyện Mường Nhé phần lớn là người dân tộc thiểu số di cư tự do, cuộc sống dựa vào canh tác trên nương nên tỷ lệ hộ đói, nghèo cao. Diện tích đất lâm nghiệp có rừng lớn (chiếm 85,5% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện) nhưng rừng vẫn giảm hàng năm cả về diện tích, chất lượng và đa dạng sinh học, mà nguyên nhân chủ yếu được xác định là do dân di cư tự do tràn vào Mường Nhé sinh sống đã phá rừng để sản xuất lương thực, chặt gỗ làm nhà... Để nghị quyết ban hành sát thực tế và đưa nghị quyết vào cuộc sống, nhiều chuyến thị sát xuống từng thôn, bản của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện và các phòng ban chuyên môn huyện Mường Nhé để nắm bắt tình hình, rà soát, thống kê và đánh giá đúng hiện trạng. Đó là những thông tin, là cơ sở để xây dựng nghị quyết.

 

s
Cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé lên kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng.

 

Ông Thào A Dế, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Từ nguồn vốn của nhiều chương trình, dự án, công tác khoanh nuôi, bảo vệ, trồng mới rừng hàng năm và giao khoán rừng cho các hộ, nhóm hộ từng bước đạt kết quả. Người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ diện tích rừng được giao và tăng thu nhập từ rừng. Tuy nhiên, trên thực tế công tác trồng rừng mới theo các chương trình, dự án thời gian qua còn dàn trải, phân tán, không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật nên chưa tạo ra diện tích rừng trồng tập trung, vì vậy hiệu quả trồng rừng thấp. Diện tích rừng vẫn bị mất đi và người dân chưa mặn mà, gắn bó với việc trồng rừng kinh tế. Nguyên nhân trực tiếp là do cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều bất cập và thấp, chưa giúp người dân sống được với rừng. Việc sở hữu đất đai và tài sản cây trồng trên đất chưa được xác lập, lợi ích của người dân chưa được xác định rõ ràng, minh bạch... là “rào cản” trong việc thu hút người dân tham gia trồng, bảo vệ rừng. Vì vậy, việc ban hành nghị quyết về việc bảo vệ và phát triển rừng gắn với sắp xếp, ổn định dân cư Mường Nhé góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng trong thời gian tới sẽ mở lối tháo gỡ cho những khó khăn, vướng mắc bấy lâu và thực sự là cơ hội để rừng Mường Nhé phát triển vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập và góp phần ổn định dân cư trên địa bàn.

Mục tiêu thực hiện nghị quyết mà Ban chấp hành Đảng bộ huyện Mường Nhé đề ra đó là quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt hơn 72.555ha diện tích có rừng; tăng cường khoanh nuôi tái sinh đối với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, những nơi có khả năng khoanh nuôi, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị và đa dạng sinh học của rừng nhằm đảm bảo vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn huyện. Đến năm 2020, trồng mới 300ha rừng phòng hộ, 2.700ha rừng sản xuất; phấn đấu trồng mới 8.000 - 10.000ha và trồng 800.000 cây phân tán (tương đương khoảng 500ha rừng), nâng độ che phủ rừng lên 51,5%. Huyện sẽ trồng rừng sản xuất thành vùng tập trung để tạo ra sản phẩm hàng hóa, đảm bảo nguyên liệu gỗ cho việc mở nhà máy chế biến gỗ 30.000m3/năm, đảm bảo cho các hộ tham gia trồng rừng sản xuất có thu nhập bình quân từ 400 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh trở lên (tương đương 80 triệu đồng/ha/năm)…

Ông Nguyễn Quang Sáng - Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết:  Để thực hiện thành công nghị quyết về việc bảo vệ và phát triển rừng gắn với sắp xếp, ổn định dân cư Mường Nhé, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng,  giai đoạn 2016 - 2020 còn rất nhiều khó khăn, song với tâm huyết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc trong huyện, Mường Nhé sẽ quyết tâm biến thách thức thành cơ hội, động lực để hoàn thành. Huyện Mường Nhé tập trung chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, đảm bảo 100% người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, cơ quan chuyên môn nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình và nắm chắc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lâm nghiệp. Cơ bản các hộ dân sống gần rừng, trong rừng được tuyên truyền, tiếp cận và hiểu biết về pháp luật bảo vệ và phát triển rừng. Tích cực vận động nhân dân bỏ dần loại hình canh tác quảng canh trên nương chuyển sang trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi tái sinh rừng; xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo cho chủ rừng được hưởng lợi ích chính đáng. Cùng với đó, Mường Nhé khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; các hộ gia đình góp đất tham gia trồng rừng sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật để người dân trồng rừng, tạo vùng nguyên liệu tập trung gắn với nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ. Huyện cam kết thu mua toàn bộ gỗ do doanh nghiệp và nhân dân cung cấp để người trồng rừng yên tâm sản xuất...

Biến thách thức thành cơ hội để rừng Mường Nhé phát triển bền vững và chủ rừng được hưởng lợi, nhiều kế hoạch thực hiện cho chương trình bảo vệ, phát triển rừng đã bắt đầu được triển khai thực hiện. Cùng với tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch trước đây quy hoạch rừng phòng hộ nhưng thực tế là đất nương, nương luân canh sang trồng rừng, Mường Nhé dự kiến trồng 2.000ha rừng sản xuất; 100ha cây phân tán và 300.000 cây phân tán trong mùa trồng rừng 2016. Đến nay, người dân 9/11 xã đã đăng ký trồng 1.800ha rừng sản xuất; hơn 4 triệu cây keo tai tượng đã đóng bầu, ươm ngay tại địa bàn phục vụ sẵn sàng cho mùa trồng mới. Huyện sẽ xúc tiến quy hoạch địa điểm, lập kế hoạch dự án và triển khai xây dựng Nhà máy liên hợp chế biến gỗ Mường Nhé vào năm 2019 - khi diện tích trồng rừng đạt khối lượng gỗ khai thác và cung cấp nguyên liệu đầu vào để người trồng rừng yên tâm sản xuất, có cuộc sống ổn định từ rừng.

 


Minh Thùy

.