"Cơ hội đổi đời" vươn lên thoát nghèo cho người dân
Điện Biên TV - Sau 5 năm (2010 - 2015) thực hiện Dự án "Ngân hàng bò" do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai thực hiện với thông điệp "Ngân hàng bò - Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới" đã góp phần thiết thực cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo, thay đổi diện mạo nông thôn, chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng nông thôn mới.
Với mục tiêu là giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển chăn nuôi bò sinh sản, phục hồi sinh kế bền vững, từng bước vươn lên thoát nghèo; "Ngân hàng bò" là một mô hình rất đặc biệt bởi cách thức duy trì và phát triển "Ngân hàng" này. Theo đó, mỗi hộ nghèo được trao tặng một con bò giống sinh sản từ 12 tháng tuổi trở lên, trọng lượng tối thiểu trên 100kg, trị giá khoảng 10 triệu đồng để chăm sóc và nuôi dưỡng, sau khi bò giống sinh sản lứa bê đầu tiên hộ gia đình này tiếp tục chăm sóc bê con thêm 6 - 12 tháng tuổi nữa sẽ bàn giao lại cho Ban quản lý dự án. Nếu là bê cái Ban quản lý sẽ chuyển giao cho hộ nghèo khác nuôi. Trường hợp lứa bê đầu tiên là bê đực, Ban quản lý sẽ có trách nhiệm bán đi để mua bò cái, chuyển giao cho hộ nghèo khác nuôi, tiền bán bê đực nếu còn thừa sẽ được đưa vào chi phí hỗ trợ làm chuồng trại, chi phí quản lý hành chính, chi phí khác phục vụ cho dự án; hộ gia đình sau khi thực hiện trách nhiệm với dự án sẽ được hoàn toàn sở hữu bò mẹ.
Sau 5 năm thực hiện Dự án "Ngân hàng bò" đến nay, số bò trên đã sinh sản thêm được 183 con, nâng tổng số bò bê hiện có lên là 594 con |
Qua 5 năm thực hiện dự án, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã và đang trực tiếp làm đầu mối tiếp nhận, phân bổ và quản lý 518 còn bò giống được cấp ban đầu từ nguồn hỗ trợ của Trung ương Hội và các nhà tài trợ với tổng trị giá khoảng 4 tỷ 925 triệu đồng tại 8 huyện, thị, thành phố trong tỉnh gồm: Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Điện Biên, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ. Trong đó, thực hiện hình thức luân chuyển theo mô hình luân chuyển bò của dự án tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Ảng, Mường Chà, Điện Biên Đông và xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên); cấp thẳng cho các hộ gia đình nghèo không thực hiện luân chuyển theo yêu cầu của nhà tài trợ tại các xã Nà Nhạn, Thanh Yên (huyện Điện Biên); huyện Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ.
Đến nay, số bò trên đã sinh sản thêm được 183 con, nâng tổng số bò hiện có lên là 594 con, trong đó đã luân chuyển được 132 con cho các hộ đặc biệt khó khăn. Riêng năm 2015, số bò dự án trong toàn tỉnh đã sinh sản mới được 17 con, đã tiến hành chuyển giao được 37 con cho các hộ nghèo khác với trị giá 481 triệu đồng.
Tại xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) - một trong những xã đầu tiên tham gia vào dự án, với số lượng giao ban đầu cho xã là 50 con thì đến nay đã phát triển lên hơn 100 con. Nhiều hộ gia đình trong xã khi nhận được một bò giống nay đã phát triển lên từ 2 - 3 con, đời sống vật chất và tinh thần các gia đình đã cải thiện, có điều kiện để nuôi con em mình ăn học, mua sắm vật dụng, phương tiện thiết yếu trong gia đình. Không chỉ như vậy mà từ hộ nghèo nay đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí có những hộ vươn lên khá, giàu. Qua đó, dự án đã và đang góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Chăn xây dựng nông thôn mới.
Còn đối với huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ - Mường Ảng, tuy chỉ hơn 1 năm thực hiện dự án, với 145 con bò được cấp ban đầu đến nay, đàn bò đang phát triển tốt và đã sinh sản thêm được 22 con. Có được kết quả trên là nhờ vào sự quan tâm của Ban chỉ đạo dự án các cấp từ tỉnh đến xã, sự sát sao, tận tâm, nhiệt tình của cán bộ hội, sự chăm sóc chu đáo của các hộ gia đình, công tác thú y được quan tâm.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì trong quá trình triển khai dự án vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Công tác phối hợp thực hiện giữa các cấp hội với các ngành có liên quan tại một số nơi còn chưa chặt chẽ; một số nơi cấp ủy, chính quyền và người dân chưa hiểu sâu sắc, dành sự quan tâm đúng mức cho dự án; còn nhiều thiếu sót trong công tác quản lý bò giống, dẫn đến bò bị chết, mất không rõ nguyên nhân như các huyện: Mường Nhé và Nậm Pồ.
Có thể nói, Dự án "Ngân hàng bò" đã trao cho người dân "cơ hội đổi đời" vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, giàu tính nhân văn, có sức lan tỏa rộng khắp, tạo sự gắn kết cộng đồng giữa người dân với dự án và cộng đồng ngay tại nơi cư trú./.
Diệp Xuân