Vươn lên từ bất hạnh
Điện Biên TV - Cuộc sống đâu đó vẫn còn những mảnh đời không may mắn nhưng không chịu khuất phục trước số phận, mà vượt qua mọi khó khăn để thực hiện ước mơ hoài bão của mình. Vì Thị Thúy An và Lờ A Vẳng, ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh là những người như thế.
Vì Thị Thúy An ôn bài trên giảng đường |
Vì Thị Thúy An không may mắn như những bạn bè cùng trang lứa. Cha qua đời khi em mới 2 tuổi, lên 5 tuổi, một lần nữa bất hạnh đến với em khi bị mẹ bỏ rơi. Năm 2005, em được đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh do ông bà nội đã già yếu không đủ điều kiện nuôi dưỡng.
Hiểu được hoàn cảnh của bản thân, An luôn ý thức tự cố gắng, không ngừng phấn đấu trong học tập, tham gia nhiệt tình các phong trào của trường và Trung tâm tổ chức. 12 năm học phổ thông em đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi và nhận được nhiều học bổng như: Học bổng Vừ A Dính, học bổng Cựu học sinh xuất sắc Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ. Trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, An được 27 điểm đỗ 2 trường đại học (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Luật Hà Nội). Với An, tin đã đỗ đại học vừa buồn vừa vui; vui vì em đã “chạm” được vào ước mơ trở thành luật sư bảo vệ công lý; buồn vì lo lắng làm sao để có thể tự duy trì cuộc sống ăn học của mình trong suốt 4 năm. Ngoài tiền do Trung tâm hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng (3 tháng gửi 1 lần) thì em không có thêm sự hỗ trợ nào khác.
Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông bà nội của An ở đội 8A, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, một ngôi nhà nhỏ nằm cách xa đội cả chục cây số. Điều đầu tiên tôi nhìn thấy là hình ảnh 2 cụ già, mái đầu bạc trắng đang lọ mọ bên bếp lửa chuẩn bị bữa cơm chiều. Khi hỏi về An, ông Vì Văn Inh, ông nội của An cho biết: “Vì gia đình hoàn cảnh không đủ điều kiện nên đành phải gửi cháu vào Trung tâm. Năm nay tôi 86 tuổi, bà nhà tôi cũng 84 tuổi rồi không còn đủ sức để nuôi cháu nữa. Hôm cháu chuẩn bị đi nhập học có về thăm nhà, nhưng ông bà và cô chú còn khó khăn, cũng không có gì để cho cháu; người nhiều thì được 100 nghìn còn lại chỉ 10 - 20 nghìn để An đi đường uống nước thôi. Biết gia đình khó khăn con bé cũng không đòi hỏi gì, tôi thương cháu mà lực bất tòng tâm chú ạ.” Ngồi kế bên, bà Mấng, bà nội của An nước mắt cũng lăn dài trên đôi má nhăn nheo...
Hiện Vì Thị Thúy An đã xuống trường nhập học và tạm thời ổn định cuộc sống. Do không thuộc đối tượng được ở kí túc xá nên em thuê phòng trọ ở ngoài cách trường 4km để giảm bớt tiền thuê nhà. Thời gian tới em sẽ cố gắng sắp xếp thời gian, lịch học hợp lý để có thể tìm việc làm thêm duy trì việc học tập của mình. An tâm sự: Sẽ quyết tâm đi học để thực hiện ước mơ lớn nhất của mình.
Qua lời kể của cô Nguyễn Thị Tuấn, Phó trưởng phòng quản lý đối tượng, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên, chúng tôi được biết Lờ A Vẳng, cậu học trò mồ côi đầy nghị lực. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, 2 anh em Vẳng được đưa về nuôi dưỡng ở Trung tâm. Vẳng là học sinh hiếu động, mải chơi, thường xuyên để các cô trong Trung tâm phải nhắc nhở khi còn là cậu học sinh cấp 2. Thế nhưng khi vào cấp 3, em đã dần thay đổi trưởng thành hơn. 3 năm liên tiếp em đạt học sinh khá của Trường THPT thành Phố Điện Biên Phủ; tham gia nhiệt tình các phong trào thể dục thể thao của nhà trường và Trung tâm. Trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua em đã đạt 21,5 điểm và trúng tuyển vào trường Đại học Nội vụ.
Lờ A Vẳng chia sẻ: Em sẽ cố gắng học thật tốt, sắp xếp lịch học hợp lý, thời gian rảnh tìm việc làm thêm để có tiền phục vụ cuộc sống học tập thường ngày. Mong muốn lớn nhất của em hiện giờ là học thật giỏi để khi ra trường sớm tìm được một công việc ổn định, có tiền nuôi em gái ăn học, mong sao nó không phải khổ như em.
Bà Lê Xuân Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 79 cháu, đều là các cháu mồ côi hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chủ yếu là dân tộc Mông và dân tộc Thái. Các cháu ở đây có chế độ tiền ăn và sinh hoạt phí theo từng đối tượng khác nhau. Cụ thể, đối tượng học chuyên nghiệp được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng. Cũng biết với số tiền hỗ trợ ít ỏi như vậy thì các em khó có thể đảm bảo được việc ăn học nếu không tự xoay sở làm thêm. Cũng muốn hỗ trợ các em nhiều hơn nhưng không thể, vì kinh phí của Trung tâm có hạn và còn phải đảm bảo cuộc sống cho gần 80 em khác đang sống và học tập trong Trung tâm. Năm 2012, Trung tâm cũng có trường hợp của em Điêu Thị Keo mặc dù thi đỗ Đại học Nông Nghiệp Hà Nội, nhưng do không thể duy trì được cuộc sống học tập ở Hà Nội với số tiền hỗ trợ nên sau khi nhập học được 3 tháng đã xin nghỉ và vào học Trung cấp Y Điện Biên để giảm chi phí sinh hoạt.
Nhờ sự nỗ lực cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, mà An và Vẳng có được thành quả như ngày hôm nay. Hy vọng, với ý chí biết vươn lên trong cuộc sống các em có thể thực hiện được ước mơ hoài bão của mình trong tương lai./.
Tuấn Anh