UBND tỉnh trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri do HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổng hợp

Thứ Sáu, 25/12/2015, 15:24 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIII, UBND tỉnh đã thông qua Báo cáo số 391/BC-UBND về kết quả thực hiện, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri do HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp trước và sau kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII. Trang Thông tin Điện tử đăng tải nội dung trả lời tới cử tri.

f
Đồng chí Lê Thành Đô, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông qua báo cáo trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIII

Tại kỳ họp và sau kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh khóa XIII, Thường trực HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổng hợp chuyển đến UBND tỉnh 93 các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri toàn tỉnh trong quá trình tiếp xúc cử tri (bao gồm: 77 ý kiến, kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp; 16 ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp).

Trên cơ sở các quy định hiện hành và tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh, UBND tỉnh đã có báo cáo trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp tại kỳ họp thứ 14 (Báo cáo số 205/BC-UBND ngày 07/7/2015); theo đó, còn lại 13 nội dung cần tiếp tục giải quyết, trả lời.

Để giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2779/UBND-TH2 ngày 29/7/2015 và văn bản số 2395/UBND-TH2 ngày 15/9/2015 giao nhiệm vụ cho các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị có trách nhiệm giải quyết và báo cáo kết quả thực hiện về HĐND tỉnh và UBND tỉnh. Tại kỳ họp này, UBND tỉnh tổng hợp báo cáo như sau:

A. Kết quả giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp

Sau khi tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh, các ngành tỉnh, các địa phương, đơn vị đã chủ động, tích cực nghiên cứu giải quyết. Đến nay, đã có 19 ý kiến, kiến nghị được giải quyết dứt điểm (có phụ lục về kết quả giải quyết cụ thể từng ý kiến, kiến nghị kèm theo); còn lại 58 ý kiến, kiến nghị đang được UBND tỉnh, các ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục giải quyết; tình hình giải quyết cụ thể như sau:  

1. Các kiến nghị của cử tri thị xã Mường Lay

1.1. Hiện nay trên địa bàn thị xã thường xuyên bị mất điện, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. Nội dung này đã được UBND tỉnh trả lời tại Báo cáo số 167/BC-UBND ngày 15/7/2014. Tuy nhiên, đến nay sự cố trên vẫn chưa được khắc phục. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, sớm đầu tư bổ sung Trạm biến áp 110 KV tại khu vực huyện Mường Chà để giảm bớt bán kính cấp điện, hạn chế sự cố, đảm bảo cấp điện an toàn và ổn định cho thị xã Mường Lay.

Nội dung này, UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết, trả lời như sau:

Ngày 17/8/2015, UBND tỉnh đã có văn bản số 2975/UBND-CN gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc đề nghị đầu tư, xây dựng đường dây 110kV Điện Biên – Thị xã Mường Lay và trạm biến áp 110kV Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Đến ngày 04/9/2015, Tập Đoàn Điện lực Việt Nam có văn bản số 3680/EVN-KH, trong đó đã xác định việc đầu tư đường dây 110kV Điện Biên – Thị xã Mường Lay và Mường Chà đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, mục tiêu hoàn thành vào trong giai đoạn 2016-2020.

1.2. Tuyến Quốc lộ 12 đi qua địa phận thị xã Mường Lay đã được nâng cấp nhưng thiếu hệ thống biển báo chỉ dẫn đường, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát sớm lắp đặt, hoàn thiện hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn trên địa bàn thị xã Mường Lay.

Nội dung này, UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết, trả lời như sau:

Tuyến quốc lộ 12 đoạn qua thị xã Mường Lay được đầu tư cải tạo nâng cấp do Sở Giao thông vận tải làm đại diện chủ đầu tư, hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2010 đến nay, hệ thống biển báo hiệu đường bộ đã được lắp đặt đầy đủ, tuân thủ tiêu chuẩn hiện hành. Quá trình khai thác sử dụng đến nay nhiều tuyến đường nội thị thị xã được xây dựng hoàn thiện và đấu nối với tuyến quốc lộ 12 nên một vài vị trí chưa kịp thời bổ sung biển báo, biển chỉ dẫn theo quy định. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải kiểm tra, rà soát bổ sung hệ thống biển báo theo quy định.

1.3. Nguồn nước chảy từ quốc lộ 6 qua quốc lộ 12 xuống bản Hốc phường Na Lay chưa được xử lý triệt để, khi có trận mưa to đất đá tràn hết xuống bản làm ảnh hưởng đến tài sản và khó khăn cho việc đi lại của nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, xử lý để nhân dân yên tâm sinh sống và sản xuất.

Nội dung này, UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết, trả lời như sau:

UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải kiểm tra để chỉ đạo các  đơn vị quản lý bảo trì, tư vấn khảo sát thiết kế và các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện đảm bảo giao thông bước 1 với phương án xử lý: Bạt mái ta luy dương và hót toàn bộ đất sụt sau đó tiến hành xếp rọ thép trên chiều dài L=50m, với chiều cao H=3,0m. Đến nay, các công việc trên đã hoàn thành, bước đầu đã khắc phục được tình trạng trên.

1.4. Công nhân của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Quản lý giao thông tỉnh Điện Biên đóng trên địa bàn thị xã, 6 tháng đầu năm 2015 chưa được thanh toán tiền lương mà chỉ được ứng 2.000.000 đ/người; chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, khó khăn cho công nhân trong quá trình khám, chữa bệnh; có người đã nghỉ chế độ hưu trí hơn 01 năm nay nhưng vẫn chưa được nhận sổ hưu nên gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với Sở Giao thông Vận tải và Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Quản lý giao thông sớm xem xét, giải quyết chính sách cho người lao động theo quy định.

Nội dung này, UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết, trả lời như sau:

Ngày 26/10/2015, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện thanh toán tiền lương, BHYT, chế độ hưu trí của người lao động tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Quản lý giao thông tỉnh Điện Biên. Qua kiểm tra, đoàn công tác liên ngành xác định Công ty chậm trả lương cho người lao động, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động với số tiền 1.876.978.258 đồng  (tính đến 30/9/2015).

Ngày 04/11/2015, Công ty đã có báo cáo kết quả thực hiện những kiến nghị sau khi kiểm tra của đoàn công tác liên ngành; theo đó, công ty chưa có kinh phí để trả nợ lương, trả nợ tiền đóng bảo hiểm, chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động do chưa nghiệm thu thanh toán được các công trình công ty đã thi công, Công ty dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ cố gắng trả dần tiền nợ đóng bảo hiểm và chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ. Tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ đã buộc Công ty phải trả số tiền nợ bảo hiểm và lãi chậm nộp cho Bảo hiểm xã hội tỉnh tính đến 31/7/2015 là 1.332.041.180 đồng.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, theo dõi, giám sát và đôn đốc Công ty khẩn trương thanh toán dứt điểm tiền lương, tiền đóng bảo hiểm còn nợ cho người lao động.

Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên, Cục thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan hoàn thiện quy trình xét xử, thi hành án theo quy định để Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Quản lý giao thông tỉnh Điện Biên thực hiện đầy đủ, kịp thời trách nhiệm đối với các sai phạm của đơn vị về thực hiện chế độ tiền lương, nhân công và bảo hiểm xã hội.

2. Các kiến nghị của cử tri huyện Nậm Pồ

2.1. Đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với chính phủ, bộ ngành trung ương cấp kinh phí hỗ trợ cho các Chi hội thôn bản theo Thông tư 49/2012/TT-BTC; nâng mức phụ cấp cô đỡ thôn bản từ 200.000đ/tháng nên bằng mức y tế bản là 575.000đ/tháng.

Nội dung này, UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết, trả lời như sau:

- Về đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ cho các Chi hội thôn bản:

Theo quy định tại Thông tư số 49/2012/TT-BTC ngày 20/3/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí hoạt động của các Chi hội thuộc các tổ chức Chính trị -  xã hội thuộc các xã đặc biệt khó khăn, hàng năm địa phương cân đối ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Chi hội thuộc các tổ chức chính trị xã hội ở thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn theo mức từ 1 - 2 triệu đồng/năm/chi hội; nhu cầu kinh phí để thực hiện hỗ trợ các chi hội trên địa bàn tỉnh mỗi năm từ 5,6 - 11,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, chính sách trên phát sinh trong thời kỳ ổn định ngân sách, nằm ngoài định mức ngân sách Trung ương đã phân bổ cho địa phương nên chỉ được tỉnh triển khai thực hiện khi được Trung ương hỗ trợ.  

Năm 2012, Trung ương hỗ trợ cho tỉnh 8,4 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ số kinh phí trung ương hỗ trợ về các huyện để hỗ trợ các Chi hội thuộc các thôn, bản với mức 1,5 triệu đồng/chi hội. Từ năm 2013 đến nay, hàng năm tỉnh vẫn báo cáo và đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách trên nhưng Trung ương không cân đối, hỗ trợ cho địa phương nên không có nguồn phân bổ cho các huyện. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục báo cáo, kiến nghị Trung ương cân đối, bố trí kinh phí cho địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ trên.

- Về đề nghị nâng mức phụ cấp cô đỡ thôn bản từ 200.000đ/tháng nên bằng mức y tế bản là 575.000đ/tháng

Hiện nay, mức phụ cấp cho cô đỡ thôn bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên là thấp so với mặt bằng chung của toàn quốc. Tuy nhiên, Điện Biên là một tỉnh nghèo, trên 90% ngân sách của tỉnh do Trung ương hỗ trợ; vì vậy, chưa cân đối được kinh phí để nâng mức phụ cấp cho cô đỡ thôn bản bằng với mức phụ cấp của nhân viên y tế thôn, bản. UBND tỉnh tiếp thu kiến nghị của cử tri, khi cân đối được nguồn lực sẽ xem xét ưu tiên thực hiện.

2.2. Ngày 02/6/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 434/QĐ-UBND về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành/thủ tục hành chính bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã, trong đó có nội dung quy định một số thủ tục hành chính xã không được xác nhận như: Nhà ở, đất ở hợp pháp của nhân dân ... là chưa phù hợp với quy định tại điều 100 và điều 101 của Luật Đất đai 2013. Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh quy định trên theo đúng quy định của pháp luật.

Nội dung này, UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết, trả lời như sau:

Theo quy định của pháp luật về đất đai và Quyết định số 435/QĐ-UBND ngày 02/6/2015 của UBND tỉnh, việc xác nhận đất không có tranh chấp, không vi phạm quy hoạch, xác nhận nhà ở, đất ở hợp pháp không được quy định là thủ tục hành chính mà chỉ là một trong các nội dung công việc được quy định tại các thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện; theo đó, UBND cấp xã chỉ là cơ quan phối hợp thực hiện và chịu trách nhiệm về việc xác nhận đất không có tranh chấp, không vi phạm quy hoạch, xác nhận nhà ở, đất ở hợp pháp. Do vậy, Quyết định số 435/QĐ-UBND ngày 02/6/2015 của UBND tỉnh là phù hợp với các quy định của Luật Đất đai năm 2013. 

2.3. Người dân huyện Nậm Pồ mua xe máy thì không được đăng ký tại huyện mà phải đi ra địa phương khác đăng ký (Mường Nhé) nên đi lại rất khó khăn, tốn kém, mặc dù các phòng ban huyện đã đầy đủ và đi vào hoạt động từ mấy năm nay, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo nghành chức năng tạo điều kiện cho người dân được đăng ký xe máy tại huyện.

Nội dung này, UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết, trả lời như sau:

Thực hiện Công văn số 3577/BCA-C61 ngày 16/10/2014 của Bộ Công an, tỉnh Điện Biên chỉ có 04 điểm đăng ký xe bấm số tự động, 6 huyện còn lại phải dừng việc đăng ký xe máy và về đăng ký tại 04 điểm Bộ Công an cho phép, cụ thể: Điểm huyện Mường Nhé đăng ký xe cho nhân dân huyện Mường Nhé và Nậm Pồ; điểm thị xã Mường Lay đăng ký xe cho nhân dân thị xã Mường Lay và huyện Mường Chà; điểm huyện Tuần Giáo đăng ký xe cho nhân dân huyện Tuần Giáo và huyện Tủa Chùa; điểm tại phòng PC67 Công an tỉnh đăng ký xe cho nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Điện Biên Đông và huyện Mường Ảng.

Việc đăng ký xe theo cụm đã gây khó khăn và tốn kém cho người dân; do đó, Công an tỉnh Điện Biên đã nhiều lần kiến nghị với Bộ Công an nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Công an tỉnh tiếp tục tham mưu văn bản của UBND tỉnh để báo cáo, đề nghị với Bộ Công an cho đăng ký xe tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi đăng ký xe.  

2.4. Hiện nay trình tự, thủ tục đổi giấy phép lái xe tập trung tại Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên; nên nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới  phải đi từ 200 đến 300 km mới làm thủ tục đổi giấy phép lái xe được, gây lãng phí về thời gian, tiền của người dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng nghiên cứu tạo điều kiện cho người dân được đổi giấy phép lái xe tại huyện.

Nội dung này, UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết, trả lời như sau:

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nghiên cứu và tổ chức thực hiện một số phương án đổi giấy phép lái xe tạo điều kiện thuận lợi để người có nhu cầu đổi giấy phép lái xe như: Đổi giấy phép lái xe qua mạng internet (đã được thực hiện từ ngày 05/8/2015); phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện chuyển phát giấy phép lái xe đã được đổi đến tận tay người có nhu cầu (đã thực hiện từ ngày 21/9/2015); Đang triển khai thí điểm tại 04 huyện: Nậm Pồ; Mường Nhé, Tủa Chùa và Điện Biên Đông việc chụp ảnh trực tiếp, thu nhận hồ sơ đổi giấy phép lái xe và chuyển phát đến tận tay người có nhu cầu. (dự kiến đến ngày 31/12/2015 sẽ tổng kết đánh giá để triển khai tại tất cả các huyện, thị trong tỉnh. Với các biện pháp trên, sẽ đảm bảo chủ động phục vụ kịp thời nhu cầu của nhân dân, tất cả mọi người đủ điều kiện, có nhu cầu đều được chuyển đổi GPLX một cách thuận tiện, đúng quy định của pháp luật, tiết kiệm được thời gian và tiền của cho nhân dân.

2.5. Đường giao thông đi lại vào huyện, trụ sở làm việc các cơ quan hành chính của huyện hết sức khó khăn, nhất là trong mùa mưa. Đề nghị UBND tỉnh sớm quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: San ủi mặt bằng, Trụ sở làm việc các cơ quan hành chính của huyện, tái định cư cho nhân dân sở tại, nâng cấp đường từ ngã ba Chà Cang - Nà Hỳ.

Nội dung này, UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết, trả lời như sau:

Sau khi được thành lập, huyện Nậm Pồ đã được đầu tư Dự án khu trụ sở làm việc tạm của Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể huyện Nậm Pồ với tổng kinh phí đầu tư là 92 tỷ 137 triệu đồng; Dự án đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng và cơ bản đáp ứng được nhu làm việc, sinh hoạt của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể.   

Để từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tạo điều kiện tốt hơn về trụ sở làm việc cho cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của huyện, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020 của tỉnh đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định đã có các nội dung kiến nghị trên của cử tri. Hiện nay, các đơn vị được giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (UBND huyện Nậm Pồ lập báo đề xuất chủ trương của dự án san ủi mặt bằng, trụ sở làm việc các cơ quan hành chính của huyện, tái định cư cho nhân dân sở tại; Sở Giao thông vận tải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của dự án Chà Cang- Nà Khoa - Nậm Nhừ - Nậm Chua – Nà Hỳ, trong đó có đoạn đường từ ngã ba Chà Cang - Nà Hỳ) đang triển khai thực hiện các bước theo quy định của Luật Đầu tư công để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.

2.6. Tiến độ triển khai thi công tuyến đường Km45 - Nà Hỳ rất chậm, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương... của nhân dân.

Nội dung này, UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết, trả lời như sau:

Ngày 31/10/2015, đồng chí Mùa A Sơn- Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thành Phong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành và Ban quản lý các dự án giao thông trọng điểm (chủ đầu tư) đã đi kiểm tra thực tế dự án đầu tư xây dựng công trình Đường từ Km45– Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ. Trong đó đã xác định, đến nay dự án đã triển khai thực hiện hoàn thành được hầu hết các hạng mục quan trọng như: Nền đường đạt 99%, công trình thoát nước đạt trên 95%, kè phòng hộ đạt trên 90%, móng đường thực hiện xong 27,0/31,6 km với tổng giá trị thực hiện hoàn thành đạt 214,2/289,3 tỷ đồng đạt 74,4 % giá trị. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án còn bộc lộ một số hạn chế đó là: Công tác tuyền truyền về tổ chức công khai, công bố các thủ tục đầu tư dự án chưa đồng bộ, dẫn đến một số hộ dân có biểu hiện chống đối, chậm bàn giao mặt bằng cho dự án; một số đoạn tuyến của dự án sau mùa mưa bão xảy ra tình trạng sạt lở dẫn đến nhà thầu phải khắc phục các sự cố; việc bố trí nguồn vốn thực hiện dự án còn thiếu 109.300 triệu đồng, ... Qua công tác kiểm tra thực tế, đồng chí Mùa A Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo trong thời gian tới Chủ đầu tư tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, tăng cường công tác quản lý chất lượng xây dựng công trình và thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hoàn thành công trình theo đúng tiến độ đã cam kết; đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các dự án giao thông trọng điểm (Chủ đầu tư) chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xem xét xử lý đối với phần vốn bố trí cho dự án còn thiếu; UBND huyện Nậm Pồ và Chủ đầu tư tổ chức tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện hỗ trợ địa điểm tái định cư cho các hộ dân.

2.7. Cơn bão số 2 năm 2014 đã làm cho một tuyến đường giao thông liên xã (tuyến đường Ma Thì Hồ - Chà Tở) bị sạt lở, hư hỏng nặng; một số các tuyến đường giao thông liên bản, từ xã đến trung tâm bản bị sạt lở nghiêm trọng. Đề nghị UBND tỉnh sớm bổ sung kinh phí để sửa chữa, khắc phục.

Nội dung này, UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết, trả lời như sau:

Để đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường do huyện quản lý sau cơn bão số 2 xảy ra vào tháng 7/2014, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã và các đơn vị liên quan tổ chức khắc phục các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở; đến tháng 9/2014, huyện đã cơ bản khắc phục xong các điểm sạt lở trên hầu hết các tuyến đường (chỉ còn tuyến đường Ma Thì Hồ - Chà Tở là chưa thể khắc phục xong). Tuy nhiên, trong mùa mưa năm 2015 nhiều tuyến đường tiếp tục bị sạt lở gây ách tắc giao thông; huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức khắc phục, đến nay các tuyến đường trong huyện đã không còn ách tắc.

  Tuyến đường Ma Thì Hồ - Chà Tở (là tuyến đường liên huyện nối từ bản Nậm Chua, xã Chà Tở, huyện Nậm Pồ sang xã Ma Thì Hồ của huyện Mường Chà) đến nay chưa thể khắc phục được là do bị hư hỏng, sạt lở khá nặng sau cơn bão số 2 năm 2014 trên toàn tuyến (gồm cả đoạn trên địa bàn huyện Nậm Pồ và đoạn trên địa bàn huyện Mường Chà); trong mùa mưa năm 2015 tuyến đường này tiếp tục bị hư hỏng thêm, khối lượng sạt lở rất lớn, có đoạn mất gần hết mặt đường, nhiều cống bị trôi, lấp. Hiện nay, các điểm sạt lở đã được các đơn vị liên quan khắc phục xong, đảm bảo cho xe ô tô lưu thông trên tuyến đường này.

Về kinh phí, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương (trong đó có huyện Mường Chà) chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để khắc phục; trong năm 2015, UBND tỉnh đã trích 08 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh và nguồn bổ sung của Trung ương để hỗ trợ huyện thực hiện nhiệm vụ trên.  

(còn nữa)

BBT

 

.