Quy định mới về cách tính mức đóng BHXH từ năm 2016
Từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2017, tính đóng BHXH theo mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động.
Tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc năm 2016 không thay đổi
Theo BHXH Việt Nam, mức đóng BHXH xã hội bắt buộc từ ngày 1/1/2016 theo quy định của Luật BHXH số 58/2014/QH13 như sau:
Tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc không thay đổi. Người lao động đóng BHXH bằng 8% tiền lương tháng (đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất); người sử dụng lao động đóng bằng 18% tiền lương tháng (14% vào quỹ hưu trí, tử tuất, 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản). Tổng tỷ lệ đóng BHXH là 26% tiền lương tháng.
Ảnh minh họa, nguồn: KT |
Về tiền lương tháng đóng BHXH
Từ tháng 1/1/2016, những người hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (công chức, viên chức nhà nước hưởng lương theo Nghị định của Chính phủ, tiền lương để tính đóng BHXH không thay đổi, vẫn đóng BHXH theo tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Viên chức quản lý chuyên trách trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đóng BHXH theo hệ số tiền lương quy định tại Nghị định số 51 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc, kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật BHXH, có lộ trình gồm:
Từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2017, tính đóng BHXH theo mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. Như vậy, so với quy định trước đây, tiền lương tính đóng BHXH giai đoạn 2016 - 2017 có thêm khoản phụ cấp lương.
Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác do doanh nghiệp tự xây dựng làm căn cư thỏa thuận, ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động theo quy định của pháp luật.
So với quy định tại Luật BHXH năm 2006, các điểm mới theo quy định này là: Người lao động trong doanh nghiệp nhà nước hưởng lương theo hệ số theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 24/12/2004, trước năm 2016 đang đóng, hưởng BHXH theo hệ số, từ ngày 1/1/2016 trở đi tính đóng BHXH theo tiền lương ghi trong HĐLD như những người lao động làm việc trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, bình đẳng giữa 2 khu vực.
Tiền lương đóng BHXH từ ngày 1/1/2016 là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động gồm thêm phụ cấp lương và từ ngày 1/1/2018 thêm cả các khoản phụ cấp khác.
Ngoài ra, Luật cũng quy định về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đó là cán bộ xã không chuyên trách (thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất) thực hiện từ năm 2016; người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài (không nhất thiết đã tham gia BHXH trước khi đi); người lao động theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 tháng (từ năm 2018); lao động là người nước ngoài từ năm 2018.
Các điểm mới theo quy định này là:
Người lao động trong doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương theo hệ số đang đóng, hưởng BHXH theo hệ số, thì từ ngày 1-1-2016 trở đi tính đóng BHXH theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động như những người lao động làm việc trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, tạo sự bình đẳng giữa hai khu vực.
Tiền lương đóng BHXH từ 1-1-2016 là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, gồm thêm phụ cấp lương, và từ 1-1-2018 thêm cả các khoản phụ cấp khác.
Một số quy định về tiền lương theo quy định của Bộ luật Lao động:
Theo quy định tại Điều 90 Bộ Luậ Lao động và Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động; Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015 hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP (TT-BLĐTBXH) ngày 16/11/2015 hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP có nội dung về sửa đổi, bãi bỏ, bổ sung một số điểm của Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH):
Tiền lương ghi trong HĐLĐ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định. Tiền lương gồm: Mức lương theo công việc hoặc chức danh; Phụ cấp lương; Các khoản bổ sung khác.
Nội dung cấu thành tiền lương:
Mức lương: Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang bảng lương do NSDLD xây dựng theo các nguyên tắc quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP, trong đó: Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi người lao động phải qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thểu vùng.
Mức lương công việc nặng nhọc độc hại: cao hơn ít nhất 5% so với điều kiện lao động bình thường, đặc biêt nặng nhọc độc hại thì cao hơn ít nhất 7%.
Khi xây dựng, sửa đổi thang bảng lương: tham khảo ý kiến của ổ chức đại diện tập thể người lao động, công bố công khai, gửi cơ quan nhà nước về lao động cấp huyện. Phải báo cáo chủ sở hữu cho ý kiến trước khi thực hiện.
Về phụ cấp lương:
Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tình đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương như:
Yếu tố điều kiện lao động, có yếu tố nặng nhọc độc hại, nguy hiểm.
Yếu tố phức tạp: thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng.
Về các khoản bổ sung khác: là các khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong HĐLĐ. Trừ: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ người kết hôn.
Doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát, xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang bảng lương, định mức lao động theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương. Thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng làm căn cứ để thỏa thuận HĐLĐ, trả lương cho người lao động.
Đi làm việc ở nước ngoài: Phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Luật BHXH 2014 quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đó là cán bộ xã không chuyên trách để thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất; người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài dù không nhất thiết đã tham gia BHXH trước khi đi. Riêng với nhóm người lao động theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ một đến tháng và lao động là người nước ngoài sẽ thực hiện từ năm 2018.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ BHXH Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 đã quy định, người lao động đi làm ở nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc nếu có tham gia BHXH. Trong Luật BHXH năm 2014, họ vẫn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, nhóm này chỉ tham gia hai chế độ hưu trí và tử tuất, vì những chế độ ngắn hạn như tai nạn lao động, bảo hiểm y tế, ốm đau … đều đã hưởng ở nước tới làm việc.
Bà Nga nêu thực tế, không phải tất cả các quốc gia Việt Nam gửi lao động đi làm việc đều có BHXH. Lao động Việt Nam ra nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc và ngược lại, người nước ngoài vào Việt Nam cũng vậy. Đây cũng là cơ hội cho người lao động ở bất kỳ quốc gia nào cũng có cơ hội đóng BHXH để hưởng lương hưu sau này. Lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng BHXH trên nền tiền lương với mức hai lần tiền lương cơ sở, không quá cao để gây khó khăn cho người lao động.
Trong thời gian tới, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xúc tiến ký hiệp định tương hỗ về BHXH với một số quốc gia như Đức, Hàn Quốc. Phương thức đóng BHXH của nhóm đi làm việc ở nước ngoài rất linh hoạt, có thể đóng trước 3-6 tháng, đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH, hoặc doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài./.
Theo VOV