Điều tra đúng, để hỗ trợ đúng chính sách cho hộ nghèo
Điện Biên TV - Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và sự chia sẻ, giúp đỡ của đồng bào cả nước, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống của các hộ nghèo. Đến nay, đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh Điện Biên nói chung và người nghèo nói riêng đã được cải thiện rõ rệt, nhất là về chăm sóc sức khoẻ, nhà ở, công tác giáo dục và đào tạo, xây dựng nông thôn mới... tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm đáng kể từ 50,01% năm 2010 xuống ước còn 28,01% năm 2015, tỷ lệ bình quân giảm 4,4%/năm. Riêng 5 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 70,44% năm 2010 xuống còn 40,25% năm 2015. Đây thực sự là kết quả đáng phấn khởi trong công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh, trong đó có truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách từ lâu đã trở thành một đạo lý tốt đẹp của dân tộc.
Tuy nhiên, lại có thực tế là hiện nay ở một số thôn, bản của nhiều địa phương trong tỉnh, xu hướng người dân với tư tưởng “thích nghèo” hơn là “xóa nghèo” vẫn còn diễn ra. Bởi, nếu vào diện hộ nghèo thì sẽ được hưởng “lợi ích” từ các chính sách an sinh xã hội, từ các chương trình của Nhà nước như: Tiền điện thắp sáng, mua cây giống, mua bảo hiểm y tế, học phí, hỗ trợ tiền vay vốn của ngân hàng chính sách lãi suất thấp, hỗ trợ nhà ở và một số nguồn hỗ trợ khác từ cộng đồng... Do vậy, nhiều hộ gia đình mong muốn được "trở thành hộ nghèo" và câu chuyện muốn "được nghèo" đã trở thành chủ đề "nóng" của người dân ở mỗi vùng quê, nhất là các hộ dân thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới khó khăn.
Ban chỉ đạo tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa họp triển khai công tác điều tra năm 2015 |
Thật buồn, khi một số hộ chưa thực sự được liệt vào diện nghèo, cũng cố tranh giành với hộ nghèo để lấy cho được "Giấy chứng nhận hộ nghèo". Do muốn trở thành hộ nghèo, để được hưởng các ưu đãi, cho nên một số hộ đã tìm mọi cách luồn lách, quan hệ chạy chọt để được là "hộ nghèo". Vì thế, dẫn đến sự không công bằng trong bình xét, ảnh hưởng đến đối tượng hộ nghèo được thụ hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước, thậm chí ở một số địa phương việc bình xét hộ nghèo đã trở thành vấn đề bàn luận gay gắt, nhất là sau cuộc điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo vào những dịp cuối năm, làm cho quan hệ tình làng, nghĩa xóm trở nên căng thẳng khi mà năm đã hết, tết đã đến.
Thiết nghĩ, sự hỗ trợ người nghèo không chỉ mang ý nghĩa về vật chất mà còn là động lực tinh thần giúp họ có thêm nghị lực, có thêm niềm tin vào chính mình để vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, đây còn là sự quan tâm mang tính nhân văn của Đảng, Nhà nước tới người nghèo và công tác xóa đói giảm nghèo, nhằm tạo ra những chính sách tích cực giúp người dân tự thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Vì vậy, việc đưa các chính sách hỗ trợ đến đúng địa chỉ là vô cùng quan trọng và thực sự có ý nghĩa, còn nếu đến không đúng đối tượng thì cũng đồng nghĩa là tước đi cơ hội của người nghèo thực sự cần nó. Nên chăng, hãy trả lại “Sổ hộ nghèo” cho đúng đối tượng, không nên mong muốn được làm "hộ nghèo" để tiếp tục “ăn bám chính sách” hay nói cách khác "ăn bám" cả vào hộ nghèo. Đây cũng một phần nguyên nhân là do chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo đang thực hiện mang tính “cho không” quá nhiều, khiến cho không ít người dân mang nặng tư tưởng ỷ lại và… không muốn thoát nghèo.
Hiện nay, đang là thời điểm triển khai kế hoạch tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cơ sở, phải thận trọng hơn trong công tác xác định hộ nghèo, tránh bỏ sót đối tượng là hộ nghèo thực sự, kiên quyết loại bỏ trường hợp “cố tình nghèo” để hưởng lợi bất chính. Đồng thời, không để gây thắc mắc, gây dư luận không tốt trong nhân dân, không để tư tưởng xấu muốn được là "hộ nghèo" đang phát triển trong một bộ phận người dân, có như vậy sẽ góp phần làm lành mạnh thêm các quan hệ xã hội./.
Khánh Toàn
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Điện Biên