Công tác xóa đói giảm nghèo ở Tuần Giáo
Điện Biên TV - Triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/11/2011 của Tỉnh ủy, và Nghị quyết số 267/NQ-HĐND ngày 30/12/2011 của HĐND tỉnh về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020; trong những năm qua, Huyện ủy Tuần Giáo đã xây dựng Nghị quyết số 16-NQ/HU, UBND huyện ban hành Quyết định số 667/QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện tăng cường chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 trên địa bàn. Nhờ đó, người nghèo trong huyện được tiếp cận và thụ hưởng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, được tuyên truyền phổ biến khoa học kỹ thuật (KHKT), kiến thức pháp luật. Thông qua các chương trình dự án, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất, là động lực cho người nghèo khai thác thế mạnh, tiềm năng của địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhanh bền vững.
Thu nhập từ bán táo mèo ở bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình đã giúp nhiều hộ thoát nghèo |
Ông Lò Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Chương trình giảm nghèo nhanh bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của trên, UBND huyện đã ban hành nhiều quyết định, quy chế hoạt động, giao nhiệm vụ cho các phòng, ban, đơn vị chức năng phối hợp tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn theo lĩnh vực chuyên môn được giao, phụ trách. Hàng năm, huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, tuyên truyền phổ biến chế độ, chính sách về giảm nghèo cho cán bộ, xã, bản. Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở (điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, công trình nước sinh hoạt, thủy lợi...) cho các xã, bản đặc biệt khó khăn. Mấy năm qua, Ban chỉ đạo giảm nghèo đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải quyết cho gần 23 nghìn lượt người vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, bình quân 105,5 tỷ đồng/năm. Toàn huyện mở 61 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho hơn 3 nghìn lượt cán bộ khuyến nông; xây dựng 24 mô hình phát triển sản xuất cho 554 hộ; triển khai mô hình phát triển chăn nuôi bò bền vững ở 3 xã: Quài Nưa, Chiềng Đông, Chiềng Sinh; phối hợp với Công ty Sygentar mở 27 lớp tập huấn kỹ thuật trồng ngô cho 1.800 lượt người; đào tạo nghề cho 4.268 lao động nông thôn; hỗ trợ 11,4 tỷ đồng cho hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát; mở 14 lớp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho cho 900 người; cấp hơn 317 nghìn thẻ BHYT cho người nghèo. Hàng năm, huyện cũng tổ chức hỗ trợ giống cây trồng, muối i ốt, tiền điện, cấp gạo cứu đói, hỗ trợ, miễn giảm học phí cho hộ nghèo, con em hộ nghèo; trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên cho 1.490 đối tượng... Có nhiều giải pháp trong thực hiện giảm nghèo nhanh bền vững nên tốc độ tăng trưởng GDP của huyện năm 2011 là 14,2%, năm 2015 ước đạt 16%; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 54,8%, năm 2015 xuống còn 38,5%...
Nhiều hộ ở bản Ten Hom, xã Tênh Phông có thu nhập cao, ổn định nhờ trồng tháo quả dưới tán rừng |
Ông Lầu A Dùa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tỏa Tình cho biết: Xã có 7 bản vùng cao đặc biệt khó khăn, tập quán người dân sản xuất trên nương mang tính tự cung, tự cấp, dân trí, nhận thức hiểu biết xã hội của người dân còn hạn chế, hạ tầng cơ sở kém phát triển. Nhờ được hưởng chế độ, chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước dành cho xã đặc biệt khó khăn, cho đồng bào dân tộc thiểu số, bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn vùng cao, đời sống vật chất tinh thần của người dân đã thay đổi hàng năm. Tranh thủ các nguồn lực được đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, xã Tỏa Tình đã giảm nghèo nhanh bền vững. Cụ thể, năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 13,2%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân của huyện (38,5%). Người dân các bản đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao sản lượng và thu nhập. Đưa cây cà phê, táo mèo trồng trên đất dốc, nương trồng cây lương thực kém hiệu quả; áp dụng KHKT (đầu tư phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh) để trồng giống ngô lai đại trà cho năng suất cao ổn định; bảo vệ rừng và trồng sa nhân dưới tán rừng, đẩy mạnh khai hoang trồng lúa nước... Nhờ đó, nhiều gia đình có tổng thu nhập từ 60 - 150 triệu đồng/năm từ sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa. Xã không có tệ nạn ma túy, không có di cư tự do, có 2 trường đạt chuẩn quốc gia, phổ cập THCS mức độ III.
Thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh bền vững ở Tuần Giáo đã thu được kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị của địa phương. Người nghèo trên địa bàn được thụ hưởng chế độ, chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước. Tranh thủ các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ người dân đã khai thác phát huy tiềm năng thế mạnh phát triển sản xuất, tạo ra hàng hóa cho thu nhập cao, cải thiện đời sống và thu nhập. Thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo nhanh bền vững trên địa bàn càng củng cố lòng tin của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn với Đảng, Nhà nước./.
Tiến Dũng