Cần xử lý nghiêm nếu kê khai không trung thực tài sản theo quy định

Thứ Sáu, 18/12/2015, 16:50 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW, ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Đây là một chủ trương đúng đắn, nhằm kiểm soát thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn trong Đảng và bộ máy quản lý của Nhà nước, chủ trương này đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận ủng hộ. Có thể nói, đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng và các tiêu cực khác trong xã hội.

c
Kê khai tài sản góp phần chống tham nhũng. Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện việc "kê khai tài sản cá nhân" cho thấy, công tác này vẫn còn hình thức và chưa đạt được yêu cầu thực tế đặt ra trong việc kiểm soát "thu nhập cá nhân" hằng năm. Tại sao vậy? Nguyên nhân do đâu? Tại sao còn hình thức? Tại sao chưa đạt yêu cầu? Tại sao chưa nêu cao được tinh thần tự giác, trung thực của cán bộ, đảng viên? Việc "kê khai" và "công khai" tài sản thu nhập cá nhân, có phải ai cũng làm với tinh thần tự giác trước Đảng, trước nhân dân không? hay chỉ “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” bị suy thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống mới kê khai không trung thực?

Câu hỏi đặt ra thì rất nhiều, song theo tôi để góp phần phòng chống tham nhũng có hiệu quả và ngăn chặn các tiêu cực khác trong xã hội, thì việc đã "kê khai" thì phải "công khai" tài sản là hết sức quan trọng. Muốn vậy, trước hết là phải nêu cao tinh thần trung thực, tự giác của những cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng phải kê khai tài sản. Phải xác định, việc "kê khai" và được "công khai" tài sản của mình là một sự tự hào, nhằm khẳng định và chứng minh cho mọi người biết đó là tài sản chính đáng, hợp pháp, do chính công sức của cá nhân và gia đình đã nỗ lực làm ra, không có gì phải giấu giếm. Tiếp đó, cá nhân kê khai xong thì phải tiến hành xác minh, làm rõ để "công khai" với cơ quan và mọi người, kể cả khu dân cư, để thấy được sự kê khai đó là trung thực và để người dân cùng giám sát với cơ quan quản lý đối với tài sản của cá nhân đó. Vì, công khai là gốc của sự minh bạch, mà đã không minh bạch thì việc chống tiêu cực, tham nhũng cũng sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, để việc kê khai đi vào chất, thì phải có hình thức kỷ luật, xử lý một cách nghiêm minh đối với những người còn giấu giếm, không trung thực trong kê khai tài sản, nhằm che đậy những tài sản có được từ hành vi bất hợp pháp.

Hiện nay, đang là dịp cuối năm, thời điểm mà các đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản sẽ phải bổ sung tài sản thu nhập hằng năm. Vậy nên, với chủ trương "kê khai" và "công khai" minh bạch tài sản, để góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả là hết sức quan trọng. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đang chờ đợi vào sự trung thực của các đối tượng phải kê khai tài sản, để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và phát huy vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, nhất là hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh./.

 

Khánh Toàn   
 

.