Trong ngôi nhà không mẹ
Điện Biên TV - Một chiều se lạnh, lất phất mưa, chúng tôi tìm đến phòng trọ của chị em Kiều ở số nhà 261, phố 5, phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ. Khi ấy 2 đứa trẻ đang lọ mọ chuẩn bị bữa cơm chiều trong căn phòng trọ tuềnh toàng khoảng 20m2 dưới ánh điện lờ mờ khiến tôi chạnh lòng. Ngoài mấy cái bát, 1 nồi cơm điện, 1 chảo điện, một quạt cây, tất cả đều cũ kỹ, thì thứ giá trị nhất là cái tivi cũ. Bữa tối mà Kiều chuẩn bị cho em là cơm và chảo canh lõng bõng nước vì trưa đã nấu một nửa rồi, giờ chỉ còn bấy nhiêu thôi…
Không may mắn như bao đứa trẻ cùng trang lứa: Cha mẹ ly dị khi em chưa đầy 5 tuổi, bố bỏ đi không tung tích, bà ngoại và mẹ đi tù, em Doãn Thị Thúy Kiều học sinh lớp 5A2, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, TP. Điện Biên Phủ, phải cáng đáng nhiệm vụ “làm mẹ” chăm em trai Doãn Mạnh Cường 7 tuổi. Năm 2011, khi mới tròn 7 tuổi, em trai được 4 tuổi, do không còn người nuôi dưỡng hai chị em đã phải vào sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Ở đây, hai chị em lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của các cô, các mẹ trong Trung tâm.
Kiều thay mẹ chăm sóc cho em |
Năm 2014, những tưởng cuộc sống sẽ thay đổi khi mẹ các em mãn hạn tù trở về đoàn tụ với hai con. Thế nhưng, thật buồn là chỉ được bên mẹ không lâu, các em lại phải tự chăm sóc nhau khi mẹ đi làm ăn xa. Cho đến nay, hai chị em Kiều đã tự chăm sóc nhau trong căn phòng trọ được hơn 1 năm. Kiều tâm sự: Mẹ đón chúng con về nhưng vì không có tiền nuôi chúng con đi học nên mẹ phải đi bán hàng thuê tận Hải Phòng. Hàng tháng mẹ gửi tiền về cho hai chị em con; khoảng 2 – 3 tháng về thăm một lần. Được biết, ngoài tiền thuê nhà và tiền đóng học phí; mỗi tháng hai chị em Kiều phải tự trang trải cuộc sống trong khoảng từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng. Từ khi vắng mẹ, mọi sinh hoạt hàng ngày và chăm sóc em đều do một tay Kiều lo lắng; từ nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, hướng dẫn em học bài. Tôi chợt thấy chạnh lòng bởi chăm sóc 2 đứa con thơ với một gia đình đầy đủ bố mẹ, thậm chí cả ông bà còn khó khăn, vất vả; huống chi hai đứa trẻ phải tự chăm nhau...
Khi được hỏi về hoàn cảnh của hai chị em Kiều, bà Lê Thị Phương, chủ nhà trọ cho biết: Từ khi chị Oanh (mẹ của Kiều và Cường), cùng 2 con đến thuê nhà, tôi tưởng 3 mẹ con ở cùng nhau; nhưng sau vài hôm thấy chỉ có hai cháu lủi thủi, hỏi ra mới biết mẹ chúng đi làm xa. Đã hơn hai tháng nay, chưa thấy mẹ các cháu về thăm; thỉnh thoảng có thấy bảo ra bến xe nhận tiền mẹ gửi. Nhìn chúng tội lắm chú ạ, bữa đói bữa no, cơm ăn thì chẳng có gì, chủ yếu là rau và đậu phụ. Thấy thương nhưng cũng chẳng giúp được gì nhiều. Thỉnh thoảng, bà cháu ăn cùng nhau bữa cơm, hay có cái bánh cái kẹo để động viên thôi chứ tôi cũng không có cho nhiều.
Mang những day dứt trong lòng, chúng tôi đã liên lạc để trao đổi với mẹ của Kiều - chị Ngô Thị Kim Oanh, qua điện thoại. Cùng nỗi băn khoăn, lo lắng khi phải để các con thơ tự chăm nhau, chị Oanh nói: Trước khi đi tôi cũng có nhờ em trai (cậu ruột của Kiều) ở nhà chăm sóc các cháu nhưng do cậu nghiện ma túy nên không chăm sóc được gì. Tôi cũng muốn tìm việc ở gần để chăm con, nhưng không còn ai thân thích, không có trình độ nên rất khó. Hơn nữa, hiện mẹ ruột già yếu cũng đang thụ án ở Hải Phòng nên tôi đành làm thuê, làm mướn ở đây để lấy tiền nuôi con và thăm nuôi mẹ già...
Chúng tôi rời căn phòng trọ nhỏ ấy cũng là lúc trời tối hẳn và cơn mưa nặng hạt hơn. Hình ảnh bàn tay nhỏ của hai đứa trẻ đáng lẽ để viết, để vẽ, để múa hát lại đang lọ mọ với bữa cơm chiều trong căn phòng leo lét sáng làm chúng tôi day dứt mãi. Vì sao những đứa trẻ này lại bị đánh cắp tuổi thơ trong một cuộc sống như thế; rồi đây cuộc đời các em sẽ đi về đâu; liệu có bất trắc nào đến với những đứa trẻ này không trong chặng đường dài đầy gian nan, cạm bẫy?...
Tuấn Anh