Quản lý người nghiện, "ngáo đá" thế nào để họ hết đường gây án?
Việc quản lý các đối tượng nghiện ma túy, “ngáo đá” mang tính phòng ngừa; làm sao đảm bảo cho họ có khả năng cai nghiện và an toàn cho xã hội.
Thời gian vừa qua, nhiều vụ án do người nghiện ma túy, “ngáo đá” gây ra khiến dư luận xã hội hết sức hoang mang. Điển hình như vụ việc xảy ra vào khuya 11/9 tại TP Nam Định, một đối tượng trong cơn phê ma túy đá đã xuống tay giết chết người cha bại liệt trên giường.
Hay như trường hợp mới xảy ra ngày 8/11, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự Nguyễn Anh Tuấn để điều tra về hành vi cướp tài sản. Người đàn ông này nghiện ma túy và được phát hiện nhiễm HIV từ đầu năm 2015, nhưng vẫn "ra đường" dùng kim tiêm trấn lột sinh viên.
Dư luận hết sức quan tâm tới việc quản lý các đối tượng này trong cộng đồng, hoặc đưa đi cai nghiện như thế nào để giảm thiểu nguy cơ gây án cho xã hội.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Thanh Bình (đoàn Bến Tre), Thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân nhân tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về vấn đề này.
ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình |
PV: Thưa bà, việc quản lý các đối tượng nghiện ma túy hay sử dụng “ma túy đá” hiện nay được thực hiện như thế nào?
ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình: Hiện nay, việc quản lý các đối tượng sử dụng ma túy với quan điểm tương đối mới, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Đó là nhìn họ với tư cách là người bệnh, người lạm dụng sử dụng chất, không coi là những người vi phạm pháp luật như trước đây.
Việc này đảm bảo được quyền con người. Tuy nhiên, quản lý các đối tượng này mang tính phòng ngừa, bởi vì có một số đối tượng khi đã sử dụng ma túy, hoặc khi đã nghiện, trong khi không có tiền mà lại để thỏa mãn cơn nghiện, họ có thể có nguy cơ cao vi phạm pháp luật.
Các trường hợp này rơi vào các loại tội về chiếm đoạt tài sản, hoặc trường hợp phê thuốc có những hành vi không kiểm soát được, có thể xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Do đó việc quản lý có 2 tác dụng, vừa đảm bảo cho họ có khả năng cai nghiện và an toàn cho xã hội.
Thời gian qua, theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật phòng chống ma túy, các văn bản hướng dẫn dưới luật có rất nhiều giải pháp. Trong điều kiện bình thường, giao cho gia đình, cộng đồng quản lý, tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Cần thiết nữa thì cai nghiện dưới hình thức tự nguyện tại các cơ sở tập trung, có sự can thiệp của cơ sở có nghiệp vụ và được lựa chọn các phác đồ điều trị phù hợp với khả năng tài chính cũng như cơ thể.
Nếu như việc này lặp đi lặp lại qua các giải pháp mang mang tính tự nguyện không ổn, thì có biện pháp cai nghiện bắt buộc. Việc này trước đây do Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định, coi như đưa vào cơ sở chữa bệnh. Bây giờ chuyển thẩm quyền này sang cho tòa án. Do đó người làm tất cả các thủ tục, hồ sơ ban đầu là chính quyền địa phương, người giúp việc đắc lực trong vấn đề này là cơ quan công an.
Hiện nay, việc xác định một người có sử dụng ma túy hay không cũng chặt chẽ hơn. Trước đây là phát hiện đối tượng có sử dụng và khi xét nghiệm dương tính, coi như người đó sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, hiện nay phải xác định tình trạng nghiện, có nghĩa là có sử dụng nhưng chưa đến mức nghiện thì cũng chưa áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật.
Một đối tượng "ngáo đá" gây náo loạn bị công an bắt giữ (Ảnh: CAND) |
PV: Việc thực hiện những giải pháp này hiện nay như thế nào, thưa bà?
ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình: Thủ tục, trình tự xác định tình trạng nghiện đã có hướng dẫn, tuy nhiên điều kiện thực tế ở cơ sở có nơi chưa đáp ứng được. Ví dụ như giao cho gia đình, cộng đồng nhưng thực chất có một số trường hợp gia đình đã bất lực; còn đoàn thể không có ràng buộc nào cả, thậm chí sợ tiếp cận đối tượng, do đó tiếp cận không hiệu quả.
Đối với chăm sóc y tế ở cơ sở, điều kiện bắt buộc là người chăm sóc, theo dõi và cắt cơn đối với người nghiện phải là cán bộ y tế đã được đào tạo, tập huấn chuyên môn về cai nghiện. Song việc tổ chức để đào tạo, tập huấn để có đội ngũ này chuẩn theo quy định thì nhiều địa phương chưa làm tốt được.
Vướng mắc ở đây là hạ tầng cơ sở để đảm bảo thực hiện các quy trình đó. Còn việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo thủ tục của Luật xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp hành chính của tòa án. Điểm vướng nhất không phải tại tòa mà ở cơ quan lập hồ sơ. Vừa vướng về thực tế, vừa vướng thủ tục, lại có tâm lý sợ bị kiện hoặc sợ tòa lại không chấp nhận do làm không đúng hồ sơ. Cho nên nhiều nơi không lập hồ sơ.
Trong khi báo cáo về kinh tế - xã hội của địa phương đánh giá đối tượng sử dụng ma túy tăng, thế nhưng so với thời điểm trước lúc UBND còn ra quyết định, có khi cả năm tòa án không nhận được bộ hồ sơ nào. Chứng tỏ vấn đề này ở chỗ thủ tục, không phải đối tượng trong xã hội giảm.
PV: Có hiện tượng địa phương sợ mất thành tích về xây dựng văn hóa nên không lập hồ sơ các đối tượng này?
ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình: Tôi không nghĩ tới vấn đề thành tích của địa phương. Đây là vấn đề bức xúc của xã hội, do đó chính quyền phải giải quyết. Nhưng chính là sự đầu tư, có đội ngũ tâm huyết để áp dụng pháp luật đầy đủ, chính xác, tự tin trong việc lập hồ sơ. Tức là địa phương thấy đối tượng đó phải lập hồ sơ để đưa đi, thì phải lập cho đầy đủ để không bị bác hồ sơ đó. Đây là điều rất quan trọng.
Hiện nay, chúng tôi biết có nhiều địa phương khi bức xúc trước tình trạng này đã không áp dụng biện pháp cưỡng chế bắt buộc, mà vận dụng tối đa biện pháp vận động cai nghiện tự nguyện. Những địa phương có điều kiện kinh tế thì có hỗ trợ thêm cho đối tượng. Ví dụ TP HCM chi ra nguồn lực rất lớn. Ở địa phương chúng tôi (Bến Tre) cũng nên học tập cách làm, nhưng thiếu nguồn lực.
Bởi vì để điều trị cho một trường hợp cắt cơn rất tốn kém. Hiện những phác đồ rẻ nhất thì đối với các gia đình đã kiệt quệ kinh tế do có con cái nghiện ngập cũng không đủ tiền. Và đưa đi không phải một lần đã có kết quả. Trên thực tế đa số chỉ là cắt cơn, còn chữa dứt khỏi là không nhiều.
Cho nên có những gia đình kiệt quệ và buông xuôi, bởi không còn khả năng, cũng không còn đủ kiên nhẫn khi mỗi lần đưa con đi tốn hàng chục triệu đồng, về lại nghiện, lại đưa đi. Cho nên tất cả những vấn đề này đã để lại hậu quả rất lớn cho xã hội. Không phải riêng chuyện phạm pháp, mà đây là đối tượng có khả năng lây nhiễm HIV cao.
PV: Bà có giải pháp nào cho vấn đề này?
ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình: Trong điều kiện hiện nay, tôi nghĩ xã hội cần tăng cường tuyên truyền một cách thực chất, chứ không phải đem các điều khoản của pháp luật ra. Bên cạnh đó, có tư vấn tâm lý xã hội; không nên có sự kỳ thị, xa lánh những con người này. Khi đó, những hành vi của các đối tượng này có thể theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nên cân nhắc, dù có khó khăn về mặt ngân sách trong chi phí cho hoạt động quản lý xã hội, song phải có khoản đầu tư để vận động hỗ trợ cai nghiện tự nguyện. Pháp luật quy định đối tượng nào có tiêu chuẩn gì, trên thực tế chưa có được, thì phải đầu tư, tập huấn.
Tôi ví dụ như quy định y tế cơ sở muốn tham gia việc xác định tình trạng nghiện và hỗ trợ cai nghiện thì phải có chuyên môn về cai nghiện. Muốn như thế phải mở lớp có tiêu chuẩn, chương trình đầy đủ để tập huấn. Đối với trường hợp không thể áp dụng biện pháp tự nguyện, cần thiết phải đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.
Ở đây mang tính chất cưỡng chế, do đó phải áp dụng các quy trình chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Vấn đề này pháp luật đã quy định rõ ràng, người sợ là do không nắm vững nghiệp vụ. Làm đúng cũng là cũng là không xâm phạm quyền con người; đưa đối tượng đi đúng với điều kiện, trạng thái… để tránh trường hợp “oan sai”.
PV: Xin cảm ơn bà!./.
Theo VOV