Khó quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em

Thứ Tư, 18/11/2015, 10:22 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đồ chơi là người bạn không thể thiếu của trẻ thơ, song đồ chơi trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ lại được bán rong tràn lan gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng.

Dạo quanh một số tuyến đường lớn trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ như: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Hữu Thọ, Trường Chinh, chúng tôi nhận thấy đồ chơi trẻ em được bán tràn lan, công khai không chỉ ở cửa hàng, đại lý mà còn được bán trên những chiếc xe bán hàng rong. Chỉ tính riêng khu vực chợ Trung tâm 1 có tới 4 – 5 chiếc xe bán hàng rong tập trung. Hàng hóa cũng rất đa dạng, gồm có: quần áo, mũ nón, gương, lược… đặc biệt là lủng liểng đồ chơi trẻ em với mẫu mã, chủng loại đa dạng và màu sắc khá bắt mắt. Tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ của những đồ chơi đó, chúng tôi ghé vào xe hàng rong nghỉ chân bên đường khu vực bến xe. Ngoài quần áo, kính, vật dụng cá nhân là những khẩu súng bắn nước, ô tô, máy xúc, siêu nhân… Chúng tôi lục tìm cả chục món đồ, vẫn không nhìn thấy một món nào có dán tem CR (tem kiểm định chất lượng) hay tem đạt chuẩn về chất lượng. Hầu hết sản phẩm đồ chơi trẻ em đều không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đến từ Trung Quốc, không có hướng dẫn sử dụng phụ bằng tiếng Việt và không được dán tem hợp quy CR, mặc dù quy định về dán tem hợp chuẩn CR và quy định chất lượng cho tất cả đồ chơi trẻ em đã được ban hành.

d
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em tại Siêu thị Hoa Ba.

 

Chị Nguyễn Thị Tình, chủ xe hàng đồ chơi di động trên đường Võ Nguyên Giáp thừa nhận: Chị bán đồ chơi cho trẻ em đã 10 năm nay, nhưng chỉ bán theo thị hiếu của trẻ em, chứ không để ý đến nguồn gốc xuất xứ hay tem nhãn hợp chuẩn; thấy sản phẩm có màu sắc rực rỡ thì chọn về bán. Có nghe đồ chơi Trung Quốc độc hại, nhưng do giá rẻ, mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt, đồng thời gắn với các nhân vật trong phim hoạt hình đang “sốt”, trẻ em thích nên chị mới lấy hàng về bán. Trong đó, rôbốt, siêu nhân, vũ khí... là những mặt hàng đồ chơi bán chạy nhất. Cầm vỉ đồ chơi “siêu nhân” với 5 màu khác nhau, chị Tình cho biết thêm: Vỉ siêu nhân này do Trung Quốc sản xuất, phù hợp với thị hiếu của trẻ, mà giá rất rẻ, chỉ có 30 – 50 nghìn đồng/vỉ. Còn nếu được sản xuất trong nước thì giá đắt gấp rưỡi, song màu sắc, mẫu mã không thể hấp dẫn bằng những sản phẩm đồ chơi của Trung Quốc.

Anh Quàng Văn Hải, đội 8, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) – khách hàng mua đồ chơi chia sẻ: “Tôi không để ý chất lượng đồ chơi, cũng không biết phân biệt hàng trong nước hay Trung Quốc sản xuất, chỉ thấy giá cả thấp, mẫu mã, màu sắc khiến con thích thì mua”. Theo quan sát của chúng tôi, anh Hải mua cho con chiếc máy xúc “made in China” bằng nhựa cứng, không có hướng dẫn sử dụng bằng chữ Việt Nam và càng không có tem hợp quy CR, giá chỉ có 80 nghìn đồng. Nhưng cậu con trai 2 tuổi của anh thích thú cầm đồ chơi, thỉnh thoảng lại đưa lên mồm ngậm.

Bà Nguyễn Thị Liễu, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Thời gian qua, cán bộ của Đội Quản lý thị trường số 1 luôn nỗ lực trong công tác kiểm tra mặt hàng đồ chơi trẻ em, nhất là đồ chơi bán rong. Tuy nhiên, do tính chất của những chủ xe bán hàng rong là luôn di chuyển nên cán bộ của đội rất khó kiểm tra. Mặt khác, đồ chơi cho dù không có tem hợp chuẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng chưa có quy định rõ ràng, cũng không thể tịch thu, tiêu hủy mà chỉ tạm giữ lấy mẫu kiểm nghiệm. Trong khi đó, khối lượng hàng hóa không nhiều nên chỉ áp dụng xử lý phạt hành chính rồi cho tồn tại. 6 tháng đầu năm 2015, Đội tịch thu được 111 đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, không có tem hợp chuẩn và xử phạt hành chính hơn 4 triệu đồng.

Đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bày bán tràn lan trên thị trường chủ yếu là được làm từ chất liệu nhựa tái sinh PVC. Trong đó, để đồ chơi bắt mắt và ấn tượng, nhà sản xuất còn bổ sung một số chất tạo màu, bảo quản như: kẽm, muối đồng, thủy ngân, đặc biệt là chất dẻo DBP (Dibutyl Phthalate), BPA… có khả năng gây ung thư; rối loạn nội tiết tố (nguy cơ dậy thì sớm, vô sinh) khi trẻ em tiếp xúc thường xuyên.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về các sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng. Tốt nhất phụ huynh không nên mua các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, mà nên mua đồ chơi trong nước có dán tem kiểm định chất lượng để đảm bảo sức khỏe của con em mình.

 

Phạm Quang
 

.