Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên tại xã Thanh An

Để người dân hiểu và đồng thuận

Thứ Sáu, 02/10/2015, 08:58 [GMT+7]

Điện Biên TV - Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên tại bản Ten Luống 2, xã Thanh An, huyện Điện Biên còn đang “thai nghén” nhưng đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ người dân sống xung quanh, bởi họ lo sợ nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt khi nhà máy đi vào hoạt động. Vì lẽ, cơ quan chức năng mới chỉ tuyên truyền, lấy ý kiến của dân mà chưa làm tốt công bố quy trình, chỉ số an toàn về môi trường, công nghệ xử lý rác thải…

Theo Quyết định 1055/QĐ-UBND ngày 27/12/2014 về phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Điện Biên đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của UBND tỉnh, hiện nay mỗi ngày toàn tỉnh có khoảng 218 tấn rác thải; trong đó khối lượng rác thải ở thành phố và trung tâm các huyện, thị chiếm khoảng 71 tấn/ngày; riêng khu vực TP. Điện Biên Phủ khoảng 53 tấn/ngày. Số lượng rác thải ngày càng tăng theo tốc độ phát triển KT - XH, nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng cao, trong khi cả tỉnh chưa có nhà máy xử lý rác thải, chỉ có một số bãi rác nhưng cũng đã quá tải, hết hạn, gây ô nhiêm môi trường. Hiện nay, toàn TP. Điện Biên Phủ và khu vực lòng chảo đang sử dụng bãi rác tại phường Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ). Bãi rác này hoạt động từ năm 1996, cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ 15km về phía Đông Nam và cách khu dân cư gần nhất 1km. Song hiện đã đầy và sẽ phải đóng cửa vào năm 2015 theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

c
 Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (áo màu ghi) kiểm tra khu quy hoạch xây dựng Nhà máy Xử lý rác thải tại xã Thanh An, huyện Điện Biên.

 

Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh đã nghiên cứu, khảo sát và từng dự kiến xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở một số nơi như: Bản Púng Min, xã Pa Thơm và xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên), nhưng cả 2 dự án đều không khả thi. Đến tháng 10/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã khảo sát lựa chọn vị trí quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác tại bản Ten Luống 2, xã Thanh An, huyện Điện Biên. Nhà máy được quy hoạch với diện tích 32,8ha, công suất dự kiến 90 tấn/ngày và đến năm 2030 là 438 tấn/ngày, với 3 khu riêng biệt (khu điều hành, khu nhà máy và khu chôn lấp tạm thời). Khi đi vào hoạt động sẽ xử lý toàn bộ lượng rác ở khu vực TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Nhà máy nằm cách trụ sở UBND xã Thanh An 2km về phía Đông và cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 12km. Đây là khu vực không có các công trình, vật kiến trúc hoặc dự án xây dựng nào, chủ yếu là đất rừng sản xuất và có khoảng 3.000m2 ruộng lúa một vụ; một phần diện tích trồng cây hàng năm, cây lâu năm của các hộ dân bản Ten Luống 2. Có thể nói, nhà máy xử lý rác thải công suất lớn hứa hẹn sau khi đưa vào sử dụng sẽ giải quyết vấn đề rác thải trên địa bàn đồng thời tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Song vệc xây dựng nhà máy tại bản Ten Luống 2 đến nay cũng chưa thể triển khai do chưa được sự đồng thuận của đa số người dân địa phương.

Tháng 6/2014, sau khi UBND tỉnh đồng ý vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại bản Ten Luống 2, UBND huyện Điện Biên đã tổ chức họp lấy ý kiến của người dân. Tuy nhiên, sau khi triển khai đã gặp sự phản ứng quyết liệt của nhân dân các thôn, bản, quanh khu vực xây dựng nhà máy và đề nghị chuyển vị trí nhà máy đến khu vực khác. Trước tình hình đó, UBND huyện Điện Biên đã có văn bản gửi UBND tỉnh xem xét và cho ý kiến chỉ đạo. Mặc dù cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, giải thích cho người dân, thậm chí UBND huyện Điện Biên còn tổ chức cho cả cán bộ xã, trưởng thôn, bản đi tham quan Nhà máy xử lý rác thải - Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh ở tỉnh Yên Bái, với quy trình xử lý rác thải không ảnh hưởng đến môi trường. Song người dân vẫn cho rằng, nếu xây dựng nhà máy sát khu dân cư sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Hơn nữa địa điểm xây dựng nhà máy là nơi đầu nguồn nước sinh hoạt của người dân, chất thải, nước thải, khí thải sẽ ngấm dần ra khu vực xung quanh. Ông Lò Văn Hinh, Trưởng bản Ten Luống 2 băn khoăn: "Người dân không phản đối việc xây dựng nhà máy nhưng chưa đồng thuận vị trí xây dựng."

Những quan ngại của người dân không phải là không có cơ sở. Bởi thực tế vị trí xây dựng nhà máy tại bản Ten Luống 2 theo dự kiến chỉ cách khu dân cư sinh sống gần 500m. Trong khi đó, theo Thông tư số 32/2009/TT-BXD ngày 10/09/2009 của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn về Quy hoạch xây dựng nông thôn thì khoảng cách cách ly vệ sinh từ khu xử lý chất thải rắn đến khu dân cư ít nhất là từ 3.000m trở lên và với các công trình xây dựng khác là trên 1.000m. Tuy nhiên, hiện tại khu quy hoạch Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên tại xã Thanh An lại đang áp dụng Thông tư 02/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 5/2/2010 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Theo đó, vị trí các trạm xử lý chế biến chất thải rắn hữu cơ thành phân vi sinh hoặc chế biến thành nhiên liệu đốt phải có khoảng cách an toàn môi trường nhỏ nhất giữa trạm xử lý chất thải rắn đến chân công trình dân dụng khác là 500m.

Trả lời vấn đề này, ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Đối với dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên, hiện nay, các văn bản quy định về sử dụng đất, xử lý chất thải, quy hoạch đất trồng lúa và quy hoạch các danh mục đầu tư đã hoàn thành. Đây là điều kiện thuận lợi để tiến tới giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu… Tuy nhiên, mấu chốt hiện tại là vấn đề người dân băn khoăn về công nghệ xử lý và đường vận chuyển rác thải đi qua khu dân cư."

Theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với UBND huyện Điện Biên rà soát lại báo cáo đánh giá tác động môi trường; công khai dự án, lấy ý kiến nhiều chiều từ phía người dân. Đồng thời tiếp tục tổ chức họp, giải thích, đối thoại với dân, công khai hiện trạng bãi xử lý rác để người dân hiểu. Công tác tuyên truyền phải bằng hình ảnh, clip và công bố rõ quy trình hoạt động của nhà máy cũng như các chỉ số an toàn, đảm bảo môi trường, không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đặc biệt, phải khẳng định với người dân đường vận chuyển rác từ TP. Điện Biên Phủ sẽ đi theo tuyến đường Noong Bua - Pú Tửu đang được hoàn thiện. Đối với các xã thuộc huyện Điện Biên đường vận chuyển rác sẽ đi theo đường vành đai ngoài.

Thiết nghĩ ngay từ lúc này cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tích cực làm tốt công tác tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu sự cần thiết của nhà máy. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có những cam kết về các yếu tố môi trường trong khu vực và tiếp giáp khu vực ảnh hưởng để nhân dân yên tâm. Về phía người dân cần nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng nhà máy. Mặt khác, cần ủng hộ và bắt tay với chính quyền địa phương để dự án sớm được thực hiện./.

 

Văn Tâm
 

.