Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng ký hiến tạng
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bản thân đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng và được gia đình rất ủng hộ.
Tối 26/7, tại lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng diễn ra tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là chính khách đầu tiên tại Việt Nam đăng ký hiến mô, tạng. Người đứng đầu ngành Y tế chia sẻ đây chính là cách để bà tiếp tục “sống" sau khi qua đời.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trao đổi với phóng viên (Ảnh: Zing) |
Sáng nay (27/10), trả lời phóng viên bên lề kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: Hiện nay nhu cầu ghép tạng ở các bệnh nhân suy tạng, mắc bệnh hiểm nghèo như bệnh thận, bệnh ung thư, suy các tạng là rất lớn. Có đến hàng chục ngàn người có nhu cầu ghép tạng và chỉ có kỹ thuật đó may ra mới cứu sống được. Kỹ thuật ghép tạng ở Việt Nam đã ngang tầm thế giới nhưng cái khó là nguồn tạng.
“Mấy tuần vừa rồi tại Bệnh viện Việt Đức có hàng chục người chết não, tức đã chết lâm sàng và chắc chắn là chết. Nhưng vấn đề người nhà không cho. Lúc sống họ không có giấy hiến tạng. Người sống cho nhau chỉ cho được mỗi thận. Tốt nhất là bệnh nhân chết não. Mình chưa có văn hoá, chưa có vấn đề tuyên truyền” – bà Tiến nói.
Theo Bộ trưởng, thay vì tạng đó bị chôn vùi, hoả thiêu, nếu được ghép như mắt thì có thể nhìn lại được, tim đập được… Do đó, người chết đi vẫn cứu được người, ngành y giúp kết nối người cho và người nhận giành lại sự sống.
Bộ trưởng Y tế cho biết, việc bà xung phong hiến tạng là chuyện bình thường của công dân. Người nhà Bộ trưởng hoàn toàn ủng hộ. Bộ trưởng Y tế chia sẻ: “Tôi có hỏi Thượng toạ Thích Thanh Quyết về việc này và thầy cho biết là nhà Phật rất ủng hộ, thậm chí có một bộ kinh có khuyên răn càng làm thiện nguyện càng nhanh được siêu thoát, chứ không phải không toàn thây là không được siêu thoát. Cứu một mạng người là phúc đẳng hà sa”.
Trước đó, phát biểu tại lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nói: "Nhờ sự cho đi không vụ lợi một phần cơ thể mình của những người hiến tạng mà đã có hàng ngàn cuộc đời được tái sinh, được tiếp tục sống và cống hiến. Đặc biệt hơn, sự hiến tặng một hay nhiều bộ phận cơ thể có thể cứu sống nhiều người bệnh cùng một lúc.
Biến mất mát, đau thương của một gia đình thành niềm vui và hạnh phúc của nhiều gia đình khác, biến sự ra đi của một con người không phải là hành trình trở về cát bụi mà là hành trình hồi sinh sự sống. Những tấm lòng vàng, những người hiến tặng đó dù đang sống hay đã mất, đều đáng được xã hội trân trọng, biểu dương và tri ân".
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Hiện cả nước có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện nhiều kỹ thuật ghép mô, tạng phức tạp. Tuy nhiên sau 23 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay Việt Nam mới thực hiện được gần 1.200 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép tụy và trên 1.400 ca ghép giác mạc.
Dù rất cố gắng nhưng hiện vẫn còn trên 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang chờ ghép tạng và hơn 6.000 người mù đang chờ ghép giác mạc. Những bệnh nhân này đang hàng ngày, hàng giờ phải chiến đấu để giành giật sự sống nhưng rất ít người trong số họ có cơ may được ghép tạng vì số người hiến quá khan hiếm./.
Theo VOV