Tuần Giáo sau cao điểm mùa mưa lũ

Thứ Năm, 17/09/2015, 16:33 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong những năm gần đây, tại địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung, huyện Tuần Giáo nói riêng tình hình mưa lũ diễn ra hết sức phức tạp, bất thường. Mưa lớn kéo dài, lũ chồng lũ gây ngập úng, thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu của nhân dân, đường giao thông, công trình thủy lợi bị cuốn trôi... Việc khắc phục hậu quả thiên tai đã được các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện nhằm ổn định đời sống, sản xuất cho người dân. Sau mùa mưa lũ, những bài học kinh nghiệm để lại là hết sức quý báu để công tác phòng chống thiên tai trong những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao nhất, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

c c
Ngay sau lũ, Đội y tế dự phòng Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế xã đã tổ chức phun tiêu độc khử trùng; cấp phát hướng dẫn nhân dân bản Đề Chia C (xã Pú Nhung) sử dụng hóa chất cloramin B để làm sạch, sát khuẩn nước sinh hoạt.

 

Bản Đề Chia C, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo hơn 1 tháng sau khi xảy ra trận lũ lịch sử những ngày đầu tháng 8 năm 2015. Nước vẫn chưa rút hết, 10 hộ trong bản vẫn chưa thể trở về sống trong những ngôi nhà của mình. Qua quan sát có thể dễ dàng nhận thấy, tất cả các hộ gia đình có nhà bị ngập đều ở trong một thung lũng nhỏ, hẹp men theo các chân đồi, chân núi. Thung lũng này lại không có suối hay khe nào để thoát nước ra, trong khi đó theo người dân nơi đây cho biết: Trong bản có một mạch nước ngầm lớn. Những mùa mưa trước đây, nước cũng có dâng lên nhưng chỉ vài chục cm, cao nhất cũng chỉ mấp mé nền nhà, nhưng năm nay mưa lớn kéo dài nước từ mạch ngầm và các nơi khác đổ về dâng cao tới hơn 3m. Nước dâng quá nhanh khiến các hộ gia đình không kịp trở tay, khiến nhiều tài sản không kịp di dời đã bị ngập trong nước lũ. Đến tận bây giờ nhiều người trong bản vẫn chưa hết bàng hoàng với những gì đã xảy ra. Anh Vừ A Co một hộ có nhà bị ngập hoàn toàn trong nước lũ giờ vẫn đang lội nước để kiểm tra xem căn nhà mình bị hỏng đến mức nào để có hướng sửa chữa hoặc di chuyển đến nơi ở mới.

Rõ ràng nguy cơ xảy ra ngập lụt trong những mùa mưa tiếp theo là rất lớn nên việc di dời đến nơi ở mới an toàn hơn là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc di dời cũng cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành và những tấm lòng hảo tâm từ các tổ chức và cộng đồng. Một vấn đề nữa bà con nhân dân bản Đề Chia C phải đối mặt sau trận mưa lũ lịch sử là môi trường bị ô nhiễm và khó khăn trong việc tìm nguồn nước sạch. Sau lũ, các công trình vệ sinh, rác thải sinh hoạt, phân gia súc gia cầm, cây cối phân hủy phát tán khắp bản gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Về nước sạch, do nằm trên địa bàn núi đá vôi khan hiếm nước nên bình thường việc đảm bảo nước sinh hoạt đã là một khó khăn, nay lũ làm các nguồn nước bị ô nhiễm nên nước sinh hoạt càng khan hiếm hơn. Nguồn nước sạch duy nhất được bà con sử dụng hiện nay là nước mưa tích trong các bể nước không bị nước lũ làm ngập. Trước thực trạng trên, ngay sau lũ Đội y tế dự phòng Trung tâm Y tế huyện cùng Trạm Y tế xã đã tổ chức phun tiêu độc khử trùng; cấp phát hướng dẫn nhân dân sử dụng hóa chất cloramin B để làm sạch, sát khuẩn nước sinh hoạt. Đồng thời, tích cực vận động nhân dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, ăn uống hợp vệ sinh không để các dịch bệnh như sốt rét, tiêu chảy, đau mắt đỏ xảy ra.

Không riêng tại bản Đề Chia C, tại các bản khác như Đề chia A, Đề Chia B và một số thôn bản khác trên địa bàn xã Pú Nhung hơn 60 hộ gia đình đã bị ngập lụt, cuốn trôi tài sản, hàng trăm hộ khác cũng bị ảnh hưởng: Lúa, hoa màu bị vùi lấp, đường giao thông, công trình nước sạch bị tàn phá thiệt hại ước tính trên 5 tỷ đồng. Với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các phòng ban chức năng của huyện và sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, cá nhân đời sống của đồng bào nhân dân xã Pú Nhung dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, để khắc phục tất cả những thiệt hại do mưa lũ gây ra sẽ còn cần rất nhiều thời gian cũng như nguồn lực đầu tư rất lớn. Trận lũ qua đi cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về việc huy động, phối hợp của các lực lượng tại chỗ trong việc ứng phó với các tình huống khi thiên tai, bão lũ xảy ra. Đồng thời, việc quy hoạch, sắp xếp lại các điểm dân cư tại các điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ cũng được chính quyền và người dân chú trọng hơn. Ông Sùng Dũng Phía, Chủ tịch UBND xã Pú Nhung cho biết: “Địa bàn xã Pú Nhung bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, lúc đầu là 57 hộ sau lên tới 69 hộ, tài sản trong gia đình bị cuốn trôi hết. Xã đề nghị Đảng, Nhà nước di dời những hộ bị thiệt hại do thiên tai; tu sửa và xây dựng lại các công trình nước sinh hoạt cho những vùng bị ảnh hưởng.”

d
Lũ chồng lũ ở Tuần Giáo đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và đời sống của nhân dân.

 

Mặc dù đã được cảnh báo về một mùa mưa lũ với nhiều diễn biến bất thường nhưng cường độ mưa lũ quá lớn đã gây thiệt hại trên diện rộng. Trận mưa lũ kéo dài từ 31/7 đến 4/8 trên địa bàn huyện đã làm hơn 200 ngôi nhà dân bị sạt lở, ngập lụt và phải di dời, gần 100 gia súc, 11.000 gia cầm bị cuốn trôi, 450ha lúa mùa bị vùi lấp xói lở và thiệt hại, trên 800ha lúa nương, ngô và hoa màu khác bị thiệt hại 70%; 160 công trình thủy lợi bị cuốn trôi hoàn toàn. Các tuyến Quốc lộ 6, Quốc lộ 279 bị sụt sạt nhiều đoạn gây ách tắc giao thông; hàng chục km đường tỉnh lộ, đường giao thông liên xã bị cuốn trôi, xói lở mặt đường... Đặc biệt, tại thị trấn Tuần Giáo đã xảy ra lũ ống tại khu dân cư Tân Tiến. Điều đáng nói là thị trấn Tuần Giáo trong những năm trước đây chưa phải hứng chịu thiệt hại đáng kể nào từ mưa lũ. Tuy nhiên, trận lũ ống xảy ra vào sáng ngày 1/8 đã gây bất ngờ và bàng hoàng cho người dân nơi đây, một lần nữa cho thấy mưa lũ có thể xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ nơi nào và gây ra những hậu quả khôn lường nếu con người chủ quan, lơ là. Sau mùa mưa lũ việc quan tâm triển khai quy hoạch lại khu ao nuôi trên khe Huổi Củ, khơi thông dòng chảy chắc chắn sẽ được cấp ủy, chính quyền địa phương nghiêm túc thực hiện để tránh những hậu quả đáng tiếc trong thời gian tới đây và những mùa mưa lũ tiếp theo. Ông Nguyễn Duy Quân, Chủ tịch UBND thị trấn Tuần Giáo cho biết: “Sau trận mưa lũ vừa qua, lãnh đạo thị trấn đã rút ra được những bài học đó là: Việc quy hoạch dân cư; quản lý các ao nuôi cá, tình trạng dân tự ngăn suối và đào ao tự phát, do sự quản lý của chính quyền chưa đến nơi đến chốn nên việc sạt lở ao dẫn đến lũ ống không kiểm soát được.”

Trong lúc các lực lượng chức năng và người dân vẫn chưa khắc phục xong thiệt hại do mưa lũ gây ra, thì đến ngày 24/8, mưa lớn kéo dài tiếp tục gây lũ ống, lũ quét trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Trong đó, nghiêm trọng nhất tại bản Khong Tở, xã Mường Khong đã có 1 người chết, 1 người bị thương nặng do lũ cuốn; 2 nhà dân bị cuốn trôi cùng nhiều tài sản, 1 nhà dân bị ngập, nhiều diện tích lúa, hoa màu, ao cá của nhân dân tiếp tục bị thiệt hại... Lũ chồng lũ đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và đời sống của nhân dân. Việc ổn định đời sống của người dân, khôi phục sản xuất đảm bảo tiến độ sản xuất vụ mùa đã và đang được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tuần Giáo quan tâm. Tuy nhiên, việc sửa chữa, xây dựng khắc phục hậu quả thiên tai đối với các công trình giao thông, thủy lợi, kênh mương sẽ không thể thực hiện ngay trong thời gian ngắn. Qua những trận lũ lớn trong mùa mưa lũ 2015 này, nhiều bài học kinh nghiệm cũng đã được rút ra trong việc chủ động phòng chống thiên tai, bão lũ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt là bảo vệ sản xuất nông nghiệp - lĩnh vực phát triển quan trọng của huyện và dễ bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ.

Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: “Trong tháng 9 này, Phòng sẽ thực hiện hỗ trợ giống cho bà con khôi phục sản xuất để bù lại những diện tích bị thiệt hại do mưa lũ. Đối với các công trình thủy lợi do mưa lũ phá hỏng, biện pháp trước mắt huyện đã hỗ trợ vật tư rọ thép cho các xã, thị trấn để nhân dân tự khôi phục sửa chữa làm các phai tạm, nhằm đảm bảo nước tưới tiêu cho các diện tích gieo trồng vụ mùa; còn những công trình bị hư hỏng nặng huyện đã đề nghị xin kinh phí của tỉnh để sửa chữa.”

Trong những năm qua, biến đổi khí hậu cùng những tác động của con người tới môi trường, nạn phá rừng bừa bãi đã tác động ngược lại cuộc sống của con người. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung và huyện Tuần Giáo nói riêng, mưa lũ diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường với cường độ ngày càng lớn đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đó là những hồi chuông cảnh báo về sức tàn phá ghê gớm của thiên tai và con người để chủ động phòng tránh rất cần sự nâng cao ý thức chủ động của mọi người dân, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là việc rà soát, xác định những địa điểm xung yếu có thể xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để kịp thời có phương án ứng phó. Đó là việc củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp, xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng tại cơ sở để ứng phó với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ… Về lâu dài, đó là việc bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên rừng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên. Có như vậy, cộng đồng mới phát triển bền vững và bảo vệ an toàn cho chính mình./.

 

Chu Linh - Ngọc Bích
 

.