Tuần Giáo: Đổi thay trên quê hương Tỏa Tình

Thứ Tư, 16/09/2015, 08:52 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tỏa Tình - quê hương cách mạng, cửa ngõ của huyện Tuần Giáo. Xưa đồng bào nơi đây che chở cán bộ, một lòng theo đảng vì sự nghiệp cách mạng. Nay, đồng bào các thôn bản trên địa bàn xã Tỏa Tình đang đoàn kết một lòng khắc phục khó khăn, phát huy những tiềm năng lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bà con mạnh dạn phát triển cây sơn tra, cà phê và Tỏa tình đã trở thành một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong huyện.

d
Vượt qua sự tàn phá của chiến tranh và những khó khăn đặc thù của một xã vùng cao, đến nay Tỏa Tình được biết đến như một xã điển hình trong phát triển kinh tế xã hội của huyện Tuần Giáo. Với diện tích tự nhiên trên 6.500 ha, 7 thôn bản hơn 460 hộ gia đình, 2000 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông

 

Trong kháng chiến chống Pháp, Tuần Giáo là địa phương đầu tiên xây dựng được cơ sở cách mạng và đồng bào nơi đây tích cực ủng hộ kháng chiến. Tiêu biểu như xã Pú Nhung, xã Tỏa Tình đã thành lập được Ủy ban kháng chiến hành chính vào những năm 1948, 1949. Trong suốt những năm kháng chiến, đồng bào nhân dân xã Tỏa Tình đoàn kết một lòng theo Đảng, kiên trì bền bỉ chiến đấu chống lại quân xâm lược. Đặc biệt, xã Tỏa Tình  nằm dọc theo quốc lộ 6, án ngũ ngay trên đèo Pha Đin - con đường tiếp vận huyết mạch cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Trước đây đèo Pha Đin nhộn nhịp "chị gánh, anh thồ" phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ trong đó có cả đồng bào dân tộc Mông xã Tỏa Tình. Giờ đây, trên đường đèo mới xe cộ tấp nập, bà con đem các nông sản như dưa, táo mèo ra bán. Mấy năm trở lại đây, dự án phát triển cây Táo mèo hay có tên gọi khác trong đông y là sơn tra đã được các cấp, các ngành quan tâm và người dân nồng nhiệt đón nhận. Bên cạnh những cây Sơn tra cũ đã có thêm cả vườn sơn tra giống mới. Diện tích cây sơm tra được bà con đưa vào trồng đã tăng lên trên 70 ha. Hàng năm, vào tháng 9, tháng 10, quả sơn tra bắt đầu chín rộ và được bà con nhân dân thu hoạch bán ra thị trường. Trung bình mỗi năm, xã Tỏa Tình cung cấp ra thị trường khoảng 1000 tấn sơn tra. Với giá bán trung bình từ 10 đến 15 nghìn đồng/kg, cây sơn tra đã mang lại nguồn thu nhập đều đặn 40 - 50 triệu đồng/ vụ cho nhiều hộ gia đình.

Anh Mùa A Sình - Bản Lồng - xã Tỏa Tình - Tuần Giáo cho biết: Trước kia gia đình có hoàn cảnh khó khăn nắm có khi không đủ ăn con cái không được đi học được sự giúp đỡ của các ban ngành đoàn thể xã gia đình đã mạnh dạn phát triển cây Sơn tra ( hay còn gọi là Táo mèo - đặc sản của xã Tỏa Tình huyện Tuần Giáo ) mỗi năm gia đình cũng thu nhập được 40 – 50 triệu đồng. Đến nay đại đa số gia đình bà con trong xã đã và đang thoát nghèo từ cây Sơn tra này

Dũng cảm, anh hùng trong chiến đấu, bảo vệ quê hương đất nước, năng động, nhiệt huyết trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương là điều được đồng bào dân tộc Mông xã Tỏa Tình thể hiện qua nhiều thế hệ. Vượt qua sự tàn phá của chiến tranh và những khó khăn đặc thù của một xã vùng cao, đến nay Tỏa Tình được biết đến như một xã điển hình trong phát triển kinh tế xã hội của huyện Tuần Giáo. Với diện tích tự nhiên trên 6.500 ha, 7 thôn bản hơn 460 hộ gia đình, 2000 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước các bản làng đã khoác lên mình diện mạo mới. Đường giao thông, lưới điện, trường lớp học từng bước được đầu tư xây dựng, những căn nhà khang trang, bề thế thay cho những căn nhà lúp xúp, siêu vẹo khi xưa. Cuộc sống của đồng bào cũng từng bước khởi sắc nhờ những bước tiến vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế. Mặc dù chỉ có khoảng 45 ha ruộng lúa nước canh tác 1 vụ, còn lại việc canh tác ngô, lúa, sắn đều ở trên nương rẫy nhưng nhờ chăm chỉ cần cù, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên tổng sản lượng lương thực cây có hạt hàng năm của xã vẫn đạt xấp xỉ 10 nghìn tấn, bình quân lương thực đầu người xấp xỉ 480 kg/người/ năm. Đơn cử như việc phát triển cây ngô. Nếu như năm 2011, diện tích canh tác ngô của xã chỉ khoảng 300 ha thì đến 2 năm gần đây diện tích canh tác ngô đã tăng lên và giữ ổn định khoảng 540 ha. Cây ngô đã thực sự mang lại nguồn thu nhập ổn định lâu dài cho người dân. Có bước phát triển nhanh chóng kể trên ngoài điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, giao thông thuận lợi, tư thương đến tận thôn bản thu mua ngô phải kể đến sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của xã và tư duy nhanh nhạy của bà con nông dân sớm xác định cây ngô là cây trồng chủ lực. Cùng với việc phát triển các loại cây lương thực truyền thống, bà con nông dân trên địa bàn xã Tỏa Tình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các loại cây có tiềm năng như cà phê, táo mèo được đưa vào trồng trên diện rộng và bước đầu đã chứng minh được hiệu quả kinh tế; phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế cũng được chú trọng... Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống chỉ còn hơn 10%, số hộ vươn lên khá giàu đã đạt 50%.

d
Cuộc sống của đồng bào cũng từng bước khởi sắc nhờ những bước tiến vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế. Mặc dù chỉ có khoảng 45 ha ruộng lúa nước canh tác 1 vụ, còn lại việc canh tác ngô, lúa, sắn đều ở trên nương rẫy nhưng nhờ chăm chỉ cần cù, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên tổng sản lượng lương thực cây có hạt hàng năm của xã vẫn đạt xấp xỉ 10 nghìn tấn, bình quân lương thực đầu người xấp xỉ 480 kg/người/ năm.

 

Ông Mùa A Dình - Bí Thư Đảng ủy xã Tỏa Tình - Tuần Giáo cho hay: Thời gian trước cuộc sống của bà con vất vả đến thời điểm bây giờ tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm đáng kể, nhiều hộ gia đình biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm Đảng ủy, UBND xã thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở vận động người dân tích cực hăng say sản xuất cùng người dân tham gia sản xuất.

Có thực tế đến các thôn bản mới thực sự thấy được tinh thần nỗ lực của đồng bào dân tộc xã Tỏa Tình. Những hộ nghèo cố gắng phấn đấu thoát nghèo, những hộ đã thoát nghèo phấn đấu mở rộng sản xuất, đưa các loại cây trồng tiềm năng, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội để vươn lên khá giàu góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Gia đình ông Vừ Gà Nếnh ở bản Hua Sa B là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn đưa cây cà phê vào trồng trên đất nương của gia đình. Từ mấy trăm gốc cà phê trồng thử nghiệm ban đầu đến nay gia đình đã có 3ha cà phê cho thu hoạch hàng năm. Trong mấy năm gần đây, mặc dù giá cà phê lên xuống thất thường nhưng theo đánh giá chung cà phê đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông. Thu nhập từ cà phê giúp ông mở rộng sản xuất sang chăn nuôi, đa dạng trong phát triển kinh tế gia đình. Không riêng gia đình ông Nếnh, hàng chục hộ gia đình tại các bản Hua Sa A, Hua Sa B, Háng Tàu, Chế Á...cũng đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi các diện tích đất canh tác sang trồng cây cà phê. Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức khi đầu tư phát triển và có thu nhập ổn định từ "cây nhà giàu" này. Nhưng về cơ bản, việc phát triển thành công cây cà phê trên vùng cao Tỏa Tình đã chứng minh sự thay đổi rõ nét trong tư duy phát triển kinh tế, dám nghĩ dám làm của bà con nông dân xã Tỏa Tình.

Phát huy truyền thống trên quê hương cách mạng cùng những thành tựu đáng tự hào đã đạt được, trong giai đoạn tới xã Tỏa Tình xác định sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phục vụ đắc lực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong đó, tập trung duy trì phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt quan tâm đến việc đưa các giống mới năng suất cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Từ đó, đảm bảo lương thực tại chỗ cũng như xuất bán ra thị trường mang lại thu nhập ổn định, bền vững cho nhân dân. Tuyên truyền, vận động và định hướng giúp nhân dân đầu tư phát triển hợp lý các loại cây có tiềm năng thế mạnh như cà phê, sơn tra, sa nhân...Mở rộng diện tích theo đúng quy hoạch, không phát triển ồ ạt, tràn lan đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho người dân. Tiếp tục tranh thủ sự quan tâm, đầu tư của nhà nước thông qua các chương trình dự án, đặc biệt là các dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng như trụ sở ủy ban, đường liên thôn, liên bản, các công trình cấp nước sinh hoạt.v.v. Tập trung tuyên truyền, vận động và huy động nguồn lực của cộng đồng, nhân dân tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Từ đó, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội thay đổi diện mạo bản làng vùng cao.

Cuộc sống mới đã hiện diện tại mọi nẻo đường vào các thôn, bản xã Tỏa Tình. Kinh tế phát triển cũng giúp bà con nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, mỗi gia đình đều có phương tiện nghe nhìn riêng; sinh hoạt cộng đồng thôn bản được thực hiện thường xuyên góp phần tăng cường khối đại đoàn kết; trẻ em được đến trường đầy đủ, dân trí không ngừng được nâng cao... Tin rằng với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, những đổi thay sẽ không dừng ở đó mà đồng bào dân tộc xã Tỏa Tình sẽ vượt qua mọi khó khăn tiếp tục giữ vững truyền thống trên quê hương cách mạng cùng nhau đoàn kết phát triển kinh tế, duy trì an ninh trật tự, xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc.

 


Chu Linh - Ngọc Bích
 

.