Dạy nghề theo nguyện vọng người dân
Điện Biên TV - Việc dạy nghề theo nguyện vọng người dân ở Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh những năm qua đã đem lại hiệu quả thiết thực. Sau khóa học, học viên cơ bản nắm vững kỹ năng, kiến thức ngành, nghề được đào tạo, từ đó áp dụng vào thực tiễn, mở ra hướng thoát nghèo cho gia đình.
Trung tuần tháng 8, chúng tôi tham dự một lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia cầm tại bản Nà Luống 2, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên do Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức. Cảm nhận rõ ràng nhất là không khí học tập sôi nổi của 35 học viên, cũng như sự tận tình giảng dạy của cán bộ giáo viên. Tại đây, học viên được tiếp nhận các kiến thức về nguyên nhân, cách khắc phục các loại dịch bệnh cho gà như: Rụng lông, xù lông, sã cánh, kém ăn, ủ rũ… Phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”… lấy hiệu quả để đánh giá kết quả học tập là cách làm của trung tâm trong việc dạy nghề cho học viên. Bởi thế, công tác giảng dạy, đào tạo nghề không chỉ dừng lại ở phạm vi lý thuyết, hướng dẫn chung chung theo khái niệm mà chất lượng sau mỗi khóa đào tạo mới là cái đích trung tâm hướng tới. Tranh thủ thời gian giải lao giữa giờ học, trò chuyện với chị Lường Thị Xin, bản Nà Luống 2 được biết, gia đình chị trước đây nuôi hàng trăm con gia cầm, song do chăm sóc không đúng kỹ thuật, chưa chủ động trong phòng, tránh dịch bệnh nên thu lời sau mỗi lứa chẳng đáng là bao. Khoảng cuối tháng 8, thấy có cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cùng lãnh đạo xã, trưởng bản tổ chức họp dân lấy ý kiến về việc tổ chức dạy nghề, chị đến nghe và đăng ký tham gia lớp đào tạo ngắn hạn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia cầm. Sau hơn hai tháng được giáo viên hướng dẫn tận tình, đến nay chị Xin cơ bản nắm được cách chăm sóc gia cầm. Chị Xin chia sẻ: "Trong quá trình học, mình kết hợp đầu tư nuôi thử nghiệm gần 100 con gà, đến nay gà sinh trưởng tốt, mau lớn, không có dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt 95%."
Học viên bản Nà Luống 2, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên nhận chứng chỉ hoàn thành lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia cầm do Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức. |
Mặc dù chỉ nuôi vài chục con gia cầm làm thực phẩm sinh hoạt trong gia đình, song chị Lò Thị Puốn, bản Nà Luống 2 cũng hiểu được tầm quan trọng từ việc tham gia lớp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia cầm do trung tâm tổ chức. Chị Puốn chia sẻ: "Ban đầu tôi không có ý định tham gia lớp đào tạo này, nhưng nghe cán bộ của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đến tận bản tuyên truyền, hỏi nguyện vọng của người dân về nhu cầu học nghề, chọn nghề, tôi quyết định đăng ký tham gia. Trưa nào cũng thế, tôi tranh thủ thời gian đến lớp nghe giáo viên hướng dẫn, giảng dạy, đến nay khi gần kết thúc khóa đào tạo, tôi đã vận dụng được rất nhiều vào thực tiễn. Nuôi con gà, con vịt nó phát triển tốt chứ không ốm yếu như trước kia."
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND Nà Tấu Giàng A Chợ, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã tổ chức 5 lớp đào tạo nghề trên địa bàn (kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia cầm; kỹ thuật trồng – khai thác rừng; kỹ thuật trồng – quản lý dịch hại cây lúa). Các lớp đều phù hợp với nhu cầu học nghề của nhân dân trên địa bàn, qua đó giúp họ biết cách phát huy thế mạnh của địa phương, vươn lên phát triển kinh tế.
Không chỉ hiệu quả trong công tác đào tạo các ngành nghề nông nghiệp, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh còn cho thấy sự nhạy bén trong quá trình triển khai các lớp dạy nghề phù hợp với địa phương. Đơn cử như đối với xã Thanh Minh, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ, trung tâm lựa chọn mở lớp đào tạo nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn gắn với phát triển du lịch ở các bản văn hóa như: bản Mớ (phường Thanh Trường), bản Phiêng Lơi (xã Thanh Minh); bản Mển (xã Thanh Nưa)… Huyện Mường Ảng, Nậm Pồ và các huyện vùng ngoài trung tâm tổ chức các lớp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia cầm; kỹ thuật trồng – khai thác rừng; kỹ thuật trồng – quản lý dịch hại cây lúa.
Trao đổi với bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh được biết, từ năm 2012 – 2014, trung tâm đã tổ chức đào tạo 45 lớp dạy nghề cho người dân với gần 2.000 học viên. Riêng từ đầu năm đến nay, trung tâm đã và đang triển khai 7 lớp dạy nghề. Theo khảo sát của trung tâm, sau đào tạo nghề 90% học viên áp dụng vào thực tiễn. Có được kết quả đó, ngoài sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến địa phương, sự phối hợp chặt chẽ các ngành, đoàn thể, còn có sự nỗ lực lớn của lãnh đạo, cán bộ giáo viên trung tâm trong công tác giảng dạy cũng như nắm bắt tình hình, điều kiện cụ thể ở địa phương, tâm tư, nguyện vọng của người dân./.
Văn Quyết