Trí thức trẻ dân tộc thiểu số về với xã nghèo
Điện Biên TV - Dự án đưa 600 trí thức trẻ về các xã nghèo nhằm tăng cường nguồn nhân lực có trình độ cho địa phương và tạo nguồn cán bộ trẻ, đã thu hút được hàng nghìn trí thức trẻ trên cả nước quan tâm tham gia. Tỉnh Điện Biên có 32 trí thức trẻ đang công tác tại các xã đặc biệt khó khăn của 4 huyện nghèo, trong đó có không ít thức trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, kiến thức được đào tạo qua các trường đại học và vốn văn hóa vùng miền, họ đã và đang góp sức nhỏ bé của mình vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn.
Đồng chí Bạc Cầm Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Na Son lập kế hoạch và hướng dẫn bà con xã nghèo thực hiện nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao như: Mô hình lúa nước hai vụ, mô hình trồng cà phê, mô hình trồng ngô xen đậu tương trên đất bạc màu |
Dự án đưa 600 trí thức trẻ có trình độ đại học về các huyện nghèo làm phó chủ tịch xã được triển khai từ năm 2011, ở 62 huyện nghèo trên cả nước. Điện Biên là một trong 5 tỉnh đầu tiên thực hiện thí điểm dự án này. Năm 2012, 32 trí thức trẻ đã chính thức về nhận công tác tại 4 huyện nghèo của tỉnh. Những trí thức trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên tham gia dự án. Họ thuận lợi hơn các đội viên khác là hiểu biết nhiều hơn về văn hóa, phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc. Do vậy, việc tuyên truyền, vận động, đưa thông tin tới đồng bào đạt hiệu quả tốt hơn.
Năm 2012, huyện Điện Biên Đông tiếp nhận 5 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã tại các xã nghèo. 4/5 trí thức trẻ về nhận công tác tại địa phương trong đợt này là người dân tộc thiểu số. Sau 3 năm thực hiện nhiệm vụ phó chủ tịch, họ được địa phương và các cơ quan quản lý đánh giá cao bởi sự nhiệt tình, sáng tạo và đặc biệt góp phần làm thay đổi lề lối, tác phong làm việc của cơ quan công quyền địa phương và dần thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc.
Sau khi tốt nghiệp ngành Lâm sinh, khoa Nông lâm của trường Đại học Tây Bắc, Bạc Cầm Nga – trí thức trẻ người dân tộc Thái sinh ra và lớn lên tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, đã đăng ký tham gia dự án 600 trí thức trẻ tình nguyện, nhận nhiệm vụ công tác tại xã Na Son, huyện Điện Biên Đông. Dân cư xã Na Son chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, là điều kiện thuận lợi đối với trí thức trẻ Bạc Cầm Nga. Tuy nhiên, về nhận nhiệm vụ tại xã vùng cao, đường giao thông đi lại khó khăn, kinh tế - xã hội chậm phát triển, tập quán sản xuất của đồng bào còn lạc hậu và bộn bề gian khó. Trăn trở của Bạc Cầm Nga là làm thế nào giúp xã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời khẳng định được năng lực của bản thân.
Được giao phụ trách lĩnh vực kinh tế của xã, Bạc Cầm Nga không chỉ trực tiếp đảm nhiệm công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương anh còn trợ giúp đắc lực cho xã trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở cơ sở. Ông Lò Văn Khộ, Chủ tịch UBND xã Na Son cho biết: “Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, đồng chí Bạc Cầm Nga được chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao, khi đồng chí trực tiếp lập kế hoạch và hướng dẫn bà con xã nghèo thực hiện nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao như: Mô hình lúa nước hai vụ, mô hình trồng cà phê, mô hình trồng ngô xen đậu tương trên đất bạc màu.”
Có thể nói với Bạc Cầm Nga, vốn hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết của người dân địa phương, đã giúp anh rất nhiều trong quá trình làm việc tại Na Son. Thời gian 3 năm tuy không dài nhưng Bạc Cầm Nga có được niềm tin của của cấp ủy, chính quyền địa phương, niềm tin của nhân dân và anh mong muốn được gắn bó lâu dài, đóng góp trí tuệ, sức lực nhiều hơn nữa cho xã nghèo Na son - quê hương thứ hai của mình. Đồng chí Bạc Cầm Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Na Son chia sẻ: “Khó khăn khi mới tham gia dự án là sự bỡ ngỡ, bởi vì bản thân tôi vừa mới tốt nghiệp đại học xong nên kinh nghiệm chưa nhiều, lại được đặt vào vị trí phó chủ tịch xã có thể là quá sức. Tuy nhiên, do được đào đào tạo ở trường một cách bài bản cũng như trước khi tham gia dự án cũng được Bộ Nội vụ đào tạo kiến thức quản lý nhà nước. Với cương vị là phó chủ tịch thì bản thân tôi đã từng bước vượt qua những khó khăn đó để hoàn thành nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh.”
Năm 2012, huyện Điện Biên Đông tiếp nhận 5 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã tại các xã nghèo. Trong ảnh: Trí thức trẻ Hạng A Chư, Phó Chủ tịch UBND xã Noong U tuyên truyền, vận động người dân trong xã cho con em đi học đầy đủ. |
Noong U là một trong các xã đặc biệt khó khăn của Điện Biên Đông. Năm 2012, xã này được tiếp nhận một trí thức trẻ đảm nhận vai trò phó chủ tịch xã. Hạng A Chư – trí thức trẻ được phân công về đây không phải người xa lạ với vùng đất này. Anh sinh ra và lớn lên ở một bản dân tộc Mông thuộc xã Phì Nhừ. Tốt nghiệp khoa Tiểu học – Mầm non của trường Đại học Tây Bắc, Chư đăng ký tham gia dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã nghèo. Là người sinh ra, lớn lên tại địa phương, hiểu phong tục tập quán, biết tiếng nói dân tộc, anh nhanh chóng tiếp cận được với công việc, từng bước khắc phục khó khăn, trau dồi kinh nghiệm thực tiễn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Niềm vui, hạnh phúc và tự hào của chàng trai dân tộc Mông Hạng A Chư là được cống hiến trí và lực phục vụ quê hương.
Dự án đưa trí thức trẻ về các xã khó khăn làm phó chủ tịch xã, đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương và được đánh giá là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở các xã nghèo. Dự án cũng đã tạo môi trường rèn luyện, thử thách, bồi dưỡng nguồn cán bộ bổ sung cho các xã, huyện nghèo, các địa phương vùng dân tộc thiểu số. Phát huy hiệu quả của dự án, năm 2014, Bộ Nội vụ tiếp tục triển khai dự án tuyển chọn thêm 500 trí thức trẻ về làm công chức xã tại các xã nghèo.
Trong hơn một thập niên gần đây, các địa phương trên toàn quốc đã có không ít chương trình, dự án đưa trí thức trẻ được thực hiện đưa về các xã khó khăn, giúp chính quyền địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Các chương trình, dự án này cũng ưu tiên sử dụng và đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức trẻ là người dân tộc thiểu số nhằm xóa bỏ tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng cán bộ dân tộc, đồng thời phát triển đội ngũ cán bộ tại chỗ cho từng vùng và từng dân tộc. Tuy nhiên, thực tế triển khai các chương trình dự án cũng gặp không ít khó khăn. Nhận định của cơ quan trực tiếp tổ chức, phân công và theo dõi hoạt động đội ngũ trí thức trẻ về cơ sở của huyện Điện Biên Đông cho thấy. Ông Lò Đại Nghĩa, Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Điện Biên Đông cho biết: “Các đồng chí lãnh đạo huyện cũng rất chia sẻ khó khăn với các đồng chí là đội viên trí thức trẻ, bởi vì nhiều đồng chí không sinh ra và lớn lên ở địa bàn nên có rất nhiều cái khó như: Hiểu biết về phong tục tập quán nơi đây còn hạn chế, bất đồng ngôn ngữ… do đó dẫn đến khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động bà con.”
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi vậy, tăng cường đội ngũ trí thức trẻ nói chung và trí thức trẻ người dân tộc thiểu số nói riêng cho các địa phương vùng đặc biệt khó khăn là yêu cầu cần thiết. Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã tại các xã nghèo năm 2011, dự án tuyển chọn 500 trí thức trẻ về làm công chức xã năm 2014, với chủ trương ưu tiên tuyển chọn trí thức con em đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương đúng đắn. Xác định nhóm ngành tuyển dụng cần thiết với yêu cầu công việc ở cấp xã; phân công, bố trí công việc theo đúng chuyên ngành đào tạo; chọn người địa phương dễ hòa nhập với phong tục, tập quán và có sự quan tâm của chính quyền địa phương, là các yếu tố cơ bản giúp trí thức trẻ nhanh chóng bắt nhịp với công việc, phát huy năng lực phục vụ nhiệm vụ ở địa phương./.
Minh Giang – Duy Hưng