Huyện Điện Biên: Xã Pá Khoang sau 2 năm chia tách thành lập
Điện Biên TV - Năm 2012 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45/NĐ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Điện Biên. Xã Pá Khoang là một trong những xã của huyện Điện Biên được chia tách thành lập. Sau hơn 2 năm chia tách, thành lập đến nay xã Pá Khoang đã đạt được được những thành tựu quan trọng.
UBND xã Pá Khoang huyện Điện Biên |
Xã Pá Khoang huyện Điện Biên được thành lập ngày 1/7/2013, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của xã Mường Phăng, xã Pá Khoang có diện tích tự nhiên trên 5.700ha và gần 1000 hộ trên 4.300 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc Thái, Mông, Kinh và Khơ Mú sinh sống ở 21 bản. Sau khi thành lập xã, bộ máy cấp ủy chính quyền đi vào hoạt động, cùng với sự đầu tư giúp đỡ của nhà nước xã đã chỉ đạo bà con tập trung sản xuất nông nghiệp, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ. Đẩy mạnh thực hiện các dự án trong nông, lâm nghiệp, nên sản lượng lương thực tăng cả về năng suất và sản lượng. Nếu như năm 2013 tổng sản lượng lương thực toàn xã chỉ đạt trên 1.550 tấn thì đến năm 2015 tổng sản lượng lương thực ước đạt trên 1.840 tấn, tăng trên 290 tấn. Bình quân thu nhập đầu người đạt 400 kg/năm
.Anh Lò Văn Thường Bản Bó xã Pá Khoang- huyện Điện Biên cho biết: Từ hồi chia tách đến nay xã nhiều thay đổi, bà con trong xã rất phấn khởi được Đảng và nhà nước quan tâm mọi mặt đất sản xuất, đường giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong xã mua bán, trao đổi hàng hóa
Xã Pá Khoang là một trong những xã của huyện Điện Biên được chia tách thành lập. Sau hơn 2 năm chia tách, thành lập đến nay xã Pá Khoang đã đạt được được những thành tựu quan trọng. |
Vốn là địa bàn vùng sâu, vùng xa, kinh tế xã hội chậm phát triển, chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng, nên còn nhiều thiếu thốn, bộ máy chính quyền còn non trẻ, chủ yếu là lực lượng cán bộ nòng cốt từ xã Mường Phăng chuyển về, nên dù đã có nhiều cố gắng nhưng lực lượng cán bộ vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của một xã mới thành lập. Bởi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; trình độ lý luận chính trị; kinh nghiệm thực tế và khả năng quản lý điều hành vẫn còn thấp so với yêu cầu chung. Đồng thời, với điều kiện là xã vùng ngoài 98% số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, 100% hộ dân trong xã sống dựa vào canh tác ruộng nước, nhưng còn thiếu công trình thủy lợi kiên cố phục vụ tưới tiêu cho việc gieo cấy trên 120 ha lúa 2 vụ. Trình độ sản xuất lạc hậu, tỷ lệ hộ đói nghèo còn chiếm trên 40%, do vậy cũng làm khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội sau khi thành lập xã.
Ông Lò Văn Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Pá Khoang huyện Điện Biên cho hay: Để khuyến khích người dân thay đổi cơ cấu sản xuất, từng bước vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể xã Pá Khoang đang tích cực chỉ đạo nhân dân khai hoang ruộng nước, phát triển nhiều cây trồng phù hợp với địa bàn để đảm bảo an ninh lương thực đặc biệt phát triển diện tích lúa, ngô đồng thời chăn nuôi nhiều gia súc để đảm bảo lương thực.
Việc chia tách thành lập xã Pá Khoang huyện Điện Biên đã khẳng định đây là một chủ trương, hướng đi đúng của Đảng và Nhà nước, nhằm phát huy tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho xã Pá Khoang có thể bứt phá trên con đường xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, để xã Pá Khoang sớm thoát khỏi khó khăn, vướng mắc hiện tại, đòi hỏi cần có sự đầu tư đồng bộ của Nhà nước cùng với nỗ lực vươn lên của cả hệ thống chính trị xã và nhân dân trên địa bàn./.
Thái Thanh - Ngọc Hải