Ấm no nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Điện Biên TV - Trong khi tại một số địa bàn việc phá rừng, đốt rừng làm nương đã và đang trở thành vấn nạn, thì ở Tỏa Tình - xã vùng cao của huyện Tuần Giáo, người dân không chỉ tích cực trồng cây gây mà còn tự bỏ tiền mua cây giống về trồng, làm giàu từ kinh tế nông - lâm nghiệp.
Nhà nhà trồng rừng
Trong chuyến công tác về xã Tỏa Tình chúng tôi ấn tượng với người dân nơi đây không chỉ ở sự thân thiện, mến khách mà còn bởi bản tính cần cù, chịu thương chịu khó. Tham quan mô hình kinh tế vườn rừng của gia đình ông Mùa Giống Dua, bản Lồng thì cơn mưa rừng ập tới, vội trú mưa trong ngôi nhà trang khang với đầy đủ tiện nghi, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với chiếc ôtô bán tải mới coóng vừa được chủ nhà tậu về. Ông Dua phấn khởi cho biết: “Đó là thành quả của việc nhiều năm nhận khoanh nuôi, bảo vệ 24ha rừng kết hợp với trồng táo mèo, chăn nuôi bò, dê. Tuần trước, con trai mình về tỉnh Sơn La mua 9.000 cây thông giống thuê xe vận chuyển lên để trồng rừng. Giá mỗi cây mua tại vườn ươm là 3.000 đồng, chỉ tính riêng tiền cây giống đã hết 27 triệu đồng rồi, chưa kể chi phí vận chuyển rồi công trồng, chăm sóc”. Nhìn theo hướng tay ông Dua chỉ, cả nghìn cây thông giống cao chừng 30cm xanh mơn mởn được tập kết gọn gàng ngay đầu ngõ. Đang dở câu chuyện, đôi vợ chồng trung niên khoác áo mưa mang theo 2 gùi lớn lem nhem bùn đất phóng xe máy đỗ xịch bên đống cây. Ông Dua bảo: Vợ chồng em trai mình đấy! Tranh thủ thời tiết thuận lợi có mưa đem cây giống lên nương trồng. Vừa dứt lời, con trai ông Dua là Mùa A Vừ từ trong nhà đội áo mưa ra giúp họ chuyển cây giống vào đầy 2 gùi. Ông Dua bảo: Trời mưa, vận chuyển cây giống vất vả hơn nhưng đã trồng cây nào là sống cây đó. Với mật độ trồng tập trung 1.600 cây/ha, toàn bộ 9.000 cây thông giống sẽ được trồng kín mảnh nương bạc màu của gia đình sau nhiều năm trồng ngô, lúa. Mỗi ngày ông Dua huy động gần chục người là con cháu, họ hàng, người vận chuyển, người trồng cây.
Liền kề nhà ông Mùa Giống Dua là gia đình ông Mùa Chờ Vàng cũng “đội” mưa trồng rừng. Số thông giống được xếp tập trung ngay đầu hồi, ông Vàng cho biết: Gia đình tôi mấy ngày nay đều tập trung lên nương trồng thông. Vì nương xa nên phải đi từ sáng sớm đến tối muộn mới về.
Gia đình ông Mùa Giống Dua chuẩn bị cây thông giống để trồng rừng. |
Trên con đường từ bản Lồng trở ra trụ sở UBND xã Tỏa Tình, chúng tôi thấy nhiều hộ tập kết cây giống trước nhà để trồng rừng mà chủ yếu là thông ba lá. Trao đổi với ông Mùa A Dùa, Phó Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình mới hay, thông là cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, bà con không tốn nhiều công chăm sóc vẫn phát triển tốt. Trồng thông không chỉ góp phần bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái mà còn khai thác lấy nhựa, tạo bóng cho sơn tra, sa nhân phát triển. Vì vậy, ngoài số hộ có đất trồng rừng tập trung, những hộ còn lại trong xã đều tận dụng diện tích trồng cây phân tán xen với táo mèo, cây sa nhân để tăng thu nhập.
Ấm no nhờ thay đổi tư duy
Đó là khẳng định của ông Mùa A Dùa, Phó Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình khi nói về việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng của bà con trên vùng đất này. Hiểu được lợi ích của việc trồng, giữ rừng cũng như phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp nên giờ không phải tuyên truyền, vận động nhiều như trước thì nhà nhà ở Tỏa Tình đều trồng rừng. Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây cà phê, sơn tra, nhiều hộ dân chuyển đổi đất nương bạc màu sang các loại cây này, rồi không ít hộ dân ở bản Lồng và bản Tỏa Tình mở rộng diện tích trồng cây sa nhân - loại dược liệu quý, tăng thu nhập. Chỉ tính trong 3 năm (2012 - 2014), nhân dân xã Tỏa Tình trồng mới hàng chục héc ta rừng; “bộ ba” cây trồng cà phê – sơn tra - sa nhân được người dân tích cực mở rộng diện tích trồng mới với 70ha cà phê, 60ha sơn tra và 25ha sa nhân. Nâng tổng diện tích cà phê toàn xã lên 185ha, 100ha sơn tra, 50ha cây sa nhân. Rừng xanh bao bọc bản làng, người Tỏa Tình từ lâu không còn sợ thiếu nước vào mùa khô, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Theo tính toán, với 14.000 gốc sơn tra cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 50kg/gốc, mỗi năm thu hơn 700 tấn quả tươi. Với giá bán trung bình 15.000 - 20.000 đồng/kg, cũng thu hơn chục tỷ đồng. Chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, trồng và giữ rừng tốt, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo ở Tỏa Tình thấp nhất (13,5%) huyện Tuần Giáo.
Tuy nhiên, điều mà lãnh đạo, chính quyền xã Tỏa Tình trăn trở bấy lâu là dù sơn tra, cây sa nhân được xác định là những cây trồng thế mạnh không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn giúp người dân làm giàu nhưng đến nay vẫn chưa có trong quy hoạch chung của tỉnh để được hỗ trợ theo quy định. Người trồng sơn tra, trồng sa nhân vẫn loay hoay tự tìm mua cây giống để trồng rồi quá trình chăm sóc, thu hái cũng chỉ dựa vào kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau nên dẫn đến hạn chế về năng suất. Bên cạnh đó, xã Tỏa Tình chưa được đầu tư xây dựng chợ, người dân chủ yếu bán nông sản ven Quốc lộ 6 hoặc thông qua tư thương, nên không tránh khỏi tình trạng nông sản ép giá khi được mùa, đầu ra không ổn định./.
Minh Thùy