Vẫn chưa thống nhất được phương án tăng lương tối thiểu 2016
Tăng lương tối thiếu 2016 ở mức nào vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa đại diện người sử dụng lao động và người lao động.
Phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 tiếp tục phải dừng mà chưa có hồi kết, vì giữa đại diện chủ sử dụng lao động và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không tìm được tiếng nói chung.
Ngay sau cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho biết, các bên đại diện đều phân tích và đưa ra những cái khó của riêng mình. Tuy nhiên, phương án của các bên chưa gần lại với nhau.
Trong cuộc họp có rất nhiều ý kiến nhưng vẫn chốt lại ở phương án là tăng khoảng trên 10%. 5 thành viên đại diện của người sử dụng lao động cũng chưa thống nhất phương án cuối cùng. Hôm trước là quyền của các thành viên đại diện chủ sử dụng lao động dừng cuộc họp lại. Hôm nay, đến lượt đại diện của người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động đề nghị dừng.
“Theo qui chế, lần thứ 3 nếu vẫn không thương lượng được với nhau thì Chủ tịch Hội đồng chọn phương án tư vấn trình Chính phủ” – ông PHạm Minh Huân nói.
Sự “giằng co” khó có hồi kết khiến Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia tiên đoán rằng: “Cuối cùng, Chủ tịch Hội đồng sẽ phải chọn một phương án để trình Thủ tướng Chính phủ. Trong lúc này, phải phân tích kỹ các yếu tố tại sao Hội đồng sẽ chọn phương án đó. Bản thân tôi là Chủ tịch thì rất mong muốn hai bên có sự hội ý, thương lượng với nhau đến làm sao hài hòa hơn trong một phương án chấp nhận được”.
Bữa tối nghèo nàn của công nhân ở KCN Yên Phong (Bắc Ninh) |
Về quan điểm của mỗi bên, theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính, Tổng LĐLĐVN vẫn bảo lưu mức tăng 16,8% và cho rằng với mức này DN hoàn toàn chịu được; đảm bảo lộ trình đến năm 2017 lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ.
Trong cuộc họp sáng 25/8, giới chủ đề xuất Hội đồng Tiền lương thành lập đoàn xuống tiếp xúc các DN để nắm bắt tình hình sức khoẻ DN xem sức chịu đựng của họ đến đâu thì cũng nên thành lập đoàn để xuống tận phòng trọ của công nhân để xem họ sống như thế nào. "Chúng ta không thể làm chính sách trong phòng lạnh" - ông Chính nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Phạm Minh Huân cho biết: “Tôi đã đến tận nơi để khảo sát, tính toán về ảnh hưởng của các chính sách đến đời sống của người lao động. Quả thật, cuộc sống của người lao động ở nhiều nơi còn rất khó khăn. Đây là vấn đề chung mà cả hệ thống chính trị phải chung tay. Bản thân các DN phải có trách nhiệm tốt hơn đối với người lao động”.
Cũng liên quan đến nội dung cuộc họp này, ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện nghiên cứu công nhân bày tỏ: “Công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, vậy mà cuộc sống của họ quá khổ. Chẳng cần phải nói đâu xa, chúng ta đến ngay KCN Thăng Long Hà Nội đây thôi là đã thấy cuộc sống của họ như thế nào, không có tiền nuôi con, con còn đỏ hỏn phải xa vòng tay mẹ về quê với ông bà,… Tôi nghĩ, chưa thể dừng lại ở cuộc họp hôm nay mà nên tiếp tục khảo sát, thảo luận. Nếu không có được sự thống nhất thì dành quyền quyết định cho ông Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Theo ông Thọ, khoảng cách hai bên đưa ra quá lớn, gần 10%, VCCI đề xuất 10%, TLĐ đề xuất 16,8%. Về cơ bản, hai bên thống nhất mức lương tối thiểu hiện hành thấp hơn so với nhu cầu sống tối thiểu. Công nhân lao động hiện không hẳn làm việc, không hẳn chơi. Nếu cách của TLĐ chia ra từ nay đến 2017, mức lương đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu có thể chia làm đôi, ILO khuyến cáo mức tăng hợp lí được tính: mức tăng bù nhu cầu sống + % trượt giá + % tăng năng suất lao động, tương đương 16,8%. Tuy nhiên đây là mức tăng của hai năm, nếu kéo dài thì con số cao hơn.
Trả lời câu hỏi của VOV.VN, “Nếu tăng lương thì cầu lao động sẽ giảm?”, ông Thọ cho rằng, đó là về lí thuyết. Vì thực tế, khối DN FDI không quan tâm đến mức tăng mà họ chia sẻ rằng TLĐ đề xuất như thế nào họ sẽ làm theo. Vậy lợi thế của DN FDI là gì, là năng suất, năng suất tùy vào cách quản lý, tiết kiệm chi phí,… Ta phải học họ chứ không thể cứ nói mãi kiểu “quê nhà tôi nó thế”. Bây giờ hội nhập, ta phải học hỏi các DN FDI họ làm như thế nào mà làm theo. Nếu tiền lương không cải thiện ta không giải quyết được gì, từ năng suất, thái độ ý thức người lao động, quan hệ lao động. Ai dám gọi một người khó khăn, thiếu đói ra nói: ông phải tăng năng suất lao động, ông phải gắn bó với tôi…
Ông Quang Thọ chia sẻ: “Tôi thấm thía một câu: “Nếu lúc nào anh cũng đưa ra hạt lạc, anh chỉ chơi được với bầy khỉ”. Nếu ta cắt xén của người làm công cho ta họ sẽ quay ra cắt xén bạn hàng của ta. Đương nhiên bị cắt xén của bạn hàng vẫn thiệt hơn bi cắt xén tiền công. Phải nhìn rộng ra để thấy người lao động của ta đang sống quá khổ. Quá trình đào thải lao động xuất hiện trên thế giới thế kỷ 19, Việt Nam đang bắt đầu: người lao động ngưỡng 40 tuổi bị đào thải. Họ vào DN tay trắng và ra đi tay trắng”.
Sau "thất bại" của phiên họp thứ 2, Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất tổ chức cuộc họp lần thứ 3 vào ngày 3/9 để tìm ra phương án tăng lương. Nếu thương lượng không đạt được, Chủ tịch Hội đồng tiền lương sẽ quyết định phương án tư vấn để trình Chính phủ./.
Theo VOV