Tủa Chùa: Bản Huổi Lực 1 xã Mường Báng gian khó tái định cư
Điện Biên TV - Sau gần 9 năm rời Pắc Na về định cư tại bản Huổi Lực 1 (xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa), người dân tái định cư vẫn bị trong cảnh thiếu ăn, thiếu nước.
Điệp khúc… thiếu lương thực
Trở lại khu tái định cư Huổi Lực, khác với điều chúng tôi mường tượng về cuộc sống sung túc ấm no như ở nhiều khu tái định cư khác trên địa bàn huyện Tủa Chùa, vẫn những mái nhà sàn san sát nhưng khung cảnh khá lặng lẽ, đìu hiu. Hỏi thăm đường vào nhà Trưởng bản Huổi Lực 1, Cháng A Giàng, cậu bé hơn chục tuổi chỉ tay về phía bãi đất khá bằng phẳng, xôn xao tiếng người, tiếng máy xúc sình sịch. Hóa ra hôm nay Trưởng bản Giàng thuê máy xúc cải tạo 3.000m2 đất bãi, đắp bờ chuẩn bị sản xuất.
Gia đình ông Cháng A Giàng, Trưởng bản Huổi Lực 1 thuê máy xúc cải tạo đất màu để sản xuất |
Khi chúng tôi hỏi về cuộc sống của người dân tái định cư Huổi Lực 1, ông Giàng thở dài: Chuyển về tái định cư nơi đây đã 9 năm rồi nhưng cuộc sống của bà con giờ vẫn khó khăn lắm. Chính sách tái định cư đã hết, đất ruộng, bãi màu dù được chia nhưng nhiều hộ thiếu lương thực vì hầu như sản xuất vụ nào cũng thiếu nước. Quá nửa diện tích bãi màu được chia cho các hộ tái định cư nhưng đến nay bà con đều bỏ hoang vì đất đai bạc màu, năng suất cây trồng thấp. Ông Giàng khoát tay một vòng chỉ sang diện tích bãi màu rộng chừng 15ha đã bị bỏ hoang, chỉ có trâu, bò tha thẩn gặm cỏ, rồi kể: Trước đây bà con đã tra ngô, gieo lúa trên bãi này nhưng vì đất bạc màu, năng suất thấp nên sinh chán nản mà bỏ dần. Vụ này một vài hộ bỏ rồi vụ sau nhà khác thấy vậy cũng bỏ theo. Vì có làm mà không rào giậu, gia súc phá hoại, mất toi công gieo trồng, chăm sóc. Vài ba vụ nay khu đất bãi trồng màu đã bỏ hoang, không người sản xuất. Diện tích ruộng trồng lúa chia cho người dân tái định cư cũng chả mấy khả quan khi phụ thuộc vào nước trời. Vụ đông xuân vừa qua, phần lớn diện tích gieo cấy lúa của các gia đình trong bản Huổi Lực 1 đều rơi vào cảnh thất thu vì nắng hạn, thiếu nước sản xuất. Ông Giàng liệt kê hàng loạt số hộ thiếu lương thực, cuộc sống khó khăn, như các gia đình: Cháng A Chớ, Quàng Văn Chung, Thào A Lờ, Sàn Văn Hòa… Bản có 45 hộ thì có tới 17 hộ nghèo. Trung bình, mỗi hộ thiếu đói từ 4 - 5 tháng/năm.
Anh Quàng Văn Chung, bản Huổi Lực 1, xã Mường Báng thu hoạch ngô |
Theo tay trưởng bản Giàng chỉ, chúng tôi tìm đến nhà anh Sàn Văn Hòa – hộ nghèo của bản. Trong ngôi nhà chống hoác chẳng có vật dụng gì đáng giá, vài ba bao thóc, ngô mới thu hoạch về để ngổn ngang nơi góc bếp. Anh Hòa cho biết: Nhà có 4 khẩu, từ Pắc Na chuyển về khu tái định cư Huổi Lực 1 năm 2006, được Nhà nước chia 1.400m2 sản xuất lúa 2 vụ nhưng năm nào cũng thiếu lương thực từ 3 – 5 tháng. Vụ đông xuân vừa rồi lúa mất mùa vì nắng hạn, chỉ thu được 5 bao thóc nhưng quá nửa lửng lẫn lép, nên số tháng thiếu đói sẽ tăng lên nhiều so với những năm trước.
Cách nhà anh Hòa chừng 500m là hộ của anh Quàng Văn Chung cũng rơi vào cảnh thiếu lương thực. Vai đeo túi chuẩn bị xuống bãi trước nhà bẻ ngô, anh Chung bảo: Kể khổ thì bảo nói nhiều nhưng cứ xuống tận bãi nhìn bắp ngô mới biết bà con khổ! Lội qua vũng sình lầy ven đường sau trận mưa, điều anh Chung nói quả không sai khi bãi ngô chừng 500m2 vào vụ thu hoạch thân còi cọc. Với tay bẻ bắp tước vỏ, bắp ngô nhỏ thó hạt ít. Anh Chung bảo, đều đất dốc bạc màu, thiếu nước mà ra. Lúc chuyển về khu tái định cư Huổi Lực 1 này nhà có 3 khẩu được chia 700m2 ruộng 2 vụ/khẩu, được chia cả đất trồng màu nhưng do thiếu nước nên năng suất lúa thấp, diện tích đất màu gia đình cũng bỏ vì bạc màu. Vụ này chỉ trồng ngô được 500m2 thôi. Năm nào gia đình tôi cũng thiếu lương thực từ 2 - 3 tháng, chịu khó tằn tiện, co kéo làm thuê khi nông nhàn nên có thêm tiền mua gạo. Năm 2012, anh Chung vay 20 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tủa Chùa nuôi trâu sinh sản nhưng trâu mắc bệnh chết nên từ chỗ thoát nghèo gia đình anh Chung lại tái nghèo! Anh Chung cho biết, thiếu nước sản xuất vụ đông xuân vừa qua gia đình tôi cấy 2.100m2 lúa nhưng chỉ thu về 2 – 3 bao thóc. Trừ chi phí chả đủ tiền mua phân bón, công chăm sóc, thu hoạch. Anh Chung thở dài: Vợ sinh thêm 1 con giờ hộ thành 4 khẩu, trồng lúa thất thu, trồng ngô năng suất thấp chả biết đến khi nào mới đủ ăn, thoát cảnh đói nghèo!
Mong mỏi nước về
Vẫn lời anh Quàng Văn Chung kể: Trước đây ở Pắc Na làm nghề đánh cá có thêm thu nhập, nhưng chuyển về Huổi Lực 1 không có nghề phụ, làm nông nghiệp khó quá. Năm nào cũng vậy, cứ đợi hết mùa mưa tôi lại vào Mường Nhé phụ hồ, dựng nhà kiếm tiền mua thóc gạo. Đi làm thuê xa, chủ nuôi ăn ở, mình tằn tiện được tiền gửi về mua thóc gạo cho vợ con. Nhưng vì việc lúc có lúc không nên thu nhập cũng thất thường lắm… Không chỉ anh Chung mà anh Hòa và không ít đàn ông ở Huổi Lực 1 đều phải đi xa làm thuê kiếm sống.
Bãi đất màu được chia cho người dân khu tái định cư Huổi Lực 1 giờ bỏ hoang |
Khi hỏi nguyện vọng của bà con, chục lời như một ai nấy đều trả lời chỉ mong có nước để cấy lúa, trồng ngô. Dù đất sản xuất đã được chia, bà con được hỗ trợ một phần về giống, được chuyển giao khoa học kỹ thuật nhưng thiếu nước thì vẫn muôn phần khó khăn. Trưởng bản Huổi Lực 1 Cháng A Giàng cho biết: Rất nhiều lần tại các cuộc họp bản, tiếp xúc cử tri các cấp, bà con đều đề nghị Nhà nước xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi; cải tạo, sửa chữa tích nước cho hồ Sông Ún đưa nước về đồng ruộng giúp bà con sản xuất. Thiếu nước mãi thế này chả biết đến khi nào mới hết thiếu lương lực, thoát đói nghèo.
Đem tâm tư, nguyện vọng của người dân khu tái định cư Huổi Lực 1 chia sẻ với lãnh đạo huyện Tủa Chùa, chúng tôi được biết: Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất cho người dân, tháng 5 vừa qua công trình xử lý kỹ thuật thủy lợi hồ Sông Ún được thi công với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo nước sản xuất cho 30ha tại cánh đồng Mường Báng. Đến thời điểm này, khoảng 40% khối lượng công trình đã hoàn thành (phần tuyến ống, kênh dẫn 1,6km), còn lại cụm đầu mối đang tiếp tục thi công. Dự kiến tháng 12/2015 công trình sẽ hoàn thành sẽ giúp bà con khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất.
Minh Thùy