Ngày mới trên căn cứ cách mạng Sa Dung
Điện Biên TV - Tự hào là vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông đã cùng nhau đoàn kết, cố gắng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bộ mặt nông thôn đổi thay đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc được nâng lên; bộ mặt nông thôn niềm núi ngày càng khởi sắc.
Năm 2014, bình quân lương thực đạt trên 450kg/người/năm. |
Trong những ngày tháng 8 lịch sử chúng tôi có dịp trở lại xã Sa Dung – nơi căn cứ cách mạng của tỉnh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đến Sa Dung hôm nay chúng tôi được chứng kiến những nét đổi thay khá toàn diện của vùng đất cách mạng gian khó nhưng cũng rất hào hùng năm xưa. Những ngôi nhà truyền thống của đồng bào Mông nằm ẩn mình bên những cánh rừng xanh làm cho bức tranh nông thôn niềm núi với nhiều gam màu khởi sắc. Nhiều công trình trường học, trạm y tế xã đã được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập và khám chữa bệnh cho nhân dân. Trao đổi với lãnh đạo xã Sa Dung được biết: "Mặc dù là địa danh cách mạng nhưng chỉ cách đây không lâu cuộc sống của người dân Sa Dung vẫn còn nhiều khó khăn vất vả với trên 80% số hộ thuộc diện nghèo đói; kinh tế của người dân chỉ phụ thuộc vào những nương ngô, nương lúa, sản xuất hoàn toàn dựa vào thời tiết, năng suất thấp. Vào những năm mất mùa thì có khi trên 90% số hộ phải nhờ vào sự cấp gạo cứu đói của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của những năm về trước, giờ đây được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó của đồng bào dân tộc đời sống của người dân Sa Dung đã có nhiều thay đổi."
Năm nay đã gần 80 tuổi, ông Lầu Sếnh Súa một già làng, một lão thành cách mạng ở bản Sa Dung B, xã Sa Dung là người chứng kiến và trải qua những đổi thay từng ngày của người dân nơi đây. Ông cho biết: "Từ cuộc sống đói nghèo, không đủ ăn, không đủ mặc xưa kia, giờ đây cuộc sống của người dân Sa Dung đã được nâng lên, tỷ lệ hộ gia đình có kinh tế khá và giàu tăng theo từng năm, cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, các công trình công cộng được đầu tư xây dựng khang trang, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc."
Tự hào là căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong những năm qua, đồng bào các dân tộc xã Sa Dung luôn một lòng sắt son theo Đảng, theo Bác Hồ, nỗ lực đoàn kết vượt qua khó khăn xây dựng quê hương ngày một phát triển. Xác định nguyên nhân của đói nghèo là lạc hậu, thụ động, trông chờ ỷ lại, do vậy Đảng bộ, chính quyền và đồng bào dân tộc trong xã đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ cách làm lạc hậu, nhỏ lẻ sang áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi các loại cây trồng truyền thống năng suất và hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng mới có năng suất và sản lượng cao hơn. Bên cạnh đó, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách ưu tiên tới đồng bào dân tộc như: Chương trình 30a của Chính Phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, chương trình 134, 135... Từ sự quan tâm đó đã đầu tư cho xã nhiều công trình phúc lợi, phát triển kinh tế như: Đầu tư trường lớp học, các công trình thủy lợi, đường giao thông; hỗ trợ người dân về giống cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Hiện trên 90% dân số của xã được tiếp cận với các hoạt động thông tin giải trí trên truyền hình |
Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với sự nỗ lực vượt khó của đồng bào các dân tộc trong xã trong cuộc chiến chống lại đói nghèo lạc hậu đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ những suy nghĩ, thụ động trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ đầu tư của Đảng, Nhà nước, giờ đây người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, xã đã có trên 130ha ruộng nước, trên 500ha chuyên canh trồng ngô. Năm 2014, tổng sản lượng lương thực cây có hạt của xã đạt gần 2.000 tấn, bình quân lương thực đạt trên 450kg/người/năm. Nếu trồng trọt mang lại cho người dân tránh được cái đói, với diện tích lớn, địa hình phong phú chính quyền xã đã vận động nhân dân tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm cải thiện cuộc sống gia đình. Do vậy, chăn nuôi của xã những năm qua đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo. Xã đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung và trang trại vừa và nhỏ, với mức thu nhập trung bình năm từ 50 – 70 triệu đồng/năm. Nếu những năm trước người dân chỉ sản xuất theo lối truyền thống thì nay nhiều người dân đã mua sắm được máy nông cụ để phục vụ sản xuất. Những phương tiện giao thông như: mua xe máy, ô tô làm phương tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa nhanh hơn, thuận lợi hơn đã không còn xa lạ với người dân nơi đây. Cũng từ đó mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã từng bước được nâng lên; tỷ lệ hộ đói nghèo của xã đã giảm xuống từ trên 60% xuống còn gần 50% trong năm 2014. Hiện 100% số hộ của xã mua sắm được xe máy, trên 90% dân số được tiếp cận với các hoạt động thông tin giải trí trên truyền hình; người dân đã được tiếp cận với dịch vụ y tế, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Đặc biệt, xã duy trì tốt công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi.
Ông Vừ Sua Dày, Chủ tịch UBND xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông cho biết: "Đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo sát sao cho nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là khai hoang ruộng bậc thang, bảo vệ rừng. Đồng thời, xã cũng chỉ đạo bà con nhân dân trồng các loại cây có năng suất cao như ngô, lúa. Đến nay, hầu hết người dân trong xã đã bớt khó khăn hơn trước rất nhiều."
Là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh trong kháng chiến chống Pháp, trong những ngày khó khăn gian khổ đó nhân dân Sa Dung đã dành dụm từng hạt thóc, củ khoai, hạt ngô nuôi dấu cán bộ. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ người dân trong xã lại đóng góp sức người, sức của và cung cấp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm cho bộ đội; đã có hàng trăm người con trong xã hăng hái lên đường nhập ngũ và có người hy sinh, bỏ lại xương máu nơi chiến trường để dành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Hơn 70 năm trôi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Sa Dung luôn một lòng son sắt theo Đảng, khắc phục nhiều khó khăn tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no. Sa Dung hôm nay đã khác trước rất nhiều, một cuộc sống mới đang hiện diện trên khắp các bản làng. Đồng bào các dân tộc trong Sa Dung vẫn tin Đảng, tin Bác Hồ và niềm tin đó đang được đồng bào dân tộc nơi đây biến thành những hành động, việc làm cụ thể tiếp tục đoàn kết xây dựng nơi căn cứ cách mạng ngày một giàu đẹp./.
Duy Linh