Điện Biên: Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Điện Biên TV - Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng nỗi đau của chiến tranh vẫn ám ảnh biết bao số phận cho đến tận bây giờ. Thảm họa da cam, dioxin đã để lại những hệ quả khôn lường tới sức khỏe của nhiều thế hệ. Những đứa con, đứa cháu sinh ra bị dị tật mang những nỗi đau thể xác và tinh thần như càng xoáy sâu thêm nỗi đau của những người cựu chiến binh đã hi sinh một phần xương máu cho độc lập, tự do của tổ quốc. Bởi vậy, để tri ân công lao, đóng góp của những người cựu chiến binh, xoa dịu nỗi đau dai dẳng của chất độc hóa học rất cần những tấm lòng quan tâm, sẻ chia trong cộng đồng, xã hội.
Theo các tài liệu đã được công bố trong 10 năm từ năm 1961 – 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống chiến trường khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất độc da cam chứa 366 kg dioxin |
Chất dioxin được xem là một trong những độc chất nguy hiểm nhất được con người tạo ra và biết đến cho đến hiện nay. Hàng trăm nghiên cứu đã chứng minh dioxin trong thành phần của chất độc màu da cam là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại ung thư như ung thư máu, ung thư phổi, gây dị tật, dị dạng bẩm sinh, tác động đến hệ nội tiết, hệ miễn dịch.v.v. Mặc dù đã được cảnh báo về những hậu quả khôn lường khi sử dụng các loại hóa chất có chứa dioxin nhưng trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, quân đội Mỹ vẫn sử dụng các loại hóa chất này với số lượng lớn. Theo các tài liệu đã được công bố trong 10 năm từ năm 1961 – 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống chiến trường khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất độc da cam chứa 366 kg dioxin. Hậu quả để lại là hàng triệu ha rừng bị triệt hạ, nguồn nước, đất bị đầu độc và kéo dài hàng chục năm. Chất độc da cam/dioxin khiến 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm và có hơn 3 triệu nạn nhân trong đó có nhiều nạn nhân là con, cháu thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3. Tại tỉnh Điện Biên, mặc dù không phải là chiến trường trực tiếp trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước nhưng nhiều cựu chiến binh hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam và bị nhiễm chất độc hóa học.
Theo số liệu thống kê trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện nay có 245 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin trong đó có 184 người trực tiếp tham gia chiến đấu. Ngoài ra, còn 39 người bị ảnh hưởng của chất độc da cam là con, cháu thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 |
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện nay có 245 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin trong đó có 184 người trực tiếp tham gia chiến đấu. Ngoài ra, còn 39 người bị ảnh hưởng của chất độc da cam là con, cháu thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3. Trong đó có rất nhiều gia đình hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn. Chính vì vậy, việc thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi của nhà nước cũng hỗ trợ giúp đỡ tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các gia đình nạn nhân chất độc da cam xoa dịu đi nỗi đau. Từ năm 2011, hoạt động tập hợp hội viên, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã được những người có tâm huyết thực hiện. Và ngày 14/1/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định số 24/QĐ – UBND về việc thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Điện Biên. Đi vào hoạt động trong điều kiện khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn quỹ hoạt động hạn hẹp. Tuy nhiên, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các ban ngành địa phương, sự hỗ trợ Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và đặc biệt là các tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã thực sự trở thành nơi tập hợp, đoàn kết và là chỗ dựa vững chắc cho các hội viên.
Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Điện Biên cho biết: Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Điện Biên là một tổ chức xã hội có tính chất đặc thù của những nạn nhân chất độc da cam và những cá nhân tự nguyện hoạt động đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, Hội được thành lập nhằm mục đích huy động mọi tiềm năng của xã hội, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tạo mọi điều kiện giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam khắc phục khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Gia đình cựu chiến binh Lê Xuân Chinh ở đội 4 xã Thanh yên huyện Điện Biên. Như bao cựu binh khác, sau chiến tranh ông cùng gia đình từ quê Thái Bình lên Điện Biên lập nghiệp. Trở về với cuộc sống thường nhật ông tâm niệm mình đã may mắn hơn rất nhiều đồng đội phải nằm lại chiến trường nên ông rất nỗ lực trong lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chiến tranh, sức khỏe giảm sút nên cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Ông được mọi người biết đến nhiều hơn khi là nhân vật chính trong bức ảnh nổi tiếng “nụ cười chiến thắng” của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính chụp tại thành cổ Quảng Trị năm 1972. Nhưng ít người biết rằng đứa cháu nội duy nhất của ông bị dị dạng do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin. Cô bé Lê Đinh Bảo Ngọc năm nay đã được 7 tuổi nhưng người nhỏ thó, chân tay co quắp không thể đi lại, không tự ăn uống chăm sóc bản thân và cũng không nói được. Mặc dù đã đưa cháu đi khám, điều trị vật lý trị liệu ở nhiều nơi nhưng không có tiến triển gì. Thật khó có thể diễn tả hết nỗi đau của ông khi thấy con cháu mình như vậy nhưng ông vẫn luôn tự động viên bản thân mình và các thành viên trong gia đình cố gắng vượt qua hoàn cảnh éo le xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cô bé Lê Đinh Bảo Ngọc cháu nội duy nhất cựu chiến binh Lê Xuân Chinh ở đội 4 xã Thanh yên huyện Điện Biên năm nay đã được 7 tuổi nhưng người nhỏ thó, chân tay co quắp không thể đi lại, không tự ăn uống chăm sóc bản thân và cũng không nói được. Mặc dù đã đưa cháu đi khám, điều trị vật lý trị liệu ở nhiều nơi nhưng không có tiến triển gì |
Ông Lê Xuân Chinh – Đội 4 xã Thanh Yên – huyện Điện Biên cho biết: Trước khi đi làm nhiệm vụ chiến trường về không nghĩ là bản thân mình đến đời con đời cháu mình bị ảnh hưởng. Đến khi các cháu lập gia đình sinh con bị tật nguyền mới biết thời kỳ tham gia chiến trường bị nhiễm chất độc màu da cam ảnh hưởng đến con cháu. Bản thân ông vẫn tự động viên mình vẫn còn may mắn được trở về với gia đình nhiều đồng đội, đồng chí của ông đã nằm lại chiến trường.
Tương tự như cựu chiến binh Lê Xuân Chinh, cựu chiến binh Đàm Ngọc Quang quê ở Vũ Thư Thái Bình. Năm 1968 nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc ông lên đường nhập ngũ và chiến đấu khắp các chiến trường từ Quảng Trị, Nam Lào, Tây Nguyên…Đến năm 1976 ông giải ngũ trở về quê và sau đó đưa cả gia đình lên Điện Biên làm kinh tế mới. Cuộc sống cứ vậy yên bình trôi đi. Rồi cả hai vợ chồng ông vui mừng đón chào sự ra đời của cậu con trai cả Đàm Văn Hưng. Khi còn nhỏ Hưng cũng như bao bạn bè cùng trang lứa khác cũng vui chơi, học hành nhưng càng lớn lại càng tỏ ra lầm lì. Đến nay, mặc dù đã 40 tuổi nhưng anh chẳng khác nào một đứa trẻ nhỏ cho ăn thì biết ăn, cho mặc thì biết mặc. Sau này ông mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và nó đã ảnh hưởng đến những người con của ông. Ngoài anh Hưng những người con khác của ông cũng bị ảnh hưởng ở mức độ nhẹ hơn người bị dị tật mắt, người sức khỏe không đảm bảo. Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng nỗi đau để lại cho gia đình ông là quá lớn.
Dù mới chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2015 nhưng đến nay Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cũng đã vận động quyên góp được gần 240 triệu đồng từ 43 tổ chức, cá nhân hảo tâm. Từ số tiền này hội đã trao các suất quà cho gia đình hội viên nhân dịp lễ, tết…thăm hỏi, hỗ trợ ủng hộ các gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn |
Không chỉ gia đình ông Chinh, ông Quang mà hàng trăm gia đình cựu chiến binh khác đã và đang phải gánh chịu nỗi đau tinh thần, thể xác do chất độc da cam/ dioxin gây ra. Trong đó có hàng chục gia đình những nạn nhân là thế hệ con, cháu cũng phải gánh chịu nỗi đau này. Không những vậy, các gia đình nạn nhân chất độc da cam thường có hoàn cảnh hết sức khó khăn do sức khỏe bị suy giảm, nhiều người không còn khả năng lao động, phải chịu gánh nặng đến từ những người con, người cháu bị dị tật. Tại tỉnh Điện Biên trên 80% số hộ gia đình nạn nhân da cam sinh sống ở nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30%. Nhiều nạn nhân cả bố và mẹ đã mất phải trông chờ vào sự cưu mang của cô chú, anh chị. Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thực sự là “những người đau khổ nhất trong những người đau khổ, những người nghèo nhất trong những người nghèo”. Chính vì vậy sự quan tâm, sẻ chia, hỗ trợ đến từ cộng đồng xã hội để các nạn nhân vượt qua nỗi đau da cam là hết sức cần thiết và đáng trân trọng. Trong thời gian qua, cùng với các chính sách quan tâm, đãi ngộ của Đảng và nhà nước, các cấp các ngành, các tổ chức xã hội và tấm lòng hảo tâm gần xa đã có những việc làm hết sức thiết thực, cụ thể để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đặc biệt, dù mới chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2015 nhưng đến nay hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cũng đã vận động quyên góp được gần 240 triệu đồng từ 43 tổ chức, cá nhân hảo tâm. Từ số tiền này hội đã trao các suất quà cho gia đình hội viên nhân dịp lễ, tết…thăm hỏi, hỗ trợ ủng hộ các gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Gia đình Hội viên Lê Đức Hòa ở tổ 24 Phường Tân Thanh thành phố Điện Biên Phủ vừa qua đã được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây căn nhà mới. Mặc dù số tiền không phải là quá lớn nhưng nó mang ý nghĩa hết sức sâu sắc giúp gia đình ông vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống. |
Những sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời từ cộng đồng là đáng quý nhưng vẫn còn khiêm tốn so với những hi sinh, mất mát mà gia đình các nạn nhân chất độc da cam/dioxin phải gánh chịu trong nhiều năm qua. Vì vậy, trong thời gian tiếp theo căn cứ theo tôn chỉ, mục đích hoạt động, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động cụ thể hơn nữa để huy động mọi tiềm năng, nguồn lực của xã hội, tranh thủ tấm lòng hảo tâm của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước giúp đỡ nhiều hơn cho các gia đình hội viên nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Cố gắng vượt lên trên nỗi đau bằng tinh thần nghị lực và tình yêu cuộc sống nhưng trong thực tế gia đình các nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh ta vẫn phải đối mặt với muôn vàn những khó khăn cả về vật chất và tinh thần. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết cần sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất, quan tâm động viên về tinh thần của cả cộng đồng xã hội. Từ đó góp phần xoa dịu nỗi đau da cam và cũng là hành động thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn tri ân những người đã đổ xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chu Linh – Duy Hưng