Điện Biên: Bài học từ trận lũ quét ở Tuần Giáo
Điện Biên TV - Trận mưa lớn đêm 31/7 ở huyện Tuần Giáo vừa qua, gây nên lũ ống, lũ quét trên diện rộng ở nhiều xã, thị trấn. Trận lũ làm thiệt hại đáng kể về tài sản, hàng hóa, đe dọa tính mạng người dân ở cộng đồng dân cư. Dẫu biết rằng phải sống chúng với lũ, nhưng mùa mưa lũ năm nay ở Tuần Giáo làm cho con người có nhận thức, hiểu biết và phòng tránh thiên tai một cách nghiêm túc hơn. Sau cơn lũ, cấp ủy, chính quyền các xã và huyện đã cùng người dân chung tay khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Nguyên nhân gây lũ thì nhiều nhưng một phần do yếu tố con người, và hậu quả là con người phải gánh chịu.
Bà Trần Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, cơ quan thường trực Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ huyện Tuần Giáo, cho biết: Trận mưa lũ đã làm thiệt hại lớn về công trình hạ tầng cơ sở, ước trị giá gần 90 tỷ đồng; 454ha lúa vụ mùa bị vùi lấp, ngập nước, xói lở ước thiệt hại 10,3 tỷ đồng; 20 con trâu, bò, dê bị nước cuốn trôi; 285 nhà ở của người dân bị thiệt hại. Điều đáng ngạc nhiên là thị trấn Tuần Giáo là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất. Có 116 nhà bị ảnh hưởng, 23 nhà bị ngập lụt, 1 nhà bị đổ; 68 xe máy, 55 ti vi, 7 tủ lạnh bị ngập chìm trong nước và cuốn trôi. Có nhiều nguyên nhân gây nên lũ ống, lũ quét ở thị trấn Tuần Giáo nhưng theo phản ánh của một bộ phận dân cư do lòng suối Huổi Củ bị lấn chiếm, dòng chảy bị thu hẹp, nước tiêu thoát chậm.
Ngày 10/8, chúng tôi cùng anh Lê Văn Sĩ, cán bộ địa chính - xây dựng Thị trấn Tuần Giáo đi thực tế suối Huổi Củ, đoạn chảy qua khu dân cư khối Tân Tiến (thị trấn Tuần Giáo) để tìm hiểu thực tế hậu quả do trận lũ gây nên.
Gia đình chị Vũ Thị Mai bị nước suối làm sập đổ tường nhà, cuốn trôi nhiều đồ dùng sinh hoạt, cây trong vườn, bếp, công trình vệ sinh bị nước lũ làm hư hỏng, đất đá vùi lấp. Hiện nay vợ chồng chị Mai phải đi ở nhờ nơi khác.
Gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng và một số hộ khác bị nước lũ làm xói lở phía sau nhà. Gia đình anh Đỗ Sĩ Dương bị trôi phụ tùng, hàng chục xe máy, đồ dùng sinh hoạt khác. Nhiều gia đình khu dân cư khối Tân Tiến bị nước lũ ngập trong nhà từ 0,50 - 1,4m, hàng hóa, phương tiện đồ dùng sinh hoạt, ao, vườn... bị bùn đất, nước lũ làm hư hỏng.
Tuy nhiên, điều làm chúng tôi băn khoăn là lòng suối Huổi Củ nhiều đoạn rất hẹp, dòng chảy uốn lượn quanh co. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nước từ đầu nguồn với khối lượng lớn chảy xuống không tiêu thoát kịp. Phải chăng, một số hộ khu vực này đã lấn chiếm lòng suối xây tường bao, làm nhà ở, làm đất vườn...
Nhà ở của anh Đỗ Sĩ Dương (khối Tân Tiến) chưa có giấy phép xây dựng, nhưng xây sát suối Huổi Củ Lòng suối Huổi Củ bị thu hẹp phải chăng do các hộ xây lấn chiếm |
Khi phóng viên đề nghị anh Đỗ Sĩ Dương (khối Tân Tiến), gia đình bị thiệt hại nhiều nhất trong cơ lũ vừa qua, có nhà ở bên cạnh suối, cho xem giấy phép xây dựng nhà ở với mục đích kiểm tra diện tích xây dựng nhà ở của anh Dương với diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có trùng khớp nhau không.
Anh Đỗ Sĩ Dương, khối Tân Tiến, huyện Tuần Giáo cho biết: Gia đình tôi xây nhà đã mấy năm, vừa để ở và kinh doanh nhưng chưa được cấp giấy phép xây dựng. Nhà và đất gia đình đang ở, vợ chồng tôi mua của 2 chủ, gửi hồ sơ sang Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất làm thủ tục sang tên chính chủ. Nhưng cơ quan chuyên môn chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính chủ cho gia đình tôi, Vì thế, gia đình cũng chưa được cấp giấy phép xây dựng nhà ở.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Lò Văn Quân, Phó trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường, phụ trách Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Tuần Giáo, cho biết: Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của gia đình anh Đỗ Sĩ Dương không hợp lệ nên cơ quan không làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Gia đình anh Dương và một số hộ khác trong khối dân cư Tân Tiến có lấn chiếm diện tích đất lòng suối Huổi Củ để xây dựng nhà ở hay không? Câu hỏi này nhường quyền trả lời cho các cơ quan chức năng huyện Tuần Giáo. Được biết, hiện nay thị trấn Tuần Giáo có nhiều suối nhỏ, cống thoát nước chảy qua nhiều địa bàn dân cư. Nếu dòng chảy của các suối, cống thoát nước không được khơi thông, trả lại mặt bằng như ban đầu của nó, lo ngại rằng khi có mưa lớn, nước không kịp tiêu thoát, tình trạng lũ ống, lũ quét cục bộ sẽ xảy ra, gây thiệt hại lớn về tài sản, đe dọa tính mạng con người ở cộng đồng dân cư.
Hậu quả để lại do trận lũ ống, lũ quét xảy ra ở thị trấn Tuần Giáo vừa qua cần được chính quyền các cấp, người dân xem xét nhìn nhận, đánh giá nguyên nhân một cách nghiêm túc, có phương án phòng chống tích cực, nếu không hậu quả khôn lường mà con người phải gánh chịu.
Tiến Dũng