Chuyện ở Huổi Min

Chủ Nhật, 09/08/2015, 09:15 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trước năm 2005, Huổi Min chưa có tên trong danh sách quản lý hành chính của bất kỳ xã, phường nào. Vì vậy, 100% người dân không có hộ khẩu, giấy khai sinh… Năm 2006, đợt bầu cử Quốc hội diễn ra, một số người dân xuống phường Sông Đà xin bỏ phiếu và lúc này chính quyền mới biết đến sự “tồn tại” Huổi Min và từ đó bản mới “có tên” trong danh sách quản lý của phường Sông Đà, TX. Mường Lay. Giờ đây, cuộc sống của người dân đã khá hơn nhiều, trẻ sinh ra có giấy khai sinh, được đến trường, lớp... Đặc biệt, Huổi Min nay là bản điển hình của phường về không có tệ nạn xã hội.

c
Một góc bản Huổi Min, phường Sông Đà, thị xã Mường Lay.

 

Từ những người xin được bầu cử

Nhắc đến bản Huổi Min, nhiều người dân phường Sông Đà đến nay vẫn không biết có từ khi nào, chỉ nghe nói có một bản người dân tộc Mông sống ven sông Đà cách khu vực Đồi Cao chừng 20km. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Sông Đà cho biết: Đợt bầu cử Quốc hội năm 2006, có 20 người dân xuống UBND phường Sông Đà xin được bầu cử. Họ nói sống cách khu vực Đồi Cao nửa ngày đường rừng. Sau đợt bầu cử, chúng tôi cử người đi xác minh, kiểm tra thông tin có chính xác hay không và đúng là cách khu vực đồi cao chừng 20km có một số hộ dân người dân tộc Mông sinh sống. Sau khi xác minh đúng thông tin, phường đã báo cáo lên thị xã và cấp tỉnh xin ý kiến. Anh Cường giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Lầu A Dính, người có uy tín trong bản và tiên phong trong việc thành lập bản.

Rời trụ sở UBND phường Sông Đà, chúng tôi men theo sườn núi gần 3 giờ đồng hồ mới đến được Huổi Min. Nghe chúng tôi giới thiệu là nhà báo, ông Lầu A Dính (người dẫn đầu đoàn công dân Huổi Min đến UBND phường Sông Đà xin bầu cử năm 2006) chỉ tay về phía con đường và nói: “Bây giờ nhà báo đi được xe máy là tốt lắm rồi. Trước đây, muốn vào bản chỉ bằng cách cuốc bộ theo đường rừng, đường sông thôi. Bây giờ có đường đi lại thuận tiện nên bà con vui lắm”. Trong căn nhà mái gianh xiêu vẹo vì trải qua thời gian với nhiều thế hệ sinh sống, ông Dính giới thiệu, 100% dân bản là người dân tộc Mông. Rồi ông tự hào kể về lịch sử hình thành của bản mình: Khi chúng tôi sinh ra đã ở đây rồi, không biết người dân sống ở đây từ bao giờ, chỉ nghe các thế hệ ông bà trước kể lại rằng trước đây thuộc bản Nậm Pồ, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chuyển về sinh sống. Bố mẹ tôi là những người “khai sinh lập địa” nên mảnh đất này, dần dần số hộ chuyển đến ngày càng đông hơn. Sau khi tách tỉnh Lai Châu cũ (năm 2004) thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu thì Huổi Min lại không thuộc tỉnh nào quản lý. Thế nhưng, trước khi tách tỉnh thì Huổi Min cũng chưa có “giấy khai sinh chính thức”, bởi không một ai biết đến nơi đó có người dân sinh sống. Chính vì vậy, nên tất cả người dân ở đây đều không có giấy tờ tùy thân gì, từ chứng minh thư, sổ hộ khẩu… đến giấy khai sinh cũng không. Cứ như thế, quy luật vòng tròn của người dân Huổi Min là sinh ra và lớn lên, ngày này qua ngày khác lên nương hái rau, xuống sông bắt cá sống qua ngày.

Với ông Dính là thế hệ sau này, ông hiểu cuộc sống của người dân khổ như thế nào khi không được sự quan tâm của mọi người, chính quyền. Tâm sự với chúng tôi, ông Dính cho biết: “Những lần có việc ra ngoài bản, nhiều người hỏi là người ở đâu, mình cũng không biết trả lời thế nào, chỉ nói vu vơ”. Xuất phát từ những lần như vậy, ông Dính cho rằng cuộc sống không thể không có bản, dưới sự quản lý của chính quyền. Chính vì vậy, nên đợt bầu cử Quốc hội năm 2006, ông Dính đã thống nhất với 20 người xin bỏ phiếu với mong muốn được mọi người biết đến sự tồn tại của bản mình, quan tâm, giúp đỡ đến đời sống của người dân nơi đây, chứ không cuộc sống của người dân Huổi Min quanh năm chỉ đói và nghèo. Rồi nguyện vọng của người dân Huổi Min cuối cùng cũng “thấu”. Đầu năm 2008, được sự thống nhất giữa hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, UBND tỉnh Điện Biên đã có Quyết định 81/QĐ-UBND về việc thành lập bản Huổi Min thuộc phường Sông Đà, thị xã Mường Lay với 10 hộ và 61 nhân khẩu. Với ông Dính và tất cả người dân Huổi Min thì ngày 23/1/2008 là một ngày không thể quên khi được nghe quyết định thành lập bản. Đến nay, mọi người vẫn thường kể cho con cháu về “ngày” quan trọng này. Hỏi thông tin về bản từ bất cứ người dân nào trong bản, họ đều có thể đọc vanh vách “ngày tháng năm sinh” của bản mình. Để cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bản mình, ông Dính kể lại: “Ngày hôm đó, bà con vui lắm. Hộ góp rau, măng, người thì góp cá… để liên hoan. Mọi người cùng nhau múa hát cho tới sáng”.

… trở thành những người điển hình

Qua 8 năm, kể từ khi bản Huổi Min được công nhận chính thức đến nay, bản tăng lên 14 hộ, 93 nhân khẩu. Song Huổi Min vẫn còn nghèo khó. Có lẽ vì ý thức được sự nghèo nàn nên người Huổi Min rất cần cù chịu khó. Đặc biệt, trong câu chuyện với trưởng bản Lầu A Sò, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay nơi vùng đất này. Đó là khi ánh nắng mặt trời chưa dựng đứng, ven bờ Đà Giang đã nhộn nhịp, sôi động hẳn lên. Hàng chục chiếc thuyền nằm gối bãi, dập dềnh theo sóng nước. Mọi người tất bật với công việc của mình. Đàn ông, thanh niên trai tráng lên thuyền chuẩn bị cho một ngày đánh bắt thủy sản, một số người mang nhiên liệu, quét dọn xuồng sạch sẽ chuẩn bị cho chuyến đi. Phụ nữ, con gái thì cặm cụi chuẩn bị quần áo, nông cụ lên nương.

x
Hai người cháu nội của ông Dính thay bố mẹ xay ngô để chăn nuôi.

 

Những năm qua, Huổi Min cũng được thụ hưởng Chương trình 167/CP. Nhờ đó, 100% hộ gia đình được làm nhà ở kiên cố, học sinh trong độ tuổi đều đến trường. Trước đây, người dân Huổi Min quanh năm dựa vào nương, sông hồ để sống, phương thức canh tác lạc hậu theo kiểu “chọc lỗ, tra hạt”, nhưng nay họ đã biết chăn nuôi, trồng cây ăn quả, lựa chọn giống lúa mới cho năng suất cao, phù hợp với vùng đất nơi này. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con trong bản được cải thiện nhiều. Chị Lầu Thị Xén, dân bản cho biết: “Vợ chồng mình không sinh con nữa để tập trung nuôi hai đứa ăn học cho tốt thôi. Ai nói gì cũng được, phải tập trung nuôi con học đến cùng. Không học thì như đời mình đây, chỉ biết vào rừng chặt củi, hái rau thôi”.

Huổi Min giờ đây còn là điển hình của phường Sông Đà, bởi có người làm đại biểu HĐND phường, có người là đảng viên, có người làm cán bộ phường... mà Huổi Min còn là bản điển hình về không có tệ nạn xã hội. Ông Dính tự hào khoe với chúng tôi: "Bản mình còn nghèo nhưng nhà báo yên tâm là an ninh trật tự rất đảm bảo, không có người nghiện ma túy cũng như buôn bán trái phép chất ma túy. Những năm qua, bản luôn được phường biểu dương, khen thưởng về đảm bảo trật tự. Trong bản không xảy ra cãi vã, xô xát... hay trộm cắp đâu."

Tin rằng, rồi đây một tương lai tươi sáng sẽ đến với người dân bản Huổi Min nhờ chính bàn tay, khối óc của người dân và sự quan tâm của các cấp chính quyền. Chúng tôi rời Huổi Min khi mặt trời đã lên cao, ánh nắng ngả vàng tràn qua những hàng cây xuống từng mái nhà gỗ ám đen màu khói, màu sương, nắng thời gian. Dưới nếp nhà ấy, là bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu đời người và bao nhiêu đổi thay đang được dựng lên.

 

Văn Tâm
 

.