Xã Tà Lèng: Chú trọng công tác xóa đói, giảm nghèo
Điện Biên TV - Tà Lèng là xã nằm ở phía đông của thành phố Điện Biên Phủ, có 5 dân tộc (K.Mú, Mông, Thái, Kinh, Mường), có 250 hộ = 1.075 nhân khẩu, tổng diện tích đất tự nhiên là 1.529,36ha. Thời gian qua, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của xã đã và đang đạt được những kết quả tích cực, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng xã Tà Lèng đã chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo nhằm từng bước giảm nhanh số hộ nghèo trên địa bàn theo từng năm. Nếu như cách đây 5 năm số hộ nghèo trên địa bàn xã còn khá cao vào khoảng trên 30%, những đến nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 6%.
Xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Những năm qua Đảng bộ, chính quyền xã Tà Lèng, thành phố Điện Biên Phủ đã tập trung nhiều nguồn lực và đưa ra nhiều giải pháp trong việc hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo.
Gia đình bác Lò Văn So A, bản Tà Lèng, xã Tà Lèng thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò |
Với xuất phát điểm thấp, vị trí địa lý không thuận lợi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và tập quán sản xuất nông nghiệp còn nhiều lạc hậu khiến tỷ lệ hộ nghèo ở xã Tà Lèng vẫn còn cao. Trước tình hình trên, Đảng bộ, chính quyền xã đã vào cuộc và triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với điều kiện địa phương. Những ưu tiên trong việc xoá đói giảm nghèo được cụ thể hoá bằng các hành động cụ thể như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cho vay vốn ưu đãi, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho người dân. Song song với đó, thông qua Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và thực hiện Quyết định số 102/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, từ năm 2011 đến nay, xã đã nhận và hỗ trợ tiền ăn tết, tiền trợ cấp khó khăn, hỗ trợ tiền điện, cứu đói giáp hạt và hỗ trợ gia súc cho 487 lượt hộ trị giá 600 triệu đồng; hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà cho 45 hộ trị giá gần 500 triệu đồng. Cùng với đó, xã Tà Lèng chú trọng lồng ghép với các chương trình, dự án của Tỉnh và thành phố có mục tiêu xóa đói giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt tập trung thực hiện khá hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn vay đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Đến nay, thông qua các đoàn thể, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Điện Biên Phủ đã giải ngân trên 4 tỷ đồng cho các hộ nghèo vay để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, người dân còn được tham gia vào các buổi tư vấn, trao đổi kinh nghiệm để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay. Nhờ vậy, đã có không ít hộ nghèo thoát nghèo một cách bền vững. Không còn trường hợp người dân vay vốn về sử dụng không đúng mục đích, hiệu quả sử dụng nguồn vốn thấp dẫn đến gặp khó khăn khi hoàn trả vốn vay cho ngân hàng như trước đây.
Giảm nghèo từ chăn nuôi trâu, bò |
Với các chính sách hỗ trợ trên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Tà Lèng giảm mạnh qua các năm, cụ thể: Năm 2011, toàn xã Tà Lèng có 63 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 30,7%); đến năm 2014 còn 25 hộ nghèo (tỷ lệ 10,04%). Tính đến thời điểm đầu năm 2015, xã Tà Lèng chỉ còn 15 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 6,0%); toàn xã đã có 48 hộ thoát nghèo, trung bình mỗi năm giảm 6% hộ nghèo, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra.
Song, kết quả vẫn chưa thực sự cao, chưa thật bền vững bởi ý thức của người dân về công tác xóa đói, giảm nghèo vẫn còn hạn chế. Người dân, nhất là các hộ thuộc diện nghèo thường ỷ lại, chưa có ý thức vươn lên trong phát triển kinh tế cải thiện đời sống.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Chí Thiết - Phó chủ tịch UBND xã Tà Lèng cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu khiến một số hộ khó thoát nghèo là bởi tâm lý ỷ lại; thiếu kiến thức và kỹ năng trong chi tiêu, thu xếp cuộc sống; sự trỗi dậy của các hủ tục như thách cưới, trả của, sinh đẻ nhiều… Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do một số chính sách giảm nghèo còn thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế, chưa thực sự phù hợp với từng đối tượng nghèo nên hiệu quả còn chưa cao”. Do vậy, những năm gần đây, xã đã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác xóa đói giảm nghèo, qua đó khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế gia đình.
Ông Trần Duy Phong - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Điện Biên Phủ cho biết thêm: Mặc dù công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, nhưng qua thực tiễn cho thấy kết quả trên chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn con cao và vẫn còn tình trạng tái nghèo và khó khăn lớn nhất vẫn là từ tư tưởng của một số hộ nghèo với tâm lý ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, khó khăn nữa là thiếu đất canh tác, trình độ dân trí, nhất là hộ nghèo còn thấp, thiếu kiến thức, thiếu khoa học kỹ thuật nên khi áp dụng các mô hình sản xuất thường hiệu quả không cao. Đối với hộ cận nghèo thì khả năng thoát nghèo ít đạt chỉ tiêu vì đa số các hộ này có mức thu nhập trên chuẩn nghèo nhưng vẫn không vượt mức cận nghèo...
Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng với nỗ lực vươn lên của các hộ gia đình đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xã Tà Lèng từ 30,7% năm 2011 xuống còn 10,04% % trong năm 2014. Với mục tiêu phấn đấu bình quân mỗi năm giảm 6% số hộ nghèo, xã xã Tà Lèng đã đặt ra những giải pháp trọng tâm mang tính chiến lược trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Bằng những bước đi phù hợp, chương trình giảm nghèo của xã xã Tà Lèng đã và đang nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận cao trong tầng lớp nhân dân đang từng bước làm thay đổi bức tranh nông nông thôn, tạo nên diện mạo mới của thành phố Điện Biên Phủ./.
Phong Lâm