Vì sao người dân bản Dền Thàng không nhận tiền dịch vụ môi trường rừng

Thứ Năm, 02/07/2015, 11:05 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, huyện Mường Nhé đã tiến hành triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân trên địa bàn. Hầu hết bà con đều tỏ ra phấn khởi và tích cực tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, tại bản Dền Thàng, xã Quảng Lâm lại có 5 hộ dân từ chối nhận tiền dịch vụ môi trường rừng. Vậy nguyên nhân nào khiến 5 hộ không nhận tiền?

Ngày 28/11/2014, UBND huyện Mường Nhé có Quyết định số 2077 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp có rừng cho cộng đồng bản Dền Thàng, xã Quảng Lâm với trên 310ha rừng phòng hộ. Ngày 7/2/2015, UBND xã Quảng Lâm tổ chức chi trả trên 62 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2014 cho 27 hộ dân bản Dền Thàng. Tuy nhiên, trong số đó có 5 hộ dân không nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Vậy nguyên nhân tại sao các hộ dân này lại không nhận tiền dịch vụ môi trường rừng? ông Giàng A Sếnh là 1 trong 5 hộ nói trên cho biết: “Nguyên nhân tại sao không lấy tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là do gia đình không có nương, nếu lấy tiền kia mà mình vẫn làm nương thì lại sai phạm. Do đó, gia đình không nhận tiền nữa để tiếp tục làm nương.”

x
Chính quyền xã Quảng Lâm phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tới người dân

 

Trong 6 tháng đầu năm 2015, tại xã Quảng Lâm đã xảy ra 32 vụ phá rừng làm nương, trong đó có 6 hộ dân của bản Dền Thàng phá trên 1ha rừng phòng hộ. Qua kiểm tra, xác minh thì 5 hộ dân không nhận tiền dịch vụ môi trường rừng đều tham gia phá rừng làm nương. Riêng gia đình ông Giàng A Sếnh phá 3.600m2 rừng phòng hộ.

Sau khi xác minh thực địa, Ông Giàng A Xìa, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé cho biết: “Việc 5 hộ dân của bản Dền Thàng không nhận tiền dịch vụ môi trường rừng là do một số hộ làm nương khu vực rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, nếu nhận tiền họ lo sợ sẽ không được tiếp tục làm nương tại khu vực đó nữa, thậm chí có hộ còn tư tưởng muốn tiếp tục phá rừng làm nương, vì thiếu đất sản xuất.”

Không chỉ có 5 hộ dân của bản Dền Thàng không nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng mà các hộ dân của bản Sái Lương, xã Quảng Lâm cũng không nhận tiền dịch vụ môi trường rừng. Đây là khó khăn đối với xã Quảng Lâm trong công tác bảo vệ rừng.

Để người dân nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ rừng, UBND xã Quảng Lâm cần chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết với từng hộ dân, với các bản không chặt phá rừng làm nương. Bên cạnh đó, xã phối hợp với lực lượng Công an huyện, Kiểm lâm củng cố hồ sơ, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu tổ chức phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Đối với một số hộ dân thực sự thiếu đất sản xuất, đề nghị UBND huyện và các cơ quan chuyên môn quy hoạch khu chăn nuôi, hỗ trợ cây, con giống và hướng dẫn kỹ thuật giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và không tái diễn tình trạng phá rừng làm nương./.

 

Kim Chung – Đức Bình

 

.