Tri ân – Đạo lý và trách nhiệm

Thứ Hai, 27/07/2015, 17:30 [GMT+7]

Điện Biên TV - Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”… những năm qua, cùng với cả nước, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng. Qua đó, không chỉ xoa dịu vết thương chiến tranh mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Với đạo lý và trách nhiệm, sự biết ơn sâu sắc, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh… Đặc biệt là việc tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình người có công... giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Duy trì, đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát cho các đối tượng chính sách trên địa bàn; xây dựng hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa, tặng hàng vạn sổ tiết kiệm cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, trao hàng ngàn suất học bổng cho con em các đối tượng chính sách; chi trả trợ cấp đều đặn cho hàng vạn đối tượng người có công; xây dựng, tu sửa các nghĩa trang liệt sỹ... Qua đó, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.

c
Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tháng 7 hàng năm, ĐVTN Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên thường xuyên tổ chức thắp hương tri ân những anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ A1.

 

Trong chuyến công tác về huyện Mường Chà, chúng tôi tìm đến nhà ông Lường Minh Kẹn, sinh năm 1947 - cựu thanh niên xung phong ở bản Nậm Nèn, xã Nậm Nèn. Ông là 1 trong số hơn 13 nghìn người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh được hưởng trợ cấp hàng tháng và các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn còn tươi màu sơn mới, ông Kẹn phấn khởi chia sẻ: Là thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Mỹ, trở về với cuộc sống đời thường, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, năm 2014, Tỉnh đoàn Điện Biên phối hợp với đơn vị “Quỹ Hiểu về trái tim” giúp đỡ gia đình tôi 30 triệu đồng để sửa chữa, mở rộng ngôi nhà. Tôi rất cảm động! Món quà đó là sự động viên, khích lệ lớn về vật chất cũng như tinh thần để gia đình tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Ông Lò Văn Hặc, bản Noong Bua, phường Noong Bua, TP.Điện Biên Phủ cũng là một trong nhiều cựu thanh niên xung phong nhận sự hỗ trợ xây nhà nhân ái do Tỉnh đoàn kết nối. Ông bày tỏ lòng cảm ơn đến các cấp, các ngành, đơn vị đã động viên kịp thời với gia đình. Ông cũng thể hiện quyết tâm luôn gương mẫu thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời dạy dỗ con cháu phát huy truyền thống quý báu của dân tộc.

Ông Lò Văn Hặc, Lường Minh Kẹn là một trong số rất nhiều người nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành và các tổ chức xã hội. Từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 200 ngôi nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng cho người có công với cách mạng. Những sự quan tâm đó chính là đạo lý, trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay với những người đã hy sinh một phần thân thể, xương máu cho đất nước vẹn toàn.

Cũng để đáp lại sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự tri ân của nhân dân các dân tộc, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ đã vượt qua khó khăn, không ngừng phấn đấu vươn lên đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất. Trong số những điển hình, có thương binh Lò Văn Hinh, ở xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên. Sau khi rời quân ngũ, bản thân ông có nhiều năm tham gia công tác ở xã, luôn đi đầu trong các phong trào sống vui, khỏe, có ích của hội người cao tuổi; duy trì các hoạt động của câu lạc bộ văn hóa thể thao nơi cư trú; phát triển kinh tế hộ gia đình, hàng năm thu nhập trên 50 triệu đồng.

Bệnh binh Vi Việt Phú, ở Yên Cang 2, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên cũng là tấm gương có nghị lực vượt khó. Năm 1993, được nghỉ chế độ bệnh binh, ông xin nhận 5ha đất đồi núi trọc khô cằn, sau một thời gian đã cải tạo thành trang trại VAC, đến nay bình quân hàng năm thu nhập khoảng 5 tấn cá, hơn 20 tấn cây hoa màu và quả các loại, trừ chi phí lãi trên 100 triệu đồng. Bệnh binh Vi Việt Phú chia sẻ: “Trở về với cuộc sống đời thường, bản thân tôi mất 62% sức khỏe. Nhưng với ý chí quyết tâm của bản thân, sự động viên của Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất, tôi đã tìm mọi cách vươn lên làm giàu chính đáng. Từ các mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng, cuộc sống gia đình đã ổn định, trở thành hộ kinh doanh sản xuất giỏi của xã”.

Ngoài cá nhân điển hình như bệnh binh Vi Việt Phú, Lò Văn Hinh, còn rất nhiều thương binh, bệnh binh dù mang trên mình những vết thương của chiến tranh nhưng đã quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng là những người con ưu tú của dân tộc…

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng sự hy sinh của các thế hệ đi trước sẽ mãi khắc sâu trong tim mỗi người con dân tộc Việt Nam. Với sự quan tâm tri ân của Đảng, Nhà nước bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực, sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của các thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng đã tô thắm truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”… Sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thương tật của thương binh, bệnh binh… là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo…

 

Văn Quyết

 

.