Niềm tự hào của người cựu chiến binh

Thứ Tư, 29/07/2015, 15:48 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tổ dân phố 4 phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ có cựu chiến binh (CCB) Trần Trọng Tuất, người đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trở về với cuộc sống đời thường, ông vẫn là người tích cực tham gia đóng góp xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương, nay đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” ông vẫn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

c
Cựu chiến binh Trần Trọng Tuất, tổ dân phố 4 phường Thanh Trường, TP.Điện Biên Phủ

Nhớ về một thời hào hùng, người chiến sỹ Trần Trọng Tuất năm xưa kể lại: Ông sinh ra và lớn lên ở thôn Xuân Hòa, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, năm 1945 là Đội trưởng thiếu nhi, Phân đoàn trưởng Thanh niên cứu quốc, làm liên lạc du kích ở thôn, xã tại quê nhà, lúc đó ông mới 12 tuổi. Ông nhập ngũ ngày 7/11/1949, là đội viên liên lạc Đại đội 134 bộ đội địa phương huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, đến năm 1952 làm liên lạc trung đội bảo vệ Cục Chi Lăng Sư 308 trong chiến dịch Hà Nam - Ninh Bình. Tháng 7/1953 – 5/1954 là Tiểu đội phó súng cối 60 ly, C 811, D 888, E 176, F 316 (gọi là Đại đội 811, Tiểu đoàn 888, Trung đoàn 176, Sư đoàn 316) trực tiếp chiến đấu tiễu phỉ ở Thuận Châu, Sơn La đánh trận Mường Lầm, Cò Mạ và chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ở bất cứ chiến dịch nào, ông cũng luôn cùng đồng đội chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, bất chấp mọi khó khăn kể cả chấp nhận hy sinh để bám giữ trận địa, ông đã chiến đấu và bị thương ở đồi C1, đi điều trị tại quân y T5 viện 10 và viện 108. Vào thời điểm ấy, đồi C1 là một trong những cứ điểm quan trọng bậc nhất của quân Pháp ở Điện Biên Phủ, vị trí 5 ngọn đồi phía đông (E1, D1, C1, C2, A1) là tấm lá chắn thép, là thành lũy bảo vệ cho cả tập đoàn cứ điểm của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Ông nhớ lại: “Đại đội 811 đã phòng ngự tại C1 hai mươi ngày liền, cho tới lúc tiêu diệt cứ điểm này vào cuối tháng 4, chúng tôi tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ chốt chặt trên C1 làm bàn đạp cho Đại đoàn tiến công tiêu diệt tiếp 2 cứ điểm quan trọng cuối cùng là A1 và C2 cho đến ngày 7/5/1954, trên khắp lòng chảo Điện Biên đều vang lên tiếng hò reo chiến thắng của quân đội ta. Chỉ tiếc vào thời điểm đó, tôi bị thương phải điều về tuyến sau nên rất tiếc không được tận mắt chứng kiến giây phút tướng Pháp đầu hàng và ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát–tơ–ri. Sau này nhìn những chứng tích của một thời đạn bom ấy lại càng tự hào hơn về chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt, chấn động địa cầu… đó là chiến thắng của cả nước, của sự đoàn kết toàn dân tộc”.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, với những đóng góp của mình, ông được thăng cấp lên Tiểu đội trưởng, tiếp tục tham gia lực lượng Trung đoàn tấn công ở Phú Thọ - Sơn Tây (thuộc C 811, D 888, E 176, F 316), là Tiểu đội trưởng súng cối 60 ly cho đến năm 1958, do vết thương cũ tái phát phải nhập viện 108, viện 10, quân Y Sư đoàn 316 để điều trị vết thương, sau khi xuất viện, ông tiếp tục phục vụ trong quân đội thuộc Tiểu đoàn 888, Trung đoàn 176 cho đến cuối năm 1960. Ông Trần Trọng Tuất chia sẻ: “Trong quá trình chiến đấu, tôi bị thương và bệnh tật tái phát nhiều lần nhưng vẫn may mắn hơn nhiều đồng đội khác vì còn sống sót trở về với gia đình. Những lúc chiến đấu, tôi không sợ hy sinh, chỉ luôn nghĩ làm thế nào để tiêu diệt được kẻ thù. Những ký ức đó để lại trong tôi niềm tự hào và kỷ niệm sâu sắc về tình đồng đội, tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân ta, nhưng tự hào nhất, sâu sắc nhất, nhiều kỷ niệm nhất phải nhắc đến đó là chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Sau khi xuất ngũ năm 1960, CCB Trần Trọng Tuất quyết định ở lại mảnh đất Điện Biên nơi nhiều đồng đội của ông vẫn nằm đó để xây dựng cuộc sống mới và coi đây là quê hương thứ 2 của mình. Ông có nhiều đóng góp xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể địa phương, là đại biểu HĐND thị trấn Nông trường Điện Biên 2 khóa (khóa 7, khóa 8), nhiều năm liền tham gia cấp ủy Chi bộ Nông trường Điện Biên và nghỉ hưu năm 1986. Trở về cuộc sống thường ngày, với bản chất người lính Cụ Hồ, CCB Trần Trọng Tuất lại tiếp tục tham gia cấp ủy chi bộ tổ dân phố, tận tụy, gương mẫu nêu cao tinh thần trách nhiệm xây dựng khu dân cư tiên tiến, tổ dân phố văn hóa, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới quần chúng nhân dân. Ở vị trí nào, ông cũng đảm nhiệm tốt vai trò của mình và được nhân dân tin yêu, kính trọng.

Với những đóng góp của mình, ông được Đảng, Nhà nước và quân đội tặng thưởng nhiều huân huy chương và những phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Chiến thắng hạng Nhất, Huy chương 30 năm xây dựng Lai Châu, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng… Ngoài ra, còn rất nhiều huy hiệu, bằng khen, giấy khen khác.

Giờ đây, trong trí nhớ người CCB Trần Trọng Tuất vẫn in đậm tinh thần chiến đấu hăng hái, sục sôi của đồng đội, dù phải đối mặt với nhiều gian khổ, thiếu thốn nhưng vì nhiệm vụ cao cả mà Ðảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó, ông và đồng đội vẫn vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Ông xúc động nói: "Mong muốn của tôi bây giờ là thế hệ trẻ hiểu được những hy sinh của cha ông để phấn đấu xây dựng đất nước theo đúng con đường mà thế hệ trước đã chọn; phải phát huy truyền thống, phấn đấu, công tác, lao động và học tập, thiết thực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. 82 tuổi đã trôi qua, đọng lại trong ông vẫn là niềm tự hào về những năm tháng không thể nào quên hơn 60 năm trước cùng đồng đội vượt qua gian khổ, hy sinh làm nên vinh quang chiến thắng Điện Biên nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng./.

 

Phong Lâm
                                      Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên

                                   
 

.