Mường Nhé: Tình trạng tranh chấp đất đai giữa 2 xã Quảng Lâm và Na Cô Sa và những bất cập cần chỉnh sửa

Thứ Sáu, 10/07/2015, 09:16 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong thời gian qua, cuộc sống và sản xuất của người dân bản Dền Thàng, xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé bị xáo trộn do xảy ra tranh chấp đất đai với người dân 3 bản Huổi Thủng 1,2,3, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ. Không chỉ có vậy, mâu thuẫn này còn có nguy cơ gây bất ổn về an ninh trật tự. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã có những giải pháp gì để giải quyết.

d
Do việc xác định địa giới hành chính của nhân 2 xã giáp ranh chưa được rõ ràng nên nhiều hộ dân của các bản Huổi Thủng 1,2,3 của xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ đã xâm canh và phá rừng thuộc bản Dền Thàng, xã Quảng Lâm để làm nương rẫy

Bản Dền Thàng, xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé và 3 bản Huổi Thủng 1,2,3 xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ trước đây đều thuộc huyện Mường Nhé. Sau khi có Nghị quyết số 45, ngày 25/8/2012 của Chính phủ về việc chia tách, thành lập huyện Nậm Pồ. Theo đó, xã Quảng Lâm thuộc huyện Mường Nhé và xã Na Cô Sa thuộc huyện Nậm Pồ. Do việc xác định địa giới hành chính của nhân 2 xã giáp ranh chưa được rõ ràng nên nhiều hộ dân của các bản Huổi Thủng 1,2,3 của xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ đã xâm canh và phá rừng thuộc bản Dền Thàng, xã Quảng Lâm để làm nương rẫy. Vấn đề nằm ở chỗ: Người dân 3 bản Huổi Thùng xã Na Cô Sa không hề biết diện tích đất nương đó giờ đã thuộc địa giới hành chính xã Quảng Lâm. 

Ông Vừ A Vinh, Chủ tịch UBND xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ co biết : Khi chia tách và bàn giao địa giới hành chính xã Na Cô Sa về huyện Nậm Pồ thì việc bàn giao chủ yếu trên giấy tờ, sổ sách. Chỉ đến khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp đất sản xuất giữa bản Huổi Thủng 1,2,3 xã Na Cô Sa với bản Dền Thàng xã Quảng Lâm thì UBND 2 huyện Mường Nhé và Nậm Pồ mới cùng 2 xã Na Cô Sa và Quảng Lâm đi xác minh tại thực địa mới biết vị trí tranh chấp đó thuộc bản Dền Thàng, xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé

Còn với Người dân bản Dền Thàng khi thấy người dân 3 bản Huổi Thủng xã Na Cô Sa sang phá rừng làm nương thuộc diện tích mình quản lý nên đã có hành động ngăn cản. Sự việc diễn ra nhiều lần, có lần người dân bản Dền Thàng thấy người dân 3 bản Huổi Thủng 1,2,3 sang phá rừng làm nương nên đã tịch thu phương tiện đem về trụ sở UBND xã Quảng Lâm lập biên bản. Còn người dân 3 bản Huổi Thủng 1,2,3 khi bị thu hồi phương tiện đã có hành động đe dọa đến tính mạng của người dân bản Dền Thàng

Ông Hờ  A Lừ, trưởng bản Huổi Thủng 2, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ cho biết: Phần đất tranh chấp được bà con 3 bản Huổi Thủng 1,2,3 xã Na Cô Sa đã canh tác từ năm 1996 đến nay. Cuộc sống của bà con chỉ trông chờ vào khu đất này để làm nương và chăn thả gia súc. Nay toàn bộ diện tích đất canh tác của bà con 3 bản Huổi Thủng 1, 2,3 thuộc địa giới hành chính của xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé. Điều này đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân 3 bản Huổi Thủng 1,2,3.

d
Mặc dù sự việc trên đã được chính quyền 2 huyện Mường Nhé và Nậm Pồ bàn bạc, đưa ra hướng giải quyết, nhưng trên thực tế nếu việc tranh chấp trên không được giải quyết triệt để sẽ gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý bảo vệ rừng; tình trạng tranh chấp đất đai xảy ra gay gắt ảnh hưởng đến an ninh trật tự  tại khu vực

 

Trước thực trạng trên, ngày 15/4/2015 đại diện lãnh đạo UBND huyện; các phòng ban chuyên môn huyện Nậm Pồ và Mường Nhé đã có buổi làm việc với 2 xã Na Cô Sa và Quảng Lâm để phân định về địa giới hành chính, đồng thời yêu cầu người dân 3 bản Huổi Thủng xã Na Cô Sa không được canh tác hay phá rừng trên diện tích đất thuộc địa giới xã Quảng Lâm. Tuy nhiên đến thời điểm này, việc tranh chấp đất giữa 3 bản của xã Na Cô Sa và bản Dền Thàng xã Quảng Lâm vẫn còn diễn biến phức tạp.

Mặc dù sự việc trên đã được chính quyền 2 huyện Mường Nhé và Nậm Pồ bàn bạc, đưa ra hướng giải quyết, nhưng trên thực tế nếu việc tranh chấp trên không được giải quyết triệt để sẽ gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý bảo vệ rừng; tình trạng tranh chấp đất đai xảy ra gay gắt ảnh hưởng đến an ninh trật tự  tại khu vực. Bên cạnh đó, việc quản lý địa giới hành chính thôn bản cũng bị xáo trộn.

Để giải quyết vấn đề tranh chấp này, nhiều hộ dân của bản Huổi Thủng 1,2,3 xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ cho rằng cần có sự điều chỉnh lại địa giới hành chính cho phù hợp với thực tế quản lý đất đai và cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, vấn đề này phải trình lên Chính phủ. Trước mắt, 2 huyện chủ động đề nghị tỉnh phân định rõ ràng địa giới hành chính, đặc biệt là khu vực xảy ra tranh chấp đất sản xuất; việc điều chỉnh cần thực hiện sớm bởi thực tế đã có nhiều vụ xô xát liên quan đến tranh chấp, gây mất an ninh trật tự và khó khăn cho công tác quản lý, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

 

Kim Chung – Đức Bình

.