Kinh nghiệm trong lãnh đạo xây dựng nông thôn mới ở Đảng bộ xã Thanh Xương
Điện Biên TV - Để Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai trên địa bàn, tạo được sự đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng của người dân; Đảng bộ xã Thanh Xương, huyện Điện Biên đã quán triệt sâu rộng chủ trương của Đảng tới mọi tầng lớp nhân dân; thành lập Ban phát triển thôn, bản; huy động mọi nguồn lực trong dân, góp công sức, kinh phí, nguyên vật liệu xây dựng công trình cơ sở hạ tầng. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; người dân trên địa bàn thực sự là chủ thể thực hiện Chương trình, coi công trình của công như công trình của gia đình mình.
Thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2015 trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong việc đổi mới phong trào thi đua và đã đạt được nhiều thành tích góp phần đưa phong trào thi đua yếu nước của tỉnh sâu rộng thiết thực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Trong phong trào thi đua thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có nhiều địa phương có những cách làm hay, sáng tạo đạt hiệu quả trong công tác lãnh đạo nhân dân tích cực hưởng ứng Chương trình, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên là một điển hình.
Đảng bộ xã Thanh Xương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã, các Ban phát triển thôn, bản tích cực tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, các văn bản của nhà nước tới cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân |
Thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ xã Thanh Xương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã, các Ban phát triển thôn, bản tích cực tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, các văn bản của nhà nước tới cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân; xây dựng quy hoạch tổng thể, hạ tầng kinh tế xã hội từng bước được đầu tư xây dựng, hệ thống chính trị vững mạnh, năng lực cán bộ được nâng lên, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể, môi trường sinh thái được bảo vệ. Đến thời điểm này, xã đã hoàn thành 13/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia quy định. Là một trong những địa phương điển hình của huyện và tỉnh có kinh nghiệm lãnh đạo thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đ/c Nguyễn Văn Toàn – Bí thư Đảng bộ - Chủ tịch UBND xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cho biết: Qua những năm tổ chức triển khai xây dựng nông thôn mới, xã đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm. Cấp ủy Đảng chính quyền thường xuyên bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, xã chủ động thành lập ban chỉ đạo phân công cụ thể công việc cụ thể cho từng thanh viên trong ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới…
Xã triển khai thực hiện các mục tiêu về quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội – môi trường theo chuẩn mới; quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Trên cơ sở những mục tiêu đã đề ra, Đảng bộ xã đã quán triệt nội dung, phương pháp thực hiện tới từng thôn, bản. Cách làm của xã là chọn điểm làm trước để nhân diện. Đảng viên là người tiên phong trong công tác giáo dục, vận động nói trước làm trước để quần chúng làm theo. Khi nhân dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa tầm quan trọng của Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới là làm cho dân được hưởng lợi, đã thu hút sự ủng hộ, tạo sự đồng thuận cao và người dân là chủ thể thực hiện Chương trình. Như xây dựng đường liên thôn ở C9 a,b,c. Ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, các chi bộ, Ban phát triển thôn, bản đã huy động nguồn vốn đóng góp từ nhân dân được trên 50 % kinh phí cần đầu tư xây dựng 2,5 km đường liên thôn, rộng mặt đường từ 2,5 đến 3,0 mét. Nhiều hộ gia đình góp hàng chục ngày công lao động vượt rất nhiều so với mức của thôn quy định. Bởi họ mong mỏi con đường mới sớm hoàn thành phục vụ nhân dân đi lại thuận lợi, mặt khác làm thay đổi diện mạo của địa phương
Đảng bộ xã Thanh Xương, huyện Điện Biên đã quán triệt sâu rộng chủ trương của Đảng tới mọi tầng lớp nhân dân; thành lập Ban phát triển thôn, bản; huy động mọi nguồn lực trong dân, góp công sức, kinh phí, nguyên vật liệu xây dựng công trình cơ sở hạ tầng |
Đảng viên Tô Vinh Liên – Chi bộ C9 a, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cho hay: Năm nay đã trên 90 tuổi có 65 năm tuổi Đảng, bản thân đã vận động con cháu trong gia đình ủng hộ 25 triệu đồng sửa nhà văn hóa, làm đường, làm cổng chào của thôn. Nhiều hộ gia đình trong thôn cũng hiến đất, ngày công lao động làm con đường đi lại thuận lợi
Còn đối với đảng viên Nguyễn Thị Kim Liên, chi bộ C9 a, có gần 40 năm tuổi Đảng, là người gắn bó hàng chục năm công tác và sinh sống tại mảnh đất này, đã cống hiến sức trẻ góp phần nhỏ bé vào xây dựng Điện Biên phát triển. Giờ đây, gia đình bà Liên tự hào coi Điện Biên là quê hương thứ hai, phấn khởi được góp tiền, công sức tham gia xây dựng nông thôn mới tại thôn. Ngoài phần đóng góp theo mức quy định của thôn, gia đình bà ủng hộ 7000 viên gạch làm đường vào thôn, xây 25 mét kè đường. Những việc làm nhỏ bé như thế này, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tác động không nhỏ tới nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương phát triển sâu rộng.
Khi người dân làm chủ công trình, mọi công việc đều được đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch đúng nguyên tắc và ký cam kết cùng thực hiện. Cách tổ chức triển khai như thế, huy động được tối đa sức của dân và dân có trách nhiệm cao trong quá trình thi công, giám sát kỹ thuật để công trình đạt chất
Không chỉ ở thôn C9 a, mà các thôn bản khác trong xã khi triển khai thi công các công trình đường liên thôn bản, ngõ xóm, đường nội đồng; thực hiện các mục tiêu sản xuất nông nghiệp; văn hóa, xã hội, môi trường; an ninh trật tự đều được người dân nêu cao trách nhiệm, coi những việc làm chung đó như việc của gia đình mình. Mỗi người đều có ý thức tự giác bảo vệ, quản lý những công trình công cộng như tài sản riêng của mình. Những việc làm như thế, lan tỏa trong cộng đồng thể hiện sự chủ động của mỗi người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Nhờ có chủ trương, định hướng, chính sách đúng đắn của Nhà nước, nhất là chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ cấu kinh tế của Thanh Xương chuyển biến nhanh. Cơ cấu ngành nông nghiệp có xu hướng dịch chuyển giảm, cơ cấu ngành tiểu thủ công nghiệp – xây dựng, ngành nghề nông thôn có chiều hướng tăng, cơ cấu thương mại dịch vụ có bước tiến mạnh. Bình quân lương thực đầu người 760 kg/ người/năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Xã xác định mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo tập trung vào các tiêu trí: Xây dựng nhà ở dân cư; giao thông; thủy lợi và hệ thống chính trị. Đảng bộ xã xây dựng các giải pháp trọng tâm tập trung lãnh đạo nhân dân chung sức đồng lòng sớm về đích chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hưởng ứng phong trào toàn dân thi đua xây dựng nông thôn mới, Chi bộ C17 a quán triệt chủ trương của Đảng bộ xã tới các đồng chí đảng viên trong chi bộ và nhân dân. Ban phát triển thôn xây dựng thiết kế tuyến đường liên thôn dài 445 mét, hệ thống rãnh thoát nước hai bên đường dài gần 900 mét, rộng từ 30 đến 35 cm, cao 50 cm. Thông qua họp bàn dân chủ, công khai nhân dân trong thôn tự nguyện đóng góp mỗi khẩu 240 ngàn đồng. Hiện tại người dân trong thôn đã góp được gần 100 triệu đồng, mua nguyện vật liệu, giải phóng mặt bằng, san gạt mặt đường và tiến hành xây rãnh thoát nước. Mọi phần việc đều do dân đảm nhiệm, phát huy tính tự giác, khơi dậy nội lực sức mạnh trong dân xây dựng cơ sở hạ tầng.
Với cách lãnh đạo tập trung quyết liệt của Đảng bộ xã, phân công trách nhiệm cho từng thành viên Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã; cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng nâng cao vai trò lãnh đạo, hiệu lực quản lý của chính quyền, các đoàn thể chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức ở cấp thôn, bản, hộ gia đình để mọi người dân thực sự là chủ thể thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; huy động cao nhất nguồn lực ngoài xã hội, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trên địa bàn, trực tiếp hưởng lợi từ các dự án, công trình được đầu tư; cùng với sự đồng thuận cao trong nhân dân, xây dựng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, thúc đẩy Thanh Xương sớm về đích thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Hoàng Liên – Huy Long