Khó xử lý triệt để taxi "dù"
Điện Biên TV - “Taxi dù vẫn còn hoạt động nhưng đã giảm mạnh so với thời gian trước. Hiện nay, rất khó xử lý taxi “dù” nếu không có bằng chứng, chứng cứ vi phạm”. Đó là khẳng định của ông Trịnh Văn Minh, Trưởng phòng Quản lý vận tải - phương tiện và người lái (Sở Giao thông Vận tải) khi trao đổi với chúng tôi về quản lý hoạt động, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp được cấp phép đăng ký kinh doanh vận tải taxi với 140 đầu xe. Trong đó, doanh nghiệp có số đầu xe nhiều nhất là Công ty Cổ phần Du lịch Xuân Long (75 xe), Công ty Cổ phần Taxi và Du lịch Điện Biên (21 xe), Công ty TNHH Hà Liên (20 xe)… Các doanh nghiệp tham gia hoạt động vận tải taxi đã góp phần đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách, thuận lợi cho người tham gia giao thông an toàn, đảm bảo. Tuy nhiên, thay vì đàng hoàng ra nhập các công ty để hoạt động vận tải taxi hợp pháp thì không ít lái xe lén lút hành nghề taxi một cách dễ dàng, đón trả khách tùy tiện ngay cả ở khu vực bến xe - nơi có sự quản lý chặt chẽ của ban quản lý bến mà chả mấy khi gặp trở ngại từ phía cơ quan chức năng…
Một xe taxi vào Bến xe khách tỉnh đợi khách nhưng không có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn trên nóc xe. |
Sau hơn 5 năm mưu sinh bằng đủ nghề xe ôm, bán hàng rong trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, chăm chỉ tích lũy và vay thêm vốn từ anh em bạn bè, cuối năm 2013, anh T. tạm trú tại phường Thanh Bình mua được 1 xe ôtô chạy taxi phục vụ bất kể giờ nào, chặng đường ngắn hay dài, trừ chi phí cũng thu khoảng 15 triệu đồng/tháng. Anh T. cho biết: Hơn 1 năm chạy taxi “dù”, không đăng ký hoạt động vận tải taxi với cơ quan chức năng, cũng chả góp xe vào các đơn vị hoạt động vận tải taxi trên địa bàn vì phải chịu sự ràng buộc với doanh nghiệp lại không phải đóng thuế, nộp các loại phí hằng tháng như các hãng taxi khác. Anh T. cho biết: Thời gian đầu chạy, mình cũng in mấy tấm cạc đề thông tin liên hệ, điện thoại, địa chỉ, dịch vụ chở khách để giới thiệu nhưng giờ quen khách, người này thông báo cho người kia biết nên mỗi ngày chạy khoảng chục “cuốc”; ngày nghỉ, ngày lễ rất đông khách, nhất là vào buổi tối khoảng từ 21 giờ đến 2 - 3 giờ sáng hôm sau. Khi được hỏi có yên tâm không khi xe không đăng ký với cơ quan chức năng mà vẫn hoạt động taxi, anh T. cho rằng: Nhiều khi cũng vừa làm vừa lo vì sợ lực lượng chức năng “sờ gáy”, nhưng thật ra theo quy định phải chứng minh được lái xe nhận tiền từ khách hàng thì mình mới bị xử lý, chứ còn nếu trá hình dưới hình thức đưa đón người nhà, người quen bằng xe cá nhân mà không phải làm dịch vụ taxi thì không thể xử lý.
Đem băn khoăn này trao đổi với ông Trương Huy Thịnh, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, ông Thịnh cho biết: Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô thì kinh doanh vận tải taxi phải được Sở Giao thông Vận tải cấp phù hiệu, có đồng hồ tính tiền theo km lăn bánh được cơ quan có thẩm quyền kiểm định và kẹp chì, có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn trên nóc xe; đăng ký màu sơn của xe, biểu trưng (logo) của doanh nghiệp và số điện thoại giao dịch với khách… Dựa trên các tiêu chí trên thì taxi “dù” hoạt động trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều ở khu vực TP. Điện Biên Phủ chủ yếu là xe sử dụng cá nhân, không đăng ký kinh doanh vận tải bằng ôtô nhưng tự ý đưa ra hoạt động dịch vụ taxi; không có điểm đỗ xe cố định, xe có thể đậu tại nhà riêng hoặc ở các tuyến đường gần khu vực đông người như: Đồi A1, bệnh viện, sân bay… Tuy nhiên, để xử lý những taxi “dù” này thì rất khó, bởi phải có bằng chứng chứng minh lái xe vi phạm. Lách luật, không ít lái xe khi được hỏi thì đều nói đưa đón người nhà, chứ có ai dại gì mà khai chạy taxi, trong khi lực lượng chức năng cũng chả mấy khi có được hình ảnh, dữ liệu quay, chụp lái xe thỏa thuận tiền với khách hàng hay khách hàng trả tiền cho lái xe để có bằng chứng xử lý vi phạm.
Ông Thịnh lấy ví dụ, xe cá nhân vào bến hoạt động mua vé và nói đón người nhà, nhưng trong trường hợp đó là taxi “dù” trá hình hoạt động, thì chỉ cần lái xe thỏa thuận giá cả, khách hàng đồng ý thì chạy, nhưng không phải lúc nào lực lượng thanh tra cũng có mặt biết mà xử phạt nếu không có thông tin, đơn thư khiếu nại, kiến nghị của khách hàng. Còn với những xe đã đăng ký hoạt động dịch vụ vận tải taxi thời gian qua được quản lý khá chặt chẽ và có sự chuyển biến khá tích cực, nhất là sau đợt kiểm tra liên ngành về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe taxi cuối năm 2013 giữa Sở Giao thông Vận tải (chủ trì) với Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính. Qua đợt kiểm tra đó, Sở Giao thông Vận tải đã thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi đối với Công ty TNHH Phát Tài do cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi; chỉ đạo thanh tra giao thông vận tải xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm lắp đồng hồ tính tiền trên xe không còn kẹp chì đối với 2 phương tiện; tạm giữ 2 phù hiệu “TAXI” của công ty trên. Cùng với đó, đoàn kiểm tra cũng phát hiện Công ty Cổ phần Du lịch Xuân Long, Công ty Cổ phần Taxi và Du lịch Điện Biên hợp đồng, liên kết đưa 34 phương tiện không đúng đối tượng vào kinh doanh…
Minh Thùy