Kết quả bước đầu xây dựng nông thôn mới ở Mường Chà
Điện Biên TV - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn được Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Mường Chà chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt từ cấp huyện đến cơ sở. Để thực hiện chương trình có hiệu quả, đảm bảo tiến độ và theo đúng quy định, Huyện uỷ đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/HU ngày 22/2/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ về việc xây dựng nông thôn mới huyện Mường Chà giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020.
Từ nguồn vốn chương trình XDNTM, Mường Chà đã phân bổ kinh phí cho 9 xã là 149.952 triệu đồng để xây dựng đường trục xã, liên xã, đường trục chính bản, đường ngõ xóm với tổng chiều dài là 100km. |
Mường Chà là huyện biên giới của tỉnh Điện Biên, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 25/8/2012 của Chính Phủ, huyện có 12 xã và thị trấn, trong đó có 3 xã biên giới Việt – Lào, có 109 thôn, bản; 7.089 hộ với 38.078 nhân khẩu, có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 53,73%.
Xác định XDNTM là chương trình có tính chất tổng thể, trong điều kiện của huyện còn nghèo, trình độ và nhận thức của đồng bào các dân tộc còn hạn chế, không đồng đều. Do vậy, Ban chỉ đạo của huyện đã đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động và đây được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc tổ chức, thực hiện chương trình XDNTM của các cấp uỷ, chính quyền và các phòng, ban chuyên môn nhằm nâng cao nhận thức cho cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và mỗi người dân. Huyện đã mở 16 lớp bồi dưỡng, tập huấn công tác tuyên truyền cho 480 lượt người làm công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện và cấp xã với hơn 5.200 lượt người tham gia, mở 25 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật chẩn đoán và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, phòng trừ sâu bệnh cây trồng cho bà con nông dân với 750 lượt người. Ttừ đó, đã làm thay đổi một cách cơ bản nhận thức của bà con nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, công tác tuyên truyền XDNTM trên Đài truyền thanh - truyền hình của huyện, trên các cụm truyền thanh không dây của các xã cũng được quan tâm thường xuyên.
Đến nay, 11/11 xã đã hoàn thành quy hoạch chi tiết XDNTM đúng quy định để làm cơ sở xác định các danh mục đầu tư, sau khi quy hoạch nông thôn mới được phê duyệt Ban vận động XDNTM các xã đã công bố quy hoạch tại trụ sở UBND xã hoặc nhà văn hóa xã cho mọi người dân biết để cùng thực hiện. Huyện đã thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất là 5,4 tỷ đồng, các nguồn vốn khác đã chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng được trên 60 mô hình khuyến nông, khuyến lâm trên địa bàn, với tổng số vốn đầu tư trên 4.000 triệu đồng, hỗ trợ giống sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân trên 3,3 tỷ đồng, bao gồm các loại giống như: lúa lai, ngô lai, đậu tương, lúa nguyên chủng, lúa thuần… Do vậy, trên địa bàn toàn huyện đã cơ bản khắc phục được tình trạng sử dụng các loại giống cũ, hiện nay các loại giống mới được sử dụng vào gieo cấy chiếm trên 65% diện tích.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đã phân bổ kinh phí cho 9 xã là 149.952 triệu đồng để xây dựng đường trục xã, liên xã, đường trục chính bản, đường ngõ xóm với tổng chiều dài là 100km. Về nước sinh hoạt đã cấp kinh phí cho các xã để thực hiện sửa chữa, nâng cấp, xây mới được 27 công trình nước sinh hoạt phục vụ cho khoảng 30.000 nhân khẩu tại 11 xã với số vốn là 12.860 triệu đồng. Huyện cũng đã đầu tư xây dựng 55 công trình kiên cố hóa nhà lớp học tại 11 xã, với số vốn là 26.872 triệu đồng. Về thủy lợi đã đầu tư vốn để thực hiện sửa chữa, nâng cấp, xây mới là 21.198 triệu đồng phục vụ nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Về Giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường huyện có 6/46 trường đạt chuẩn quốc gia, các cơ sở y tế trên địa bàn huyện được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp từ các nguồn vốn của huyện, tỉnh, Trung ương, chương trình mục tiêu quốc gia. Đến năm 2013, huyện có 10/15 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (theo tiêu chí cũ), tỷ lệ bác sỹ trên 1 vạn dân là 4,3 bác sỹ. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được quan tâm, có 93,2% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đủ các loại vắc xin.
Về văn hóa - xã hội, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tiếp tục lan tỏa sâu rộng, số hộ được công nhận gia đình văn hóa các xã đạt 89%. Số thôn, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa là 70%. Tỷ lệ dân số nông thôn trong huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 71,5%. Công tác quản lý, thu gom chất thải sinh hoạt bảo vệ môi trường đã được quan tâm, thông qua tuyên truyền, vận động và quy ước của thôn, bản.
Hiện nay, số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí có 6 xã: Sa Lông, Hừa Ngài, Mường Tùng, Nậm Nèn, Na Sang, Ma Thì Hồ; số xã đạt dưới 5 tiêu chí là 5 xã: Huổi Lèng, Sá Tổng, Pa Ham, Huổi Mí, Mường Mươn.
Cụm truyền thanh không dây của các xã cũng được quan tâm thường xuyên trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia chương trình XDNTM bằng tiếng dân tộc địa phương. |
Ông Lý Nụ Phình, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: “Là huyện biên giới nghèo, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là một số thôn, bản xa trung tâm xã. Do vậy, huyện đã xác định chủ trương XDNTM là sẽ làm ở những xã có điều kiện thuận lợi trước, các xã, thôn, bản khó khăn sẽ làm sau. Với phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và XDNTM trên địa bàn huyện phải đáp ứng yêu cầu vừa phát triển bền vững, vừa mang tính hiện đại đồng thời vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở các vùng nông thôn. Từ đó, chương trình XDNTM đã được cấp uỷ, chính quyền của huyện quan tâm chỉ đạo, cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự tham gia hưởng ứng có trách nhiệm, đồng thuận của người dân trên mỗi địa bàn dân cư”.
Những thành tựu, kết quả đạt được từ chương trình XDNTM ở Mường Chà là không thể phủ nhận, đã tác động tích cực đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, Mường Chà đã duy trì ổn định mức tăng trưởng kinh tế bình quân 8,2%/năm, thu nhập đầu người đạt hơn 10 triệu đồng/năm; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn dưới 48% vào năm 2015 (hằng năm giảm từ 4-5%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định, trong đó lĩnh vực nông – lâm nghiệp luôn duy trì sự phát triển ổn định. Các nghề thủ công như: Chế biến nông, lâm sản; sản xuất đồ gia dụng, cơ khí quy mô hộ gia đình đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, đường, trường, trạm y tế tại các địa bàn vùng cao, khu vực biên giới được đầu tư xây dựng đồng bộ bằng nguồn kinh phí từ nhiều chương trình dự án của Đảng, Nhà nước. Hiện nay, trung bình các xã trên địa bàn toàn huyện đạt trung bình từ 2 đến 5 tiêu chí.
Tuy nhiên, Mường Chà nói vẫn còn gặp phải không ít những khó khăn. Bởi đa số đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đều sống ở những vùng núi cao, biên giới, các nguồn lực huy động XDNTM của huyện, xã và trong nhân dân còn hạn hẹp, trong khi kinh phí để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện cho những vùng này vẫn còn chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất của người dân vẫn còn hạn chế; việc chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, biên giới còn chậm; tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn thiếu tính đột phá; nhiều tiềm năng, lợi thế vẫn chưa được khai thác và chưa được phát huy một cách có hiệu quả rõ nét, những vấn đề còn tồn tại đó đang khiến huyện Mường Chà đứng trước nhiều khó khăn và thách thức.
Thời gian tới, Chương trình XDNTM vẫn là mục tiêu hàng đầu trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội đã được Nghị quyết số 05-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về việc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 đề ra. Để nâng cao đời sống cho người dân, Mường Chà cũng xác định sẽ đẩy mạnh thực hiện giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, phấn đấu rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời tập trung củng cố hệ thống chính trị cơ sở đi đôi với việc giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc./.
Khánh Toàn
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên