Điện Biên: Khó hoàn thành chỉ tiêu Xuất khẩu lao động
Điện Biên TV - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem là một trong những “chìa khóa” xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nhiều năm qua chỉ tiêu XKLĐ của tỉnh ta liên tiếp không đạt. Thậm chí một vài năm trở lại đây số lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài ngày càng giảm.
Cán bộ phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông tuyên truyền chính sách liên quan đến công tác XKLĐ đến người dân xã Keo Lôm. |
Mở đầu câu chuyện xoay quanh vấn đề XKLĐ, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước về XKLĐ được triển khai thực hiện là điều kiện vô cùng thuận lợi cho người lao động, nhất là lao động ở các huyện nghèo được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ đi XKLĐ. Các thủ tục: làm chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, hồ sơ khám sức khỏe, làm phiếu lý lịch tư pháp; hồ sơ cá nhân và hồ sơ vay vốn tại ngân hàng chính sách - xã hội của người tham gia XKLĐ được hoàn tất nhanh gọn. Phía doanh nghiệp hoạt động dịch vụ XKLĐ được tạo điều kiện thuận lợi vào địa bàn để tuyển dụng lao động… Thế nhưng công tác XKLĐ không mấy khởi sắc, từ năm 2011 đến nay toàn tỉnh chỉ có 312 lao động xuất cảnh làm việc tại nước ngoài, đạt gần 30% kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015 đề ra. Lao động xuất cảnh tập trung chủ yếu vào các thị trường truyền thống, như: Malaysia (199 người), Hàn Quốc (79 người), Nhật Bản (18 người)… Thống kê cho thấy, vài năm gần đây số lao động xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2011 toàn tỉnh có 167 người đi XKLĐ (đạt hơn 40% kế hoạch); năm 2012 có 55 người; đến năm 2013 chỉ có 38 lao động xuất cảnh. Năm 2014 tình hình XKLĐ có chiều hướng khả quan hơn năm 2013 khi số lao động xuất cảnh tăng lên 52 người (đạt hơn 40%), nhưng đến 6 tháng đầu năm 2015 thì bức tranh này lại trở về gam màu xám khi toàn tỉnh chỉ có 10 lao động đã hoàn thiện các thủ tục cần thiết đang chờ xuất cảnh (đạt 10% kế hoạch). Trong đó, có 6 lao động đi Hàn Quốc và 4 lao động làm việc tại Malaysia. Từ đây đến cuối năm, thời gian không còn nhiều thì việc hoàn thành chỉ tiêu đưa 100 lao động xuất cảnh đi nước ngoài làm việc trong năm 2015 là vô cùng khó!
Tại các huyện nghèo được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ triển khai thí điểm tuyển chọn lao động theo Quyết định số 71/2009/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, số lao động đăng ký tham gia XKLĐ trong giai đoạn 2011 đến nay cũng chả mấy khả quan. Trong số 920 lao động đăng ký tham gia chỉ có 240 lao động đã xuất cảnh, hơn 540 lao động không tham gia xuất cảnh phần vì bỏ ngang quá trình đào tạo, do thi không đạt kết quả hoặc doanh nghiệp không đưa đi XKLĐ.
Ông Vàng A Hờ, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: Khuyến khích, động viên người lao động đi làm việc tại nước ngoài, huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp tuyển chọn lao động xuất khẩu xuống các xã, thôn, bản trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác XKLĐ; thông tin về thị trường lao động, các đơn đặt hàng tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, song người dân vẫn không thực sự mặn mà.
Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp, từ tháng 9/2012, Hàn Quốc - thị trường lao động truyền thống thu hút khá đông lao động trên địa bàn tỉnh ta tham gia đã tạm dừng tuyển mới lao động Việt Nam. Hiện nay phía Hàn Quốc chỉ ưu tiên tái tuyển dụng lao động trung thành và lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn chứ không tuyển dụng lao động mới. Nguyên nhân là do tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng nhưng không về nước chiếm tỷ lệ cao (hơn 50%). Thị trường Malaysia, Đài Loan cánh cửa XKLĐ vẫn mở nhưng không còn thu hút lao động bởi thu nhập không cao hơn nhiều so với làm việc tại các khu công nghiệp trong nước. Thị trường Nhật Bản thu nhập ổn định song chi phí đầu vào cao, yêu cầu tuyển dụng tay nghề của doanh nghiệp khắt khe, lao động tỉnh ta là khó “lọt”. Bên cạnh đó, 100% doanh nghiệp hoạt động dịch vụ XKLĐ trên địa bàn tỉnh ta nhưng lại đóng trụ sở ở tỉnh khác, do vậy sự phối kết hợp giữa các doanh nghiệp XKLĐ với các cơ quan liên quan trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố chưa thường xuyên, thông tin về thị trường lao động còn hạn chế. Một số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực này đã ký kết chương trình phối hợp XKLĐ đến năm 2015 nhưng chưa thực sự tâm huyết, nhiệt tình trong công tác tuyên truyền, tuyển chọn lao động; chậm giải quyết các vướng mắc phát sinh đối với người lao động, đặc biệt là các phát sinh tại nước ngoài - nơi lao động sang làm việc. Điều này đã tác động lớn đến tâm lý người lao động khi đăng ký tham gia XKLĐ. Một “rào cản” khác trong công tác XKLĐ là tâm lý người dân không muốn xa nhà, còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ý thức kỷ luật chưa cao.
Nâng cao chất lượng nguồn lao động, lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực tuyển dụng và tìm kiếm thị trường lao động thu nhập cao… là việc làm cấp bách, nhằm đưa công tác XKLĐ đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Từ đầu năm 2015 đến nay, tỉnh đã đồng ý cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Nhân lực Việt Nam; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển kinh doanh toàn cầu; Chi nhánh Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Bạch Đằng tại tỉnh Hải Dương tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng với số lượng lớn lao động đi làm việc tại CHDCND Lào của Công ty Cổ phần Xây dựng và Nhân lực Việt Nam với mức lương trung bình từ 8 – 9 triệu đồng/người/tháng được kỳ vọng sẽ là hướng mở để tăng số người XKLĐ của tỉnh ta trong thời gian tới./.
Minh Thùy