Điện Biên Đông đảm bảo Giao thông mùa mưa
Điện Biên TV - Mặc dù đã được đầu tư nhiều chương trình dự án, song đến nay vẫn còn nhiều tuyến đường từ huyện đến trung tâm xã của huyện Điện Biên Đông là đường cấp phối hoặc đường đất. Mỗi khi mùa mưa đến tình trạng sụt sạt, lở đất lại diễn ra, có những tuyến đường đến các xã vùng cao không thể đi lại được. Trước thực tế đó, UBND huyện Điện Biên Đông đã chỉ đạo các Phòng, ban chuyên môn cùng các đơn vị thi công trên địa bàn chuẩn bị máy móc, nhân lực túc trực tại những tuyến giao thông huyết mạch để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Huyện Điện Biên Đông hiện quản lý trên 300km đường giao thông nông thôn và hơn 600km đường giao thông dân sinh, hầu hết những tuyến đường này chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Chính vì vậy, cứ mỗi khi mùa mưa đến, tình trạng sạt lở đất xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông tại các xã của huyện cứ như " đến hẹn lại lên" đã gây khó khăn rất nhiều cho việc đi lại cũng như thông thương hàng hóa của người dân. Tuyến đường từ ngã ba Phì Nhừ đi Phình Giàng là một trong những tuyến khó khăn nhất của huyện Điện Biên Đông hiện nay. Chỉ cần trời đổ mưa, các phương tiện tham gia giao thông qua tuyến này hầu hết đều bị tê liệt, người dân phải chọn giải pháp gửi xe ở nhà dân nếu muốn tiếp đi vào trung tâm xã Phình Giàng hoặc ngược lại.
Nhiều tuyến đường từ huyện đến trung tâm xã của huyện Điện Biên Đông là đường cấp phối hoặc đường đất. Mỗi khi mùa mưa đến tình trạng sụt sạt, lở đất lại diễn ra, có những tuyến đường đến các xã vùng cao không thể đi lại được |
Trong tổng số 13 xã của huyện Điện Biên Đông thì chỉ có 2 tuyến đường Trại Bò - Chiềng Sơ - Mường Luân - Luân Giói, Phì Như - Chiềng Sơ được đầu tư dải nhựa và mới hoàn thành chưa lâu. Còn lại đường đi các xã khác chủ yếu là đường đất hoặc cấp phối nên mỗi khi mưa lớn lại xói mòn và cuốn trôi lớp đá rải trên mặt đường. Trước thực tế đó, UBND huyện Điện Biên Đông đã chỉ đạo các Phòng, ban chuyên môn của huyện, đặc biệt là phòng kinh tế - hạ tầng là đơn vị đầu mối trong việc kiểm tra, rà sóat và nắm rõ thực trạng hư hỏng trên các tuyến đường, những vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao để chuẩn bị các trang thiết bị, vật tư, máy móc túc trực và sẵn sàng san gạt đất đá để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương luôn chủ động phương án, huy động lực lượng tại chỗ sẵn sàng khơi thông, nạo vét đất đá tràn ra đường để không gây ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông.
Ông Lò Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ huyện Điện Biên Đông cho biết: Xã thường xuyên phối hợp với các ban ngành đoàn thể cùng với bà con khắc phục những tuyến đường trong xã có nguy cơ sạt lở nhất là vào mùa mua lũ, chỉ đạo bà con sẵn sàng gạt đất đá để phục vụ nhu cầu đi lại
Hiện nay, khó khăn nhất và thường xuyên bị tắc đường là tuyến Na Son đi Sa Dung, Pá Vạt đi Hàng Lìa - Tìa Dình và tuyến đường từ Phì Nhừ đi Phình Giàng - Pú Hồng. Trong đó, tuyến đường Phì Nhừ đi Phình Giàng đang được đầu tư khoảng 200 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp thành đường bê tông. Mặc dù thời tiết diễn biến bất thường, song đơn vị thi công vẫn bố trí phương tiện và lực lượng thay nhau làm 3 ca liên tục để đẩy nhanh tiến độ thi công. Bên cạnh đó, đơn vị thi công đã chủ động máy móc để san gạt đất đá tại những vị trí thường xuyên sạt lở phục vụ nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm đến 2 xã Phình Giàng và Pú Hồng.
Việc chuẩn bị phương tiện máy móc, nhân lực để đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ đã được huyện chỉ đạo, bố trí túc trực 24/24 để sẵn sàng san ủi đất đá sạt lở xuống mặt đường |
Ông Phạm Đông Dương – Phụ trách thi công tuyến đường Phì Nhừ - Phình Giàng cho hay: Để đảm bảo an toàn giao thông nhất là mùa mua lũ này Công ty lên kế hoạch cụ thể chỉ đạo anh em công nhân làm tích cực, tăng giờ làm thêm hoàn thành sớm nhất các tuyến đường bê tông đơn vị được giao để bà con đi lại rễ ràng trong mùa mua lũ
Đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ được huyện Điện Biên Đông xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Chính vì vậy, việc chuẩn bị phương tiện máy móc, nhân lực đã được huyện chỉ đạo, bố trí túc trực 24/24 để sẵn sàng san ủi đất đá sạt lở xuống mặt đường để thông đường phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và thông thương hàng hóa tại các xã vùng cao của huyện ./.
Anh Thu - Ngọc Hải