Công điện khẩn về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2015
Điện Biên TV - Trong những ngày qua, do lượng mưa tăng đột biến trên địa bàn tỉnh đã gây sạt lở trên nhiều tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, nhiều địa bàn đã xảy ra sạt lở. Theo báo cáo của Công an tỉnh ngày 25/7/2015, Quốc lộ 6 đoạn từ Tuần Giáo đi thị xã Mường Lay xảy ra sạt lở 7 điểm, trong đó đoạn Đèo Hoa - Tuần Giáo sạt lở lớn; trên tuyến Quốc lộ 4H đoạn tuyến đường Chà Cang đi Mường Nhé sạt lở tại 7 điểm và có nguy cơ sạt lở cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đi lại. Dự báo trong những ngày tới, lượng mưa trên địa bàn tỉnh có diễn biến bất thường, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục gây sạt lở trên các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động đảm bảo giao thông bình thường trong mọi tình huống khi mưa bão giai đoạn năm 2015 đang vào giai đoạn khốc liệt, bất thường. Đồng thời tiếp tục tập trung khắc phục các thiệt hại đã xảy ra, chủ động rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở gây mất an toàn tính mạng và tài sản nhân dân, gây ách tắc giao thông; rà soát, bổ sung điều chỉnh kịp thời phương án đảm bảo giao thông, bố trí lực lượng khắc phục, UBND tỉnh vừa có Công điện khẩn về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2015 yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, các địa phương và các công ty quản lý đường bộ khẩn trương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:
1. Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động bố trí phương tiện thường trực tại các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao trên các tuyến giao thông để xử lý kịp thời không để gây ách tắc, đảm bảo giao thông thông suốt; kiểm tra, chỉ đạo khắc phục các điểm sạt lở để giao thông sớm trở lại bình thường, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho phương tiện và người tham gia giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ; kiểm tra, đôn đốc, tập trung thực hiện duy tu bảo dưỡng các tuyến đường để đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến trọng yếu như: các tuyến quốc lộ 279, 6, 4H, 12... và các tuyến đường tỉnh lộ đi đến các trung tâm huyện.
2. Lực lượng vũ trang đảm bảo quân số thường trực, chủ động các loại trang thiết bị, phương tiện, vật tư phục vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với thanh tra giao thông ứng trực thường xuyên tại các điểm sụt sạt, dọc tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để có biện pháp điều tiết giao thông, giải tỏa ùn tắc.
3. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng, ban chức năng thường xuyên kiểm tra các khu vực dân cư đang sinh sống gần sông suối, dưới chân đồi, dọc tuyến đường giao thông nếu nằm trong phạm vi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... phải kịp thời vận động, tổ chức di chuyển tài sản và người dân đến vị trí an toàn; tuyên truyền, vận động người dân cùng với các lực lượng chức năng tham gia sửa chữa, bảo dưỡng, khắc phục sụt sạt các tuyến đường trên địa bàn.
4. Các đơn vị quản lý đường bộ huy động đủ lực lượng bám các tuyến đường được quản lý để khắc phục sự cố mưa lũ và thực hiện công tác bảo trì đường bộ định kỳ; có phương án xử lý tạm thời để người dân và phương tiện lưu thông an toàn qua các điểm sụt sạt, không để tình trạng ách tắc giao thông kéo dài hoặc để một số cá nhân lợi dụng tắc đường để thu tiền vận chuyển phương tiện, hàng hóa của người dân không đúng quy định.
5. Các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão - Giảm nhẹ thiên tai tỉnh và các doanh nghiệp đang đứng chân trên địa bàn tỉnh chủ động nắm tình hình, thực hiện nghiêm túc kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2015; tăng cường kiểm tra, nhất là đối với các địa bàn trọng điểm, xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất... để kịp thời bố trí phương tiện, nhân lực, triển khai phương án di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi có yêu cầu./.
Diệp Xuân (BT)