Điện Biên TV - Đối với đất nước ta, chiến tranh đã dần lùi xa, nhưng hậu quả của nó để lại vẫn rất nặng nề, thậm chí có những hy sinh, mất mát không có gì bù đắp được. Chính vì vậy, gần bảy thập kỷ qua, hằng năm cứ vào dịp 27/7, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta lại tổ chức nhiều hoạt động, việc làm thiết thực tưởng nhớ, tri ân những người có công với dân, với nước.
|
Từ năm 2011 đến năm 2015, trong nhân dịp 27/7 và Tết Nguyên đán, toàn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi tặng 28.474 suất quà cho các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng với số tiền trên 6 tỷ đồng |
Để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, hàng triệu chiến sỹ, đồng bào ta đã anh dũng chiến đấu và hy sinh oanh liệt. Cùng với đồng bào cả nước, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc phía Tây Nam và phía Bắc, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã tiễn đưa hàng vạn người thân của mình tham gia quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, dân quân du kích. Năm tháng qua đi, những người anh dũng hy sinh đã nằm xuống đất mẹ, trở về với ông bà, tiên tổ. Những người may mắn trở về, phần lớn đã và đang nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới, nhưng cũng còn rất nhiều người vì trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu mà mang thương tật suốt đời, hay chịu sự tổn hại sức khỏe nặng nề do ảnh hưởng bom đạn, gian khổ, hay chất độc da cam… Đến ngày hôm nay, các ngành và địa phương trong tỉnh Điện Biên chúng ta đang quản lý 15.567 đối tượng, trong đó đối tượng hưởng trợ cấp một lần 14.336 đối tượng; đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 1.231 đối tượng; thương binh, bệnh binh 580 người; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 183; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày 06.
Để đền đáp công lao của người có công, những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chủ động triển khai, thực hiện đầy đủ, chu đáo các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành đối với người có công với cách mạng. Cơ bản đã giải quyết dứt điểm những chính sách tồn đọng về công tác thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng trong các thời kỳ cách mạng. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị xác nhận và giải quyết chế độ chính sách cho người có công với cách mạng cho 400 đối tượng người có công với cách mạng, trong đó: Liệt sỹ 07 hồ sơ; thương binh 07 đối tượng; người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày 01 đối tượng; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc 16 đối tượng; người trực tiếp hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học 110 đối tượng; thanh niên xung phong 222 đối tượng; hưởng hàng tháng theo Quyết định 53 là 08 đối tượng; hưởng hàng tháng theo Quyết định 142 là 09 đối tượng; hưởng hàng tháng theo Quyết định 62 với 14 đối tượng. Xác nhận thăm viếng (tìm) mộ liệt sỹ và giải quyết kinh phí hỗ trợ cho 770 gia đình thân nhân liệt sỹ đi thăm viếng mộ liệt sỹ tại các Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ. Cấp, đổi thẻ cho 345 thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Giới thiệu 96 người có thời gian hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đến Hội đồng giám định y khoa tỉnh giám định xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Cấp, đổi bằng Tổ quốc ghi công cho 251 gia đình liệt sỹ. Trợ cấp dụng cụ chỉnh hình cho172 thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Giải quyết trợ cấp thờ cúng liệt sỹ cho799 thân nhân liệt sỹ. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 12.796 người có công và thân nhân.
Cùng với việc thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, những năm qua, các cấp, các ngành, đoàn thể tỉnh đã đẩy mạnh triển khai thực hiện phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Từ năm 2011 đến năm 2015, toàn tỉnh đã quyên góp ủng hộ vào Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được 6.132.946.150 đồng, xây mới 84 nhà tình nghĩa với số tiền 3,66 tỷ đồng, sửa chữa 169 nhà tình nghĩa với số tiền 3,083 tỷ đồng, tặng 754 sổ tiết kiệm với số tiền 754 triệu đồng. Nhân dịp 27/7 và Tết Nguyên đán, toàn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi tặng 28.474 suất quà cho các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng với số tiền trên 6 tỷ đồng. Huy động hàng ngàn lượt người tham gia sửa chữa nhà bia, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, tổ chức chu đáo cho hơn 100.000 lượt người là các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, đoàn đại biểu các tỉnh và thân nhân gia đình liệt sỹ đến viếng nghĩa trang liệt sỹ. Đặc biệt trong nhiều năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được tổng kết nhân rộng điển hình ở các khu dân cư, xã, phường, thị trấn; đã phát động và duy trì phong trào “xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sỹ và người có công”, đến nay có 100% số xã, phường, thị trấn thực hiện tốt phong trào này; trên 98% gia đình chính sách có mức sống bằng và khá hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Tiêu biểu cho các phong trào này là Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo, huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ, Công ty Xăng dầu Tây Bắc, Tổng Công ty xây dựng Công trình giao thông 8 - Bộ Giao thông Vận tải, Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingrop, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thái Sơn, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Duy Hồng. Các đơn vị nhận phụng dưỡng bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn đó là: Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Biên, Cụm cảng hàng không Miền Bắc, Bảo hiểm Xã hội tỉnh.
Bên cạnh chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, các hoạt động chăm sóc đời sống người có công được duy trì thường xuyên, hầu hết người có công và thân nhân của họ được hưởng chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm; tổ chức điều dưỡng tập trung tại Trung tâm và tại gia đình cho hơn 1.700 đối tượng, với số tiền trên 02 tỷ đồng. Đặc biệt đến nay, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong tỉnh đã thường xuyên quan tâm, chú trọng thực hiện chủ trương đảm bảo các gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn với mức sống trung bình của dân cư ở nơi cư trú. Con liệt sỹ, thương binh cũng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện học hành, công tác hoặc sản xuất, kinh doanh, nhiều người đã vượt khó vươn lên thành đạt. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt, cung cấp thông tin liệt sỹ; xây dựng tu bổ nghĩa trang liệt sỹ, giúp đỡ gia đình chính sách được toàn xã hội quan tâm. Đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công ngày càng được cải thiện. Các di tích lịch sử cách mạng, các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn được chăm lo tu bổ.
|
Bộ CHQS tỉnh Điện Biên và đơn vị chủ đầu tư tổ chức bàn giao "Nhà tình nghĩa" cho thương binh Lý A Tùng, huyện Tủa Chùa |
Cùng với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, chúng ta hết sức trân trọng và cảm động trước những cố gắng to lớn của đông đảo các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, đã sống hết sức gương mẫu, tận tâm, tận lực cống hiến phần sức lực còn lại cho công cuộc đổi mới đất nước, làm rạng rỡ thêm lời dạy của Bác Hồ “tàn nhưng không phế”, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của “anh bộ đội Cụ Hồ”. Nhiều đồng chí đã nỗ lực vươn lên hăng hái tham gia lao động sản xuất và sản xuất giỏi, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, không những làm giàu cho gia đình mình mà còn tăng thu nhập, giải quyết nhiều lao động ở địa phương, nhiều tấm gương tiêu biểu mẫu mực cho chúng ta học tập và noi theo.
Thế nhưng, hiện nay chúng ta vẫn chưa thực sự yên tâm khi vẫn còn có những gia đình chính sách cuộc sống còn khó khăn, thu nhập bấp bênh, nhiều thương binh, bệnh binh đang chịu sự hành hạ của vết thương tái phát, bệnh tật và những di chứng mà chiến tranh để lại, đang rất cần sự chăm lo của Đảng, chính quyền và xã hội; một số gia đình nhà cửa chưa ổn định, còn dột nát, tạm bợ, con chưa có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn một số nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ chưa được khang trang, nhiều ngôi mộ của liệt sỹ mà chúng ta chưa thể biết tên và vẫn còn những liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, để lại nỗi đau thương khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi chúng ta.
Với tình yêu thương, nghĩa cử và trách nhiệm, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị trong toàn tỉnh cần tiếp tục động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các doanh nghiệp và mọi người dân quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa cho gia đình thương binh, liệt sỹ, những người có công với nước bằng nhiều việc làm thật thiết thực và với cả tấm lòng, sự tri ân sâu sắc đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, các gia đình chính sách. Các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hơn nữa chính sách của Nhà nước đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Tiếp tục rà soát, thực hiện đầy đủ chính sách với phương châm tuyệt đối không để lọt, để sót và giải quyết nhanh, dứt điểm những trường hợp người thật sự có công nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát, phát hiện và nghiêm trị theo pháp luật những trường hợp làm giả hồ sơ để hưởng chính sách thương binh, liệt sỹ, người có công với nước. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể động viên, đoàn viên, hội viên các tầng lớp nhân dân, kêu gọi các doanh nghiệp, các cá nhân và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ phát triển Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, tặng nhà tình nghĩa, chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp vật chất, động viên tinh thần cho các gia đình chính sách, con liệt sỹ, thương binh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời, động viên, mong muốn các đồng chí thương binh, gia đình liệt sỹ, các gia đình có công với nước vượt lên trên mọi khó khăn, nỗ lực hết sức mình sống và làm việc gương mẫu, đóng góp tinh thần, sức lực dựng xây đất nước, làm rạng rỡ truyền thống quê hương và gia đình.
Điện Biên là tỉnh giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, là địa phương có nhiều đóng góp, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, nhất là trong kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Song, Điện Biên vẫn còn là tỉnh nghèo, nhưng số lượng người hưởng chính sách không phải là nhỏ, do đó công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với cách mạng hết sức quan trọng. Chính vì thế, quan tâm giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, vừa là trách nhiệm tinh thần và tình cảm trong trái tim của mỗi người dân yêu nước. Tưởng nhớ, tri ân với người có công với nước, chúng ta không chỉ thực hiện trong một ngày, một đợt, một lễ kỷ niệm mà cần tiến hành thường xuyên, thiết thực, lâu dài để giúp gia đình những người đã hy sinh, mang thương tật vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Ngày 27/7 hàng năm mãi mãi là ngày lễ tri ân những người đã hy sinh, đóng góp xương máu cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc ta, ngày mà những người còn sống không bao giờ được quên. Đây chính là đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây", là nghĩa vụ, trách nhiệm và tình cảm của mỗi người dân yêu nước trên quê hương Điện Biên Phủ anh hùng./.
Nguyễn Vân Chương
UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy