Phát triển nghề công tác xã hội ở Tủa Chùa
Điện Biên TV - Sau một thời gian triển khai trên địa bàn huyện Tủa Chùa, Đề án phát triển nghề công tác xã hội (Đề án 32) đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt trong thí điểm mô hình tổ công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn thị trấn. Những kết quả thu được bước đầu đã góp phần hiệu quả trong việc chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến và khẳng định được vai trò to lớn của nghề CTXH trong cuộc sống cộng đồng.
Tủa Chùa là huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên được đầu tư theo Nghị quyết 30a của Chính phủ với nhiều dân tộc anh em như Mông, Thái, Kinh, Khơ mú, Xạ phang, Dao... Với xuất phát điểm kinh tế thấp nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tỉ lệ đối tượng dễ bị tổn thương cần sự trợ giúp của các dịch vụ công tác xã hội (CTXH) còn nhiều. Mỗi năm, Tủa Chùa có trên 900 đối tượng được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên. Chủ yếu là trẻ em mồ côi, người khuyết tật và người đủ từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội… Với số lượng những người yếu thế nhiều như vậy, nghề CTXH đóng vai trò to lớn trong việc trợ giúp cá nhân, gia đình, nhóm người cộng đồng và các hệ thống xã hội nhằm nâng cao an sinh xã hội trên địa bàn.
Mỗi năm, Tủa Chùa có trên 900 đối tượng được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên. Chủ yếu là trẻ em mồ côi, người khuyết tật và người đủ từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội… Với số lượng những người yếu thế nhiều như vậy, nghề CTXH đóng vai trò to lớn trong việc trợ giúp cá nhân, gia đình, nhóm người cộng đồng và các hệ thống xã hội nhằm nâng cao an sinh xã hội trên địa bàn. |
Trước khi có những quy định cụ thể cho CTXH hoạt động như một nghề chính thức và chuyên nghiệp thì nghề CTXH đã phát triển một cách tự phát. Trong thực tế, đã có rất nhiều nhân viên xã hội hoạt động trong một số lĩnh vực tại nhiều tổ chức và cơ quan khác nhau. Những người làm công tác này chủ yếu với lòng nhiệt tình, tự nguyện, tình thương người và chưa được đào tạo cơ bản và đào tạo kỹ năng khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Họ làm việc chủ yếu theo chủ quan và kinh nghiệm của bản thân. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư chưa cao, thiếu tính bền vững. Để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của xã hội cũng như đảm bảo công tác an sinh xã hội, đòi hỏi nghề CTXH phải phát triển một cách chuyên nghiệp, có bài bản.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 32 phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020. Từ đây, CTXH đã được coi là nghề chính thức và đây là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già .... Sứ mạng của CTXH là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công và sự bất bình đẳng. Chính vì vậy, người làm CTXH đòi hỏi phải có rất nhiều kỹ năng, ngoài kiến thức, trình độ chuyên môn, họ cần phải có nhiều kỹ năng mềm. Mỗi nhân viên CTXH còn cần phải có đủ tố chất của một người bạn, một người mẹ, một người bác sĩ, một nhà tâm lý, và đặc biệt, họ phải có tấm lòng bao dung, có đạo đức nghề nghiệp, có sự cảm thông, chia sẻ.
Ông Đỗ Xuân Khải, Phó phòng LĐ – TB và XH huyện Tủa Chùa cho biết: Đội công tác xã hội tình nguyện phần lớn là những người không phải là công chức, đa phần họ có kinh nghiệm hiểu biết sâu về các lĩnh vực tệ nạn xã hội đặc biệt là ma túy, mại dâm, để từ những cái hiểu biết đó họ vận động tuyên truyền các đối tượng tệ nạn xã hội biết cách tránh từ bỏ khỏi ma túy , mại dâm
Kể từ khi Đề án 32 về phát triển nghề CTXH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Điện Biên nói chung và huyện Tủa Chùa nói riêng đã xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển nghề CTXH tại địa phương. Các chính sách liên quan đến CTXH đã ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng như nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề... Mặc dù thời gian triển khai ngắn nhưng đến nay, nhận thức, hiểu biết về nghề CTXH đã có bước chuyển biến căn bản, đặc biệt là của đội ngũ cán bộ cốt cán thuộc ngành LĐTB&XH hay của một số các hội, đoàn thể.
Do người dân chưa có thói quen sử dụng dịch vụ CTXH nên tổ CTXH tình nguyện thị trấn Tủa Chùa đã chủ động đến với cộng đồng để cung cấp các dịch vụ, lồng ghép với công tác tuyên truyền, tư vấn, kết nối, can thiệp và hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng tại cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, giúp họ sớm trở về với gia đình và hòa nhập cộng đồng. |
Tổ CTXH tình nguyện thị trấn Tủa Chùa được thành lập đội ngũ nhân lực rất hạn hẹp nhưng có đủ các thành phần như người dân tộc Thái, Mông, Kinh; phụ nữ, nam giới; trung niên, thanh niên… do đó cũng đã trợ giúp phần nào cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn.
Chị Vũ Thị Hợi, Tổ trưởng tổ CTXH tình nguyện thị trấn Tủa Chùa cho biết: Công việc của đội chủ yếu là tuyên truyền và phối hợp với các ban ngành đoàn thể , ban công tác mặt trận …đến các hộ gia đình giúp đỡ họ, vận động họ từ bỏ con đường ma túy quay về giúp ích cho xã hội. Ngoài ra tổ quan đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống giúp đỡ họ một phần nào để vươn nên phát triển kinh tế.
Tuy mới được thành lập nhưng tổ CTXH tình nguyện thị trấn Tủa Chùa đã thể hiện tính nhân văn của nghề CTXH và phát huy hiệu quả tích cực trong việc giúp đỡ các đối tượng xã hội cả về vật chất và tinh thần. Chính đội ngũ những người làm CTXH đã góp phần làm dịu bớt nỗi đau của những người có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi nhất. Đây là lần thứ 3 trong tháng này tổ CTXH tình nguyện thị trấn Tủa Chùa đến thăm gia đình em Quàng Đức Lương ở tổ Thắng Lợi 2. Em Lương hiện 14 tuổi nhưng bị tàn tật từ nhỏ, mặc dù được cắp sách đến trường như các bạn đồng trang lứa nhưng em gặp rất nhiều khó khăn không chỉ trong học tập mà trong cả cuộc sống thường nhật .
Anh Quàng Văn Thắng, Bố em Quàng Đức Lương cho hay: Gia đình thường xuyên nhận được sự quan tâm của các tổ chức xã hội, đặc biệt là tổ CTXH tình nguyện thị trấn Tủa Chùa. Hàng năm tổ chức CTXH tình nguyện thị trấn Tủa Chùa thường xuyên đến nhà quan tâm, động viên cháu Lương trong cuộc sống cũng như trong học tập.
Từ nhiều năm trở lại đây, bản Cáp là một trong những điểm nóng về tệ nạn xã hội trên địa bàn thị trấn, đây được xem là nơi tập trung đông các đối tượng nghiện ma túy, người nhiễm HIV… Do người dân chưa có thói quen sử dụng dịch vụ CTXH nên tổ CTXH tình nguyện thị trấn đã chủ động đến với cộng đồng để cung cấp các dịch vụ, lồng ghép với công tác tuyên truyền, tư vấn, kết nối, can thiệp và hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng tại cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, giúp họ sớm trở về với gia đình và hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án 32 trong thời gian vừa qua còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng người dân, nhất là những người dân có hoàn cảnh đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV/AID và các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ CTXH còn ít. Đội ngũ cán bộ CTXH còn mỏng và chưa chuyên nghiệp, đa số được đào tạo từ ngành nghề khác. Ngoài ra, khi tác nghiệp tại các gia đình, các đối tượng những người làm CTXH còn có những khó khăn riêng
Có thể nói, qua một thời gian thực hiện Đề án 32 nghề CTXH đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 100% các trường hợp đối tượng và gia đình đối tượng có nhu cầu hoặc trong trường hợp khẩn cấp, đều được can thiệp, giúp đỡ, tư vấn, hỗ trợ giải quyết và được kết nối với các dịch vụ hỗ trợ một cách thiết thực. Nhận thức của cộng đồng về nghề CTXH cũng đã được nâng cao hơn, một số dịch vụ CTXH đã được thực hiện tại cộng đồng để cung cấp và giải quyết các nhu cầu, đáp ứng được mong muốn và nguyện vọng của các đối tượng. Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, những khó khăn trước mắt sẽ từng bước được giải quyết để nghề CTXH sẽ trở thành một nghề chuyên nghiệp thật sự, hoạt động có hiệu quả hơn, tiến tới xây dựng một xã hội giàu lòng nhân ái và phát triển bền vững./.
Lường Hương – Trọng Lâm