Nhọc nhằn nghề gặt thuê
Thứ Sáu, 05/06/2015, 14:11 [GMT+7]
Điện Biên TV - Những ngày cuối tháng 5, dưới cái nắng ngột ngạt của chiều hè đổ lửa, trên cánh đồng lòng chảo Mường Thanh, nông dân tất bật với công việc thu hoạch lúa đông xuân. Không chỉ có chủ nhân của mảnh ruộng mà còn đông đảo những người gặt thuê “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Vất vả, nhưng họ vẫn cười nói vui vẻ vì đây là cơ hội kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
6 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại tại ngã 3 bản Nôm, xã Noong Luống, huyện Điện Biên – địa điểm thợ gặt thuê tập trung, chờ chủ ruộng thuê gặt. Mặc dù còn sớm nhưng một số thợ gặt thuê đã được thuê đi gặt trước, chỉ còn lại một số người đứng ngồi chờ đợi. Trong số đó, người phụ nữ gầy guộc, nước da đen nhẻm đang tếu táo với mọi người trong nhóm là chị Trần Thị Nhung, đội 4A2, xã Noong Luống, huyện Điện Biên. Sau một hồi trò chuyện với chúng tôi, chị Nhung chia sẻ: Những người gặt thuê như các chị thường đi theo từng nhóm (ít thì 6 người, nhiều hơn thì 15 người); là anh em, bạn bè cùng thôn, bản trong xã. Trước kia, chỉ gặt thuê quanh bản, xã, nhưng thấy thu nhập cũng khá nên rủ nhau đi gặt thuê xa hơn kiếm thêm thu nhập. Những năm trước đây, thời gian gặt thuê thường kéo dài khoảng gần 1 tháng, nhưng nay do có nhiều máy gặt đập liên hợp hoạt động nên thời gian thu hoạch lúa rút ngắn còn nửa tháng. Tuy nhiên, có nhiều hộ gia đình không thuê máy gặt vì gặt xong, hạt thóc còn tươi và rơi vãi nhiều. Thuê người gặt sẽ cẩn thận hơn và lúa được cắt, phơi nắng, hạt thóc sẽ khô ráo. Có như vậy, những người gặt thuê như các chị mới có cơ hội kiếm thêm tiền mua sách vở, đóng học phí cho các con.
Những người thợ gặt thuê cặm cụi với việc gặt lúa thuê trên cánh đồng xã Thanh Xương, huyện Điện Biên
|
Việc cắt lúa thuê nhọc nhằn, vất vả. Hàng ngày, chị lục đục thức dậy từ 4 - 5 giờ sáng, lo cơm nước cho con cái, đồng thời chuẩn bị mũ nón, quần áo, liềm hái đi gặt thuê. Nếu chủ ruộng hẹn trước thì cứ thế ra đồng, còn không thì phải ra ngã 3 bản Nôm đợi chủ ruộng đến thuê, cũng có hôm phải về vì không có người thuê. Đã đi gặt thuê, hôm nào về sớm thì 4 - 5 giờ chiều, còn muộn thì phải hơn 8 giờ tối. Sau một ngày làm việc, về tới nhà cơm nước xong là lăn ra ngủ, rồi mai lại dậy sớm chuẩn bị đi. Buổi trưa nắng thì tấp vào bụi cây hay bờ ruộng ăn uống, ngồi nghỉ một chút rồi làm tiếp. Nhiều hôm nắng chang chang, giữa đồng nắng như thiêu như đốt nhưng cả nhóm vẫn phải cố gắng vì vào nhà dân trong xóm thì xa, đi lại tốn thời gian. Làm quần quật cả ngày như vậy, thời điểm giữa vụ, một ngày công của các chị cũng được 150 nghìn đồng/người, còn đầu hay cuối vụ, ít người thuê gặt thì tiền công giảm xuống chỉ còn 130 – 140 nghìn/người/ngày. Đang mải mê tâm sự với chúng tôi, thì có chủ ruộng tới thuê gặt, chị Nhung cùng mọi người trong nhóm xúm lại chỗ người đó. Sau những thỏa thuận chóng vánh với chủ ruộng, các chị nhanh chóng rời đi để bắt đầu một ngày làm việc nặng nhọc, vất vả.
Chia tay chị Nhung, buổi chiều hôm đó, chúng tôi ra đồng cùng anh Lường Văn Nhọt, đội 14, bản Pú Tỉu, xã Thanh Xương - thợ gặt thuê có thâm niên để hiểu hơn những nhọc nhằn, vất vả mà các anh trải qua. “Dãi nắng dầm mưa” nhiều nên nước da của anh đã đổi màu đen nhẻm. Nắng nóng gay gắt, song anh vẫn thoăn thoắt tay liềm và chuyện trò rôm rả, vì làm công việc này, anh có tiền chi tiêu trong gia đình. Lau những giọt mồ hôi chảy ướt áo, anh Nhọt tâm sự: Hơn 8 năm qua, trên cánh đồng khắp các thôn, bản, xã của hầu hết huyện Điện Biên, nơi nào cũng có dấu chân của anh. Sau khi thu hoạch hơn 2.000m2 ruộng, vợ chồng anh tranh thủ đi gặt thuê kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Công việc đồng áng vất vả, cần có sức khỏe dẻo dai. Thời tiết nắng nóng, bỏng rát, nhưng theo anh Nhọt, trời nắng tuy nóng bức, ngột ngạt, song vẫn còn hơn mưa xuống, vì nếu mưa ướt, một bó lúa nặng gấp 3 lần bó lúa khô. Đồng nghĩa với việc, anh và những người gặt thuê như anh phải làm việc vất vả hơn. Như thế, chúng tôi mới thấu hiểu thế nào là “Trông trời, trông đất, trông mây - Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Không chỉ vậy, thời gian làm việc để xứng đáng nhận đồng tiền công cũng không phải ít. Bình thường để bắt đầu ngày đi gặt thuê, anh chị phải thức dậy từ 4 - 5 giờ, nấu cơm ăn xong ra chỗ đợi người thuê gặt. Để khỏi nắng, chủ ruộng yêu cầu gặt từ 7 giờ cho đến 10 giờ thì nghỉ, buổi chiều từ 2 giờ, nếu nghỉ sớm cũng phải 5 giờ chiều, gặp phải gia đình tham việc đến 8 – 9 giờ tối mới được về nhà. Vất vả nhưng anh Nhọt phấn khởi vì thu nhập được 150 nghìn đồng/ngày. Mỗi vụ, thời gian thu hoạch lúa thường kéo dài từ 10 – 20 ngày, vợ chồng anh Nhọt cũng kiếm thêm từ 6 - 7 triệu đồng để mua sách vở, đóng học phí cho các con và sinh hoạt gia đình.
Mỗi khi ngày mùa đến, chị Nhung, anh Nhọt và những người gặt thuê khác đều có chung niềm vui, phấn khởi. Khi vụ gặt kết thúc, cũng là lúc cuộc sống của họ bớt phần khó khăn hơn. Rồi lại mong vụ gặt sau những cánh đồng lúa chín vàng bội thu để có thêm nguồn thu nhập./.
Phạm Quang